Kinh tế TP.HCM: Bức tranh sáng sủa

02/10/2007 15:32 GMT+7

Từ kết quả 9 tháng của năm 2007, dự báo cả năm hầu hết các chỉ tiêu kinh tế-xã hội chủ yếu của TP.HCM đều sẽ đạt và vượt kế hoạch đặt ra.

Dịch vụ tăng cao

Báo cáo tại Hội nghị sơ kết tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng qua và các giải pháp trọng tâm 3 tháng cuối năm của UBND TP.HCM, tổ chức sáng nay 2.10, cho thấy GDP của thành phố 9 tháng qua tăng 11,7%. Đây là mức tăng GDP  của 9 tháng cao nhất trong 4 năm qua (2004 tăng 10,4%, 2005 tăng 11,4% và 2006 tăng 11,5%). Ước tính cả năm, GDP của thành phố tăng trưởng 12,3-12,5% so với mức tăng khoảng 8,4-8,5% của cả nước.

Điểm đáng chú ý là sau nhiều năm tập trung đầu tư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lĩnh vực dịch vụ bắt đầu gia tăng khoảng cách cao với các lĩnh vực còn lại. 9 tháng qua, các ngành dịch vụ tăng 13,4% (ước cả năm tăng 14,1%) và đang chiếm tỉ trọng 51,5% trong cơ cấu kinh tế thành phố. Bốn ngành dịch vụ quan trọng là tài chính - ngân hàng, du lịch, vận tải - dịch vụ cảng và kho bãi, bưu chính viễn thông có mức tăng trưởng mạnh nhất. Cụ thể, vốn huy động qua ngân hàng đạt hơn 405 ngàn tỉ đồng (tương đương 25 tỉ USD), tăng 60,4% so cùng kỳ; tổng dư nợ tín dụng đạt 316 tỉ đồng (tương đương 20 tỉ USD), tăng 49,5%. Riêng lượng kiều hối chuyển về thành phố qua hệ thống ngân hàng đạt trên 3 tỉ USD; lượng vàng các doanh nghiệp chuyên kinh doanh vàng nhập khẩu vào thành phố trên 60 tấn, tương đương 1,2 tỉ USD.

Ngành du lịch đạt tổng doanh thu trên 15.000 tỉ đồng (tương đương 1 tỉ USD), tăng 40% so cùng kỳ. Lượng khách quốc tế đến thánh phố đạt 1,9 triệu lượt, tăng 13,7%. Vận tải hàng hóa đạt 74,72 triệu tấn, tăng 35,9% (cùng kỳ 2006 tăng 8,3%). Lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng trên địa bàn đạt 39,6 triệu tấn, tăng 22,3% (cùng kỳ 2006 tăng 5,4%). Tổng số thuê bao điện thoại trên địa bàn đạt 8,16 triệu máy, bình quân 132 máy/100 dân; trong đó, thuê bao cố định tăng 20% (đạt 1,57 triệu máy) và thuê bao di động tăng 88% (đạt 6,59 triệu máy)...

Thu hút vốn đầu tư nước ngoài dự kiến cũng sẽ đạt một kỷ lục mới: khoảng 2,5 tỉ USD vào cuối năm nay. Hết tháng 9, đã có 308 dự án mới được cấp phép với tổng vốn 1.123,9 tỉ USD; 93 dự án tăng vốn với tổng số hơn 205,4 triệu USD. “Đến giờ, trong tay chúng tôi nắm chắc khoảng 2,2-2,3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đến cuối năm” - Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Thái Văn Rê khẳng định. Thế nhưng, vốn đầu tư trong nước mới là “nhân tố gây bất ngờ” nhất. 9 tháng đầu năm, đã có 12.495 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 95.881 tỉ đồng (tương đương 6 tỉ USD) được cấp phép. “Chỉ cần 30% số vốn này được triển khai trong năm thì đã có thêm gần 2 tỉ USD phát triển thành phố” - chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hoàng Quân kỳ vọng.

Tiếp tục cải cách để phát triển

Mặc dù đạt kết quả khả quan, nhưng lãnh đạo thành phố yêu cầu các sở, ngành, quận - huyện, các tổng công ty lớn không được chủ quan trong những tháng còn lại của năm 2007. “Để hoàn thành kế hoạch tăng trưởng GDP cả năm từ 12,3-12,5%, các tháng còn lại của năm phải phấn đấu tăng GDP thấp nhất 13,5%” - ông Lê Hoàng Quân nói, đồng thời yêu cầu lãnh đạo các đơn vị ngay sau hội nghị về rà soát lại tất cả các hoạt động, chỉ tiêu nhiệm vụ, tập trung đầu tư hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

Ông Lê Hoàng Quân  nhấn mạnh đến công tác cải cách hành chính và xem đó là một đòn bẩy trọng tâm thúc đẩy kinh tế phát triển. “Thủ tục hành chính phải nhanh, đồng thời thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc với các nhà đầu tư, người dân phải niềm nở. Thủ tục nhanh, nhưng khi gặp nhà đầu tư, doanh nhân mà cán bộ, công chức mặt cứ như “hình sự” thì cũng bằng không” - ông Quân nhắc nhở.

Ngay việc giải ngân vốn cho các công trình trọng điểm, theo ông Quân cũng là quá chậm và “các ngành liên quan phải tập trung giải ngân nhanh cho các công trình này”. Ông Quân nói: “Vài năm trước thành phố thiếu vốn. Giờ thì tiền chờ công trình, trong khi thủ tục nhiều dự án lớn chậm rì, dự án đưa ra sửa đi sửa lại” và yêu cầu: “Các sở gần gũi với đời sống, xã hội như qui hoạch - kiến trúc, xây dựng, tài nguyên - môi trường... cần phải chuyển động nhanh hơn nữa, cải tiến thủ tục hơn nữa để đáp ứng yêu cầu phát triển”. Riêng sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Quân giao nhiệm vụ trong 15 ngày đầu tháng 10 phải tập trung lo các dự án lớn thành phố đã đồng ý cho đấu thầu, công khai thông tin, tiêu chuẩn đấu thầu để các nhà đầu tư biết và đăng ký đấu thầu...

Giải quyết vấn nạn ùn tắc, kẹt xe cũng được chủ tịch UBND thành phố lưu ý các sở, ngành, địa phương. Theo tính toán của các chuyên gia, với tình hình ùn tắc giao thông nghiêm trọng như thời gian gần đây, mỗi năm thành phố thiệt hại khoảng 900 triệu USD. So với GDP thành phố cả năm nay ước đạt 15 tỉ USD thì con số thiệt hại do ùn tắc, kẹt xe là rất lớn, chưa kể môi trường đầu tư, du lịch, môi trường sống... bị ảnh hưởng nghiêm trọng. “Tất cả chính quyền các cấp phải vào cuộc để kéo giảm tình trạng này” - ông Quân “mệnh lệnh”.

Đức Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.