Gạo “bác ái”

08/11/2008 23:11 GMT+7

Linh mục Phao-lô Nguyễn Thực, cha chánh xứ nhà thờ Hà Đông (P.16, Gò Vấp, TP.HCM) là một trong số những điển hình người Công giáo sống tốt đời đẹp đạo. Ông là... Chúa của hàng ngàn người mù lòa, nghèo khổ; là hiện thân của tình thương yêu, lòng bao dung và tinh thần bác ái.

Một trái tim - vạn tấm lòng

Nhà thờ Hà Đông, hôm chúng tôi đến có một nhóm 4-5 người lảng vảng trước sân, huơ huơ cây gậy dò dẫm bước đi. Hỏi tên, không ai cho biết. Một người trong số họ nói: “Chúng tôi mù lòa, tên tuổi mà làm chi chú ơi”. Họ bảo, nhân ngày nghỉ lễ đến đây vấn an và cám ơn cha đạo vì đã xót thương, cứu giúp họ bấy lâu nay. Sau khi hỏi chuyện những người mù xong, tôi được một giáo dân dẫn ra sau nhà nguyện gặp linh mục chánh xứ. Ngày nghỉ lễ người đi nhà thờ rất đông. Lúc đó đã gần khai lễ. Chuông nhà thờ giục vang.

Nhưng tôi thấy cha đạo và hai cộng sự của ông trong Hội đồng mục vụ nhà thờ vẫn cặm cụi bàn tính chung quanh một cái bàn nhỏ ở nhà nguyện. Trong bản kế hoạch, chính xác hơn là “Lịch phục vụ người mù, người nghèo” tháng 9.2008, tôi liếc thấy: ngày 1 tặng gạo cho 40 người ở quận 9, 68 người ở quận Thủ Đức; ngày 4 tặng 34 người tại quận 12 và 101 người tại huyện Hóc Môn...; ngày 18 đi Cần Đước, Long An tặng cho chi hội người mù 20 suất và đi huyện Thống Nhất (Đồng Nai) tặng Ban chấp hành Hội người mù 125 suất; ngày 25 tặng bữa cơm cho 8 cụ già neo đơn và gia đình nghèo của phường 16, Gò Vấp...

Số địa điểm mà linh mục và Cộng đoàn giáo xứ Hà Đông đi tặng gạo trong tháng 9.2008 là 25 với tổng số người nhận là 1.516 người, trong số đó có 1.400 người mù của 21 chi hội người mù tại TP.HCM, còn lại là Hội người mù các tỉnh và hai mái ấm “Thiên n”, “Hừng Sáng” ở TP.HCM. Ông Đỗ Long Thành, Chủ tịch Hội đồng mục vụ nhà thờ Hà Đông cho biết, trước kia mỗi tháng nhà thờ tặng mỗi người 10 kg gạo và 1 thùng mì gói. Gần đây, giá gạo tăng nên nhà thờ cắt bớt phần mì, chỉ còn 10 kg gạo/người/tháng. Dù vậy, tổng chi phí cho việc mua gạo mỗi tháng cũng đã lên đến 163,4 triệu đồng.

Tôi nhẩm tính: vậy là, mỗi năm nhà thờ Hà Đông đã bỏ ra gần 2 tỉ đồng cho việc này; vị chi, 7 năm qua nhà thờ làm việc nghĩa vì người mù, người nghèo không dưới... 10 tỉ đồng. Số tiền quả là không nhỏ đối với một xóm đạo chỉ hơn 1.000 hộ gia đình giáo dân như xóm đạo Hà Đông. Các vị trong Hội đồng mục vụ nhà thờ cho biết, để có được số tiền này, là do sáng kiến của chính linh mục Nguyễn Thực. Đích thân ông đã vận động con chiên trong đạo góp lại theo cách “mỗi gia đình nhận giúp một người mù”. Và chính linh mục đã trích tiền riêng để dành được trong 21 năm làm linh mục của ông bỏ vào quỹ mua gạo, làm gương cho bà con giáo dân xóm đạo. Nhiều gia đình có thân nhân là Việt kiều về thăm quê hương, nghe tin lành này cũng đã góp thêm tiền của, phụ với cha Thực để việc nghĩa được lan tỏa xa hơn. Tháng nào thiếu gạo cho họ, linh mục chánh xứ lấy tiền túi bỏ vào cho đủ.

