“Liên hoan phim quốc tế đây! Ai dự không ?”

26/10/2006 16:53 GMT+7

Câu hỏi tưởng như đùa nhưng đó lại hoàn toàn là sự thật. Mỗi năm trên thế giới có hơn 2.000 liên hoan phim (LHP) được "gắn mác" quốc tế. Có những LHP mà người muốn tham dự chỉ cần điền vào một biểu mẫu có sẵn, gửi e-mail đến ban tổ chức là có thể đàng hoàng đi dự. Họ chẳng cần biết mặt mũi bộ phim bạn làm ra sao.

“Kính thưa” các loại LHP

Điểm danh sơ bộ các LHP tạm gọi là "vua biết mặt chúa biết tên", chúng ta đã thấy... chóng mặt! Đầu tiên là Cannes. Được tổ chức tại quê hương điện ảnh thế giới, Cannes giữ cho mình tiêu chí và xét chọn giải thưởng "kiểu của mình". Dĩ nhiên, chẳng ai chê phim của Cannes là dở nếu không muốn thiên hạ nói mình... dốt! Cũng ở châu u và được xếp vào loại lớn là LHP quốc tế Berlin. Năm 2006, Berlin đã đón chào chiến thắng của nữ đạo diễn Jasmila Zbanic với giải Gấu vàng.


Poster của LHP quốc tế Cannes năm 2006  -  Ảnh: 
www.cannes.org

Trong khi đó, LHP quốc tế Rome, Italia lần đầu tiên khai mạc vào ngày 12.10, đã trao giải cao nhất cho một bộ phim Nga và giải nam, nữ diễn viên chính cho người Pháp, Italia, giải Đặc biệt cho đạo diễn người Anh. Quả là một LHP quốc tế theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng! Ban tổ chức LHP Rome nỗ lực thì những người thực hiện LHP Venice cũng chẳng muốn đánh mất vị thế. Từ ngày 30.8 đến 9.9.2006,  LHP Venice lần thứ 63 đã diễn ra với những bất ngờ vốn có với 23 phim tham dự tranh Sư tử vàng. Nước Nga cũng có riêng LHP Moscow với những bộ phim ca ngợi vẻ đẹp đời thường.

Không phải là trung tâm điện ảnh thế giới nhưng châu Á cũng tập hợp kha khá LHP. Sớm nhất trong năm là LHP quốc tế Thượng Hải, Trung Quốc. Nối tiếp là LHP quốc tế Pusan, Hàn Quốc từ 12 đến 20.10.2006, hội tụ bầu trời sao của điện ảnh châu Á. Cũng trong tháng 10, LHP quốc tế Tokyo lần thứ 19 khai mạc tối 21.10 và bế mạc vào ngày 29.10.2006 tại Nhật Bản với 300 phim góp mặt. Sự trở lại của đạo diễn nổi tiếng Clint Eastwood sẽ mở màn LHP này với phim Flags of Fathers. Ngoài LHP Tokyo, Nhật còn có LHP quốc tế Fukuoka diễn ra từ ngày 15 đến 24.9 với sự tham gia của 24 tác phẩm xuất sắc nhất của các nước trong khu vực. Ngoài ra, châu Á còn có LHP quốc tế Bình Nhưỡng với chủ đề Hòa bình, độc lập và hữu nghị từ 13 đến 22.9.2006. Và dĩ nhiên không thể bỏ qua LHP châu Á - Thái Bình Dương sẽ diễn ra từ 21 đến 25.11.2006.

 Nước Mỹ cũng không kém cạnh các "đội bạn" khi tổ chức LHP thường niên New York lần thứ 44 từ 29.9 đến 15.10. Liên hoan thu hút số lượng lớn nhà làm phim của Mỹ và thế giới với bộ phim mở màn là The Queen của Stephen Frears. Bên cạnh đó là LHP Hollywood. Và, dĩ nhiên, không thể quên giải Oscar, dù không gọi tên là liên hoan nhưng nó mang tầm cỡ một liên hoan lớn nhất nhì thế giới với uy tín chuyên môn lẫn sự chú ý của khán giả. Giải thưởng Oscar là niềm mơ ước của những nhà làm phim khắp thế giới. Canada, láng giềng với "bạn" Mỹ cũng chẳng chịu thua với  LHP Toronto kết thúc vào 16.9.2006 bằng sự lên ngôi của bộ phim Bella  của đạo diễn Alejandro Monteverde. Bên cạnh LHP Toronto còn có LHP quốc tế Montreal từ 24.8 đến ngày 4.9 với 79 quốc gia tham dự và sự lên ngôi của những ngôi sao châu Á.

Những trang web "ngủ gục”!


Sư tử vàng của LHP Venice - Ảnh:
www.labiennale.com

Không phải ban tổ chức liên hoan nào cũng siêng đưa thông tin đến người hâm mộ khi website chính của LHP thường xuyên trong tình trạng... ngủ gục còn hình ảnh thì bé xíu. Nhất là với những LHP nhỏ, mang tính khu vực. Đơn cử, LHP quốc tế Pusan lần thứ 11 chẳng hạn. Kết quả đã trao hơn 3 giờ đồng hồ mà trang chủ không chịu cập nhật tin còn tờ tạp chí điện tử đưa tin liên hoan thì lại không đưa hình ảnh! LHP quốc tế Thượng Hải thì cho những tấm ảnh bé tí. LHP quốc tế Moscow cũng vậy. LHP Venice thì "tạm trú" cùng loạt hoạt động văn nghệ khác nên tìm riêng thông tin về nó cũng đủ mệt!

