Lại thêm một vườn cây quý sắp bị "xóa sổ"

15/10/2004 22:02 GMT+7

Ở thành phố hoa Đà Lạt, nhiều người biết đến nghệ nhân Mười Lời vì ông đã có công bảo vệ và phát triển những giống hoa quý hiếm. Ngôi vườn rộng gần 6.000m2, với hơn 2.000 gốc đào quý, cùng nhiều loại cây quý hiếm khác đã đưa nghệ nhân chân đất Mười Lời đoạt nhiều giải thưởng trong cả nước. Thế nhưng vườn cây vốn nổi tiếng ấy nay đang sắp bị "xóa sổ", vì nằm trong diện tích quy hoạch khu dân cư mới.

Là người nông dân chân chất gốc Quảng, cuộc đời ông Bùi Văn Lời (Mười Lời - ngụ tại 15A Lê Hồng Phong - Đà Lạt) đã gắn bó với giống hoa anh đào, ông đã đem hết kỳ công để chiết ghép thành công những giống quý, tô điểm thêm cho thành phố ngàn hoa Đà Lạt một nét son bằng loài hoa anh đào nhiều màu sắc. Hơn 10 năm dày công nghiên cứu, đến nay ông đã có những thành công nhất định. Thế nhưng chưa kịp mừng với thành quả ấy, vườn cây quý của ông đang đứng trước nguy cơ bị "xóa sổ", vì nằm trong khu quy hoạch dân cư. Trong đơn kiến nghị gửi lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, cũng như lãnh đạo TP Đà Lạt, tiến sĩ sinh học Nguyễn Thị Đào - Giám đốc Công ty Dịch vụ kỹ thuật nông nghiệp (GINO Co. Ltd) đã đề nghị lưu giữ vườn cây quý này. Theo tiến sĩ Đào, vườn cây quý này còn là công sức của nhiều nhà khoa học trong cả nước. Với 6.000m2 đất, được sưu tầm nhiều giống hoa quả cho vùng sinh thái Đà Lạt, khu vườn được xem như bộ sưu tập các loại giống mới, bộ sưu tập nguồn gien mang tầm vóc quốc gia. Về mặt giáo dục: nơi đây thường xuyên thu hút các nhà khoa học, và nhất là những nhà làm vườn gần xa trong cả nước đến học hỏi, là nơi ghi dấu nhiều chuyến tham quan thực tế của hàng trăm sinh viên trong cả nước. Về mặt công sức: để có khu vườn này cần hơn 10 năm làm việc của nhiều người tâm huyết. Về mặt thực tiễn: đây còn là điểm nhân các giống mới cho Đà Lạt và các vùng lân cận trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao và mang bản sắc của vùng cao nguyên Đà Lạt. Riêng nghệ nhân Bùi Văn Lời là tấm gương cho các thế hệ sau học hỏi về lòng đam mê công việc. Tiến sĩ Nguyễn Minh Châu - Viện trưởng Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam (trực thuộc Bộ NN & PTNT) khẳng định vườn cây nghệ nhân Mười Lời là nơi xác định nhanh nhất khả năng thích nghi của những loại cây mang từ nước ngoài về trong điều kiện khí hậu Việt Nam, vì thực tế nhiều cây đã phát triển tốt và có thể nhân giống những giống cây quen thuộc ở Úc, New Zealand, Đài Loan, Hồng Kông.

Ở đây có những cây đào Hà Nội ghép trên cây đào Đà Lạt thành công do công của tiến sĩ Nguyễn Viết Tùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Nông nghiệp I; cây chanh không hạt của tiến sĩ Nguyễn Thị Đào mang từ nước ngoài về nhân giống; cây hồng giòn phu du, cây đào Nettơrin của Úc, cây bưởi da xanh ruột đỏ, cây sabô Mêhicô, cây bơ H của Úc, cây khế ngọt, cây cam, quýt, chanh không hạt từ nước ngoài mang về của tiến sĩ Nguyễn Minh Châu; cây hạnh nhân, cây cam, quýt không hạt của Mỹ ghi công của ông Phan Hữu Giản - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt; rồi các loại cây ghép theo mô hình nghệ thuật có một không hai như: bưởi ghép 5 miền đất nước; cây hồng ăn quả ghép 3 chân; cây mận Tam Hoa ghép trên cây đào; cây chanh ngọt của Úc ghép trên cây bưởi; cây mơ chùa Hương ghép trên cây đào; cây nhất chi ghép trên cây đào; cây hoa đào Vương quốc Anh, cây kỳ nam hương trầm, cây quế chi, cây sim rừng... đều được chiết từ trong khu vườn này. Hội Làm vườn tỉnh Lâm Đồng đã đề nghị ghép 5.000 - 10.000 giống cây có giá trị để dần thay thế các vườn cây tạp cho nhân dân Đà Lạt.

Thiết nghĩ, UBND TP Đà Lạt cần xem xét, cân nhắc về quyết định "giải tỏa" vườn cây quý này (vì theo quy hoạch, nơi đây sẽ là công viên trong khu dân cư mới). Trong trường hợp không thể giữ lại TP Đà Lạt cũng nên cấp một khu đất khác hội tụ các điều kiện cần thiết để di dời vườn cây đến địa điểm mới.

Lê Hân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.