Điểm tựa để người mù bước đi

Khi được hỏi vì đâu lại có ý nghĩ giúp người mù, linh mục Nguyễn Thực nói: “Trong giáo hội, ai cũng thấy làm một việc thiện thì vui mừng vì đã làm được điều Chúa dạy. Tôi cũng chỉ làm theo ý Chúa. Tổ tiên ông bà ta cũng bảo “chị ngã em nâng, lá lành đùm lá rách” đó thôi”. Lại hỏi: vì sao trong đời này có nhiều người nghèo khổ, cách khổ cũng khác nhau, sao cha chọn người mù? Linh mục Thực: “Người mù là người bất hạnh, đau khổ nhất trong số những người bất hạnh, khổ đau. Họ không cảm nhận được cuộc sống diễn ra quanh mình”. Để minh họa lời cha Thực, ông Thành dẫn Kinh thánh Mát-thêu chương 25, câu 40: “Đèn của thân thể là con mắt. Nếu ánh sáng nơi anh thành bóng tối thì sẽ tối biết chừng nào”.

Tại xóm đạo Hà Đông, ngoài việc giúp gạo cho 1.400 người mù và nhiều gia đình nghèo, cụ già neo đơn… con em giáo dân của giáo xứ đã nhiều năm liền hưởng ứng đăng ký nghĩa vụ quân sự, tham gia công tác dân phòng, tích cực phòng chống tệ nạn xã hội. Nhiều con hẻm xóm đạo đã được bê tông hóa theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Thật ra, ý nghĩ giúp người mù nơi linh mục Nguyễn Thực có căn nguyên của nó. Theo lời ông kể, hồi còn ở nhà thờ Bình An Thượng (Q.8, TP.HCM), một hôm có một người mù bán vé số đến gặp ông than khóc, nói rằng, bị bọn côn đồ cướp hết tiền và vé số, nhờ ông thương xót cho một ít tiền mua gạo nấu cơm. Ông đã trả tiền một nửa số vé bị mất và vận động bà con trả nửa số còn lại. Mấy ngày sau, lại có thêm mấy người nữa cũng mù lòa, cũng bán vé số, cũng “bị cướp”, đến cầu xin linh mục ban phước lành, giúp cho bữa cơm. Ông hiểu rằng, có thể trong số những người đến than khóc kia có người không bị cướp tiền, cướp vé số gì cả. Song, cái khổ hạnh thì ông chắc một điều rằng không ai khổ hơn những người mù. Theo cha Thực, nếu cha làm việc thiện thì chính người mù là người cần được cứu giúp trước tiên. Ý nghĩ đó đã được ông đem ra thực hiện khi về làm chánh xứ nhà thờ Hà Đông - Gò Vấp. Linh mục cho biết, sau 7 năm miệt mài thực hành lời Chúa về lòng bác ái giúp gạo người mù, ông đã xây dựng được một tập thể xóm đạo luôn biết yêu thương con người. “Làm được điều này lòng tôi thấy bình an, thanh thản lắm”, linh mục Nguyễn Thực tâm sự.

Xóm đạo này, 7 năm nay được biết đến như một địa chỉ thân thiện của hàng ngàn con người sống trong bóng tối. Hay nói theo ngôn ngữ của giáo dân Ki-tô - là nơi “cứu rỗi” những sinh linh mù lòa. Tôi chiêm nghiệm rất rõ điều mà ông Lê Giáo, Văn phòng Ủy ban đoàn kết Công giáo TP.HCM nói với tôi trước khi bước vào xóm đạo này: “Ở đó có tấm lòng một ông cha đạo đang soi rọi, chỉ đường cho chiếc gậy của những người mù”.

Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.