Khám phá biển Tây - Kỳ 2: Người dẫn đường ở đảo

24/10/2008 11:21 GMT+7

1. Trên đường tìm đến nhà Tư Mai - Phạm Văn Mai, 53 tuổi, ở ấp Suối Cát, xã Cửa Dương (huyện Phú Quốc), nhiều người nói với tôi rằng Tư Mai là người giỏi đi rừng, như sói của rừng xanh.

Từ lúc cùng cha sinh sống và khai khẩn đất Phú Quốc đến nay, bàn chân ông đã đi khắp 99 ngọn núi từ bắc đảo đến nam đảo, từ hòn Chảo qua hòn Hàm Rồng, từ đỉnh núi Chúa cao nhất đảo đến khu vực lũng vực sâu ở sông Rạch Tràm, sông Dương Đông. Ông biết nhiều chuyện ly kỳ như cổ tích của rừng đảo Phú Quốc.

Khi đến nơi, trước mặt tôi ông Tư Mai là người hành nghề vá ép xe. Cơ ngơi của ông là ngôi nhà tôn đơn sơ, nơi nương náu của vợ chồng ông và sáu người con.

2. Thời chiến tranh, ông Phạm Văn Thái, cha Tư Mai, phải ẩn trong rừng chế tạo vũ khí chống Mỹ. 10 tuổi, Tư Mai đã là người rừng trẻ thơ, băng rừng đưa tin, tiếp tế gạo thuốc cho cha và những người hoạt động bí mật. Tư Mai vừa là người hậu phương, vừa là người tiền trạm rong ruổi suốt hai mùa nồm - chướng ở biển rừng Phú Quốc, cứ thế mưu sinh và liên lạc, sống trọn đời với Phú Quốc. Ông nói ở nơi lắm thú dữ âm u nhất là nơi an toàn nhất và cũng là nơi kỳ thú nhất trong cuộc đời rừng rú của ông.

Đi rừng, cuộc trò chuyện của Tư Mai với muông thú cứ liên hồi huyên náo ban mai. Ông kể: “Mấy năm qua tôi đã đi với nhiều nhà khoa học, phát hiện hàng chục loài lan quý hiếm trong đó có lan vân hài, âm lan núi, ái lan lá đẹp, hàng chục loài bò sát, linh trưởng, khỉ đuôi dài, voọc xám, voọc bạc”. Ông nói vui: “Tôi chỉ thua mấy ổng (các nhà khoa học) tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha…, chứ còn tiếng của thú rừng ở 99 ngọn núi này thì chưa biết ai hơn ai”.

Chỉ nghe tiếng khỉ kêu, Tư Mai biết con nào đực con nào cái. Ông biết mọi sự chuyển động của loài côn trùng kiến bọ đều báo hiệu một sự thay đổi theo quy luật năm tháng của rừng xanh. Ông biết từng ngõ ngách, biết mọi cách băng rừng, vượt suối, lên vồ xuống ảng… Có lẽ vì vậy mà những người ở đây gọi ông bằng biệt danh “người dẫn đường số một” ở rừng đảo Phú Quốc rộng bao la này.

Ông Tư Mai (bìa phải) cùng lực lượng kiểm lâm ở bãi Thơm ươm giống cây rừng gỗ quý -Ảnh: Q.Vinh

Vườn quốc gia Phú Quốc (Kiên Giang) rộng 31.422 ha, được quy hoạch thành ba phân khu chức năng: phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 8.786 ha, phân khu phục hồi sinh thái 22.603 ha và phân khu hành chính - dịch vụ - nghiên cứu khoa học 33 ha.

Rừng có nhiều hệ sinh thái quý hiếm như: rừng cây gỗ lớn họ dầu, rừng tràm tập trung, rừng tràm rải rác xen lẫn đồng cỏ tranh, rừng tái sinh sau nương rẫy. Nơi đây được xem là một trong những khu rừng nguyên sinh quý hiếm vào loại nhất nhì VN.

Theo đề án tổng thể bảo vệ môi trường đảo Phú Quốc đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu đến năm 2020 rừng tại Phú Quốc được che phủ với tỉ lệ trên 75%. Các biện pháp cụ thể thực hiện: tăng cường trồng lại rừng ngập mặn, chăm sóc bảo dưỡng rừng trồng trên đất úng chua phèn. Thực hiện các giải pháp làm giàu rừng ngập mặn bằng việc đa dạng hóa các loài thực vật, động vật thủy sinh. Quy hoạch khoanh vùng các rạn san hô, thảm cỏ biển để tiến tới xây dựng khu bảo tồn san hô, cỏ biển. Bảo vệ nguyên trạng các hệ sinh thái rừng tự nhiên, rừng phòng hộ đầu nguồn trên đảo.

Mỗi cánh rừng, con suối ở đây với Tư Mai là một kỷ niệm, một câu chuyện độc đáo về rừng. Chuyện rừng Hàm Ninh ngày trước có con rắn khổng lồ, thân như cây cóc nuốt thốc một con nai nằm vắt ngang lối đi mấy ngày liền.

