G20 quyết định cải tổ IMF

24/10/2010 12:28 GMT+7

(TNO) Sau nhiều tranh cãi xung quanh vấn đề cân bằng tỷ giá hối đoái giữa các quốc gia, trong phiên họp hôm 23.10, diễn ra tại thành phố Gyeongji (Hàn Quốc), bộ trưởng tài chính các nền kinh tế phát triển và mới nổi cũng đã đi đến sự thống nhất đầu tiên: cải tổ lại tổ chức Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo đó, tiếng nói của các quốc gia Tây u trong tổ chức này sẽ bị giảm bớt khi mất đi hai ghế trong Ban giám đốc IMF. Trong khi đó, số ghế tương đương với 6% lá phiếu tại IMF đã được ưu ái dành cho các quốc gia đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và mạnh.

Theo đánh giá của Giám đốc quản lý IMF, Dominique Strauss-Kahn, thì đây là bước cải tiến “lớn chưa từng có” trong lịch sử IMF. Vai trò của các nền kinh tế mới nổi, trong đó không thể thiếu tên Trung Quốc, đối với thị trường tiền tệ quốc tế từ nay sẽ được gia tăng đáng kể.

Quyết định cải tổ này được thông qua khá nhanh chóng có lẽ một phần vì vai trò của Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới, tại IMF vẫn được đảm bảo. Số ghế mà chính quyền Washington hiện đang nắm giữ tương đương với 17% số phiếu, trong khi đó, bất cứ một quyết sách nào muốn thông qua tại IMF đều cần tới 85% sự đồng ý.

Cuộc chiến tỷ giá Trung - Mỹ, áp lực lên toàn cầu

Các cuộc đối thoại tại Gyeongji lần này hầu như đều tập trung tranh luận các vấn đề cơ bản của thị trường tài chính, mà đôi khi được gọi một cách quyết liệt là "cuộc chiến tiền tệ".

Hầu hết các chỉ trích nguồn cơn của những rối rắm trên thị trường hiện nay đều tập trung vào Mỹ và Trung Quốc, mặc dù cho tới nay, vẫn chưa thể chắc chắn hai quốc gia này sẽ ở lại cho tới khi đạt được thỏa thuận cuối cùng giữa các nước G20.

Mỹ ngụ ý cáo buộc Trung Quốc thông qua việc kìm giá đồng nhân dân tệ đã đẩy kinh tế thế giới hồi phục chậm và gây áp lực để chính phủ nước này phải có chính sách tăng giá đồng nội tệ, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường thế giới.

Tuy nhiên, vẫn chưa có một khung thời gian nào được xác định cho sự thay đổi này, còn Bắc Kinh thì cho biết, sẽ phải duy trì mức tỷ giá hiện nay của đồng nhân dân tệ thêm một thời gian khá dài nữa nhưng họ cũng sẽ có biện pháp cải cách chính sách tiền tệ một cách từ từ.

Về phía Washington, với các biện pháp tác động tới thị trường tiền tệ như Cục Dự trữ liên bang nước này (Fed) đang và dự kiến sẽ áp dụng trong tương lai gần, có thể đẩy giá trị đồng USD xuống thấp hơn nữa. Điều này có thể đẩy các nhà đầu tư sang tìm kiếm những cơ hội mới hơn, lợi nhuận cao hơn và ít cạnh tranh hơn ở các quốc gia đang phát triển.

Xem xét một cách “qua loa”, có vẻ như đây chỉ là cuộc đối đầu giữa nền kinh tế số 1 thế giới và một nền kinh tế mới nổi luôn có sức tăng trưởng hàng đầu thế giới. Nhưng suy tới cùng, ảnh hưởng của sự đối đầu ấy tác động đến kinh tế thế giới trên một phạm vi không hề nhỏ.

Chính phủ Trung Quốc bị cho rằng đang kìm hãm “sự phát triển tự nhiên” của đồng nội tệ, còn Chính phủ Mỹ thì kiên quyết giữ mức tỷ giá thấp của đồng USD, đồng bạc xanh liên tục trượt giá. Chính những động thái này đã đẩy các đối tác thương mại của cả hai quốc gia (trong đó có cả Hàn Quốc và Brazil) phải chịu áp lực tăng giá đồng nội tệ.

Khi cả Mỹ và Trung Quốc đều là những thị trường tiêu thụ hàng hóa lớn trên thế giới, lượng nhập khẩu cao thì việc các quốc gia đối tác khác phải có những điều chỉnh về tỷ giá, nâng dự trữ ngoại tệ và kiểm soát dòng tiền trong bối cảnh hiện nay là không thể tránh khỏi.

Các chuyên gia phân tích lo ngại thế giới sẽ rơi vào một vòng xoáy của những can thiệp vào thị trường tiền tệ và kiểm soát nguồn vốn hết sức nguy hại trên phạm vi toàn cầu. Điều đó sẽ khiến thị trường mất đi sự phát triển tự nhiên và bất cứ lúc nào cũng có thể phá tung bộ khung mà các quốc gia đang cố ép vào.

Vậy đâu là giải pháp?

Bộ trưởng Kinh tế Đức, Rainer Bruederle phát biểu như một lời “buộc tội” đối với nước Mỹ, rằng nếu chính quyền Washington không có những biện pháp mới thì có thể sẽ gián tiếp gây nên sự thao túng thị trường tiền tệ.

Phát biểu tại hội nghị G20 lần này, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner vẫn khẳng định Mỹ nhận định được tầm quan trọng và vai trò của mình đối với sự bình ổn của hệ thống tài chính thế giới và những gì Chính phủ Mỹ đã và đang làm là nhằm nâng cao giá trị của đồng USD.

Phát biểu tại hội nghị lần này, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Tạ Húc Nhân cho biết thế giới phải cùng nhau đấu tranh chống lại cơ chế bảo hộ và cải thiện công bằng thương mại.

Các bộ trưởng cuối cùng cũng tìm được tiếng nói đồng nhất về việc tránh phá giá đồng tiền quốc gia và hướng tới xây dựng hệ thống chính sách tiền tệ. Tuyên bố của Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương lần này sẽ khuyến khích các quốc gia châu Á cùng nhau có biện pháp tăng giá đồng nội tệ.

Nhiều chuyên gia dự đoán đến khoảng tháng 11, tỷ giá trao đổi giữa đồng dollar Mỹ và nhân dân tệ sẽ được điều chỉnh ở mức 1 USD đổi 6,6 tệ, so với mức 6,66 tệ/1 USD (phiên 22.10).

Để đạt được những kết quả như mong muốn, Mỹ và Trung Quốc phải thực sự có những đối thoại thiện chí trên cơ sở vì sự phát triển kinh tế toàn cầu.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu u (ECB) Jeann-Claude Trichet phát biểu, việc các quốc gia cùng nhau chống lại nguy cơ giảm phát trên thị trường tiền tệ cũng là một “sự đóng góp vào sự thịnh vượng của thế giới”.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Pháp, thành viên hội đồng ECB, Christian Noyer cho biết, việc điều chỉnh nhằm tiến tới cân bằng sẽ không thể chỉ tập trung tới vấn đề tỷ giá hối đoái mà cần có sự điều chỉnh toàn diện đối với nền kinh tế vĩ mô.

Duy Trần
(theo Bloomberg, Reuters, Chinadaily, BBC)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.