Xem ra, chuyên nghiệp và "siêng năng" nhất trong số các LHP nói trên là Cannes với mật độ đều đặn và hình ảnh tương đối khá. Nhưng cung cấp đầy đủ thông tin nhất chính là giải Oscar của Mỹ với việc mọi "tò mò" của khán giả được giải đáp qua trang chủ còn khoản hình ảnh thì... vô tư với rất nhiều ảnh to, đẹp.

Toàn gặp người quen

Một năm có bao nhiêu là LHP. Thế nên những bộ phim cứ thi nhau "đi ăn cỗ". Mới gặp The Queen tại Venice lại gặp ở New York, vừa thấy Penelope Cruz trong Volver tại Cannes đã tái ngộ cô ở New York và sẽ còn gặp lại cô ở Los Angeles, Mỹ với Oscar 2007! Những bộ phim khác cũng thế. Có lẽ nước nào cũng muốn đem "của quốc bảo" ra tranh các giải lớn nhỏ. Rốt cuộc, kẻ thiệt thòi lại là ban tổ chức các LHP. Chẳng lẽ, đem đến mà không xét, mà xét giải thì lại "đụng hàng"! Rõ là chán! Thế là có LHP "chơi chiêu" là chiếu khai mạc, bế mạc hoặc chiếu cho vui chứ không xét giải!

Chẳng biết các đạo diễn và diễn viên đụng mặt nhau côm cốp như vậy có thấy ngán không nhỉ? Chứ còn người quan sát thì thấy chán đến tận cổ! Với tình hình cung vượt quá cầu thế này thì e rằng sẽ có ngày, ban tổ chức phải rao lên rằng "Quý vị làm ơn (đưa phim mới) dự  LHP của tui giùm, xin cảm ơn!"

Đạo diễn lê bảo Trung: 10 năm nữa phim VN sẽ có giải thưởng !


Đạo diễn Lê Bảo Trung - ảnh: C.T.V

Xung quanh việc có quá nhiều LHP quốc tế và sự mờ nhạt của điện ảnh Việt trên bản đồ giải thưởng điện ảnh quốc tế, chúng tôi có cuộc trao đổi với đạo diễn trẻ Lê Bảo Trung.

* Anh nghĩ thế nào về việc có quá nhiều LHP quốc tế như hiện nay?

- Theo tôi, điều đó cũng tốt thôi. Hơn 2.000 liên hoan, mình tham dự được cái nào hay cái đó. Ra nước ngoài để mở rộng tầm nhìn, dù không có giải hoặc có giải nhỏ cũng còn tốt hơn là ở nhà, đóng cửa khen ngợi nhau hay... chê bai nhau. Ra nước ngoài để tiếp thị thương hiệu điện ảnh Việt đã là hạnh phúc rồi!

* Từng dự một số LHP trong khu vực, một cách thật khách quan, anh đánh giá về sự góp mặt của điện ảnh Việt tại các nơi ấy?

- Chúng ta cũng cố gắng tổ chức được những gian hàng phim Việt với các hình ảnh, tập sách giới thiệu phim, các bản phim chiếu thử... Tuy nhiên, thực lòng mà nói, so với các hãng phim lớn thì chưa là gì. Họ tổ chức các buổi hội thảo về phim rất hoành tráng, tốn kém nhiều lắm.

* Theo anh quan sát, báo giới và các nhà phê bình có quan tâm đến phim Việt Nam một cách đích thực không?

- Rất buồn khi phải nói thật là... chưa! Họ chỉ viết bài chung về liên hoan rồi nhận xét qua về phim của mình. Phim Việt tham gia liên hoan, họ quan tâm lắm. Nhưng đó là sự quan tâm dành cho một-người-mới-đến chứ không phải là quan tâm vì anh-đến-từ-một-nền-điện-ảnh-cần-được-quan-tâm. Sự khác biệt đó rất lớn.

* Anh dự đoán khi nào phim Việt sẽ có những giải chính thức do ban giám khảo trao, của các liên hoan và giải điện ảnh lớn như Oscar, Berlin, Cannes, Venice?

- Trước hết, phim Việt mà được chọn vào vòng tranh mấy giải đó đã là vinh dự lắm rồi, khoan mơ đến giải thưởng. Nhưng mà, dĩ nhiên, chẳng ai đánh thuế giấc mơ nên mình cứ... mơ. Theo tôi, chúng ta chỉ có giải thưởng lớn khi nền điện ảnh thực sự chuyên nghiệp. Tôi đang mơ 10 năm nữa, điện ảnh Việt sẽ có một giải nào đó, một trong 5 suất tranh Oscar Phim nước ngoài xuất sắc nhất chẳng hạn.

H.A (thực hiện)

 Vinh Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.