Chuyện con trăn say mật ong nằm cuộn tròn được ông bỏ bao đem về làm gối nằm. Chuyện con sông Cửa Cạn 24km dài nhất đảo từng xảy ra cảnh cá sấu táp con heo rừng đứt làm đôi. Chuyện rừng xanh lúc ngớt tiếng súng, khi mùa xuân về muông thú giao duyên, giao hoan và những trận tam bành của những con khỉ đực tranh nhau con cái làm thẹn cả núi  rừng…

3. Ngày trước ai nói Tư Mai mưu sinh bằng cách hạ sát thú rừng, chim cá, ông bảo đó chỉ là thói quen bản năng để sinh tồn làm vốn nuôi bầy con. Thói quen sinh tồn ấy đã đẩy đưa ông đến những cánh rừng sâu hiểm trở chưa bàn chân người đến. Tư Mai còn nói như sám hối mỗi khi nghe tiếng khỉ ché ché tru lên.

Trong một lần vào rừng sâu săn thú, ông bắn trúng một con khỉ mẹ đang cho con bú trên cành. Khỉ mẹ tru lên thảm thương, nó cố gượng trao đứa con lại cho khỉ cha rồi chúi đầu xuống đất. Khỉ cha lao mình qua cành cây khác, nhưng vẫn không thoát viên đạn thứ hai, nó tru tréo dữ dội rồi ôm con vào lòng loạng choạng rơi xuống. “Chú khỉ con mất cha và mẹ được tôi đem về nuôi với ý định sau này sẽ thả vào rừng. Thế nhưng khi nó lớn lên đã không còn bản năng hoang dã tự tìm mồi được nữa”.

Nói đến đây Tư Mai đứng chôn chân. Ông kể: “Năm 47 tuổi, nhiều đêm mưa rả rích, mỗi lúc nhớ đến tiếng thét xa con của khỉ mẹ, tôi thấy mình tội lỗi và nói với vợ thề giải nghệ, trả ơn cho rừng”.

4. Tư Mai vẫn rào rào kéo tôi băng rừng, ngược sông Rạch Tràm qua ngã ba sông nơi hợp lưu của ba dòng suối trắng, đỏ, đen lạ mắt lặng lờ chảy ra biển. Núi đảo hội tụ nhiều loài hoa rừng đa sắc, nhiều sinh cảnh từ triền dốc đến bình nguyên, đến cánh rừng ngập mặn thoai thoải dập dềnh gợn gió.

Dù đã trăm lần qua nhưng ông vẫn tần ngần thổn thức, chính lúc “ngây rừng” ông tự bạch: “Với tôi, hiểu rừng mới là người giàu có!”. Ông biết trên chóp núi kia có một chồi hoa nhỏ để nâng niu, một sinh vật lạ để ghi dấu, gạch chéo trên bản đồ. “Tôi chờ các nhà khoa học tới để nghiên cứu bảo tồn. Cả vùng rừng Phú Quốc, cả vùng biển Tây này còn biết bao nhiêu điều hay chưa được khám phá”, ông nói. Hèn gì mà hạt phó Hạt kiểm lâm vườn quốc gia Phú Quốc Phạm Viết Giáp nói rằng: “Đi với Tư Mai sẽ luôn ngạc nhiên, ngưỡng mộ và cảm thấy yêu rừng hơn”. 

Tư Mai nói: “Tôi sẽ không sát thú, không thỏa hiệp với kẻ xấu phá rừng, ai làm giàu thêm cho rừng như các nhà khoa học, kiểm lâm thì tôi theo”. Ông bảo không thể nào nhớ hết tên hàng trăm loài hoa kiêu sa và dân dã ở rừng giàu sinh cảnh này. Ông mong một ngày nào đó các loài hoa cây cảnh quý từ rừng được nghiên cứu nhân giống, ngày đó ở Phú Quốc sẽ có những vườn hoa, những con đường hoa rực rỡ theo mùa để từ đó dẫn dắt bá tánh đến với rừng dù chỉ một lần trong đời.

Khi đi qua một khe suối nhỏ ở rừng Bãi Bổn, có tiếng một con khỉ gào thét liên hồi, ông bảo khỉ cái già đấy. Sau đó tiếng kêu tắt lịm, từ trong rừng một thanh niên chở một cái bao nhỏ bên trong rỉ máu chạy thục mạng. Tư Mai đứng bất động, không nói được lời nào nữa. Kẻ bất lương lại làm điều bất chính với núi non rừng thẳm. 

Tiễn tôi rời rừng, Tư Mai cười bảo: “Muốn đi rừng phải giữ được rừng, giữ được rừng sẽ còn có nhiều người dẫn đường như tôi”.

Theo Quang Vinh/Tuổi Trẻ

Kỳ 1: Những người đi mở đảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.