Niềm tự hào của tôi

23/12/2010 22:13 GMT+7

Báo Thanh Niên tròn 25 tuổi, tôi cũng tròn 5 năm làm phóng viên thường trú cho Thanh Niên ở Bình Thuận. Có lẽ khó có phóng viên nào ở Thanh Niên có hoàn cảnh giống như tôi. Từ một anh giáo làng, tôi mon men đến với Thanh Niên. Khi ấy, tôi vừa hưởng lương ngành giáo dục nhưng vẫn được Thanh Niên trả phụ cấp 1,5 triệu đồng/tháng (thời điểm năm 2004) - gần bằng lương tháng của thầy giáo.

Tôi nhớ nhất một kỷ niệm. Đầu tháng 11.2004, tôi đưa tin Bình Thuận, học lớp 6 vẫn không biết chữ. Cái tin được đăng ngay trang nhất, phản ánh nhiều học sinh ở huyện Bắc Bình, dù đã học lớp 6 nhưng vẫn không biết đọc, biết viết. Báo ra, ngay trưa hôm ấy tôi nhận điện thoại của lãnh đạo Phòng Giáo dục huyện hỏi: “Có phải anh viết bài trên Báo Thanh Niên?”.

Nếu khi ấy tôi nhận, có thể sẽ phải “khăn gói” ra khỏi ngành, hay ít nhất chịu sự kỷ luật của chi bộ. Nhưng rất may là liền sau đó, Tỉnh ủy Bình Thuận chỉ đạo Sở Giáo dục - Đào tạo thẩm tra thông tin báo nêu. Kết quả là có nhiều em diện đó, và một vài đồng nghiệp của tôi phải chịu hình thức kỷ luật vì "bệnh" thành tích. Mãi đến khi trở thành phóng viên chính thức của Thanh Niên, gặp lại những lãnh đạo của ngành, tôi mới dám nhận chính mình là tác giả. Nhiều tờ báo sau đó mở rộng đề tài này thành một chuyên đề, khiến ngành giáo dục phải ra tay với bệnh thành tích.

Sau 5 năm làm phóng viên thường trú, tôi được nhiều hơn là mất. Trong số những ca mổ tim cho những những trẻ em nghèo mà tôi từng giúp đỡ ở 2 huyện Tuy Phong và Bắc Bình, đến nay gia đình họ luôn nhớ đến Báo Thanh Niên như ân nhân của mình.

Có thể nói rằng, phóng viên thường trú có những đặc thù với những khắc nghiệt của nó. Suốt 5 năm qua tôi gặp nhiều thuận lợi nhưng khó khăn cũng không ít. Nhưng với thương hiệu của Thanh Niên trên mình, tôi luôn tự hào vì mình đã vượt qua và trưởng thành hơn rất nhiều.

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.