Về quê uống rượu

29/10/2008 10:16 GMT+7

Trong tiết thu trong veo, làng tôi đang rộn rập bước vào mùa cưới. Ông bác ruột gọi điện thoại cho tôi giọng rõ vẻ mừng: "Ngày... bác tổ chức đám cưới cho đứa cháu. Con đầu cháu sớm, mời anh về chung vui".

Chưa kịp dứt lời đã thấy bên kia đầu giây một giọng lè nhè vọng vào: "Hôm đó là ngày nghỉ, chú phải về uống rượu với anh. Chú không về là không được đâu đấy". Nhận lời mời kèm theo lời chúc sớm, tôi lại nghe thấy tiếng đầu giây bên kia vọng ra: "Anh lại rượu rồi đấy phỏng!". Và tôi cũng phải chuẩn bị tinh thần để về quê... uống rượu.

Rượu và.. dzô

Chiều cuối tuần tôi chạy xe về quê. Đi cùng còn có người anh vợ tôi đại diện cho gia đình ông bà thông gia với bố mẹ tôi. Chúng tôi vừa vào đến sân, đã nghe có người gọi giật: "A thằng N nó về rồi. Vào uống rượu". Chỉ có thế, ông anh họ và đứa cháu (là chú rể) đã lôi chúng tôi vào mâm...

Gần như một sự đồng thanh: "Vào 3 ra 7. Các chú cứ thế mà tiến hành" - những lực điền làng quê đưa ra lời mời nhưng cũng là một yêu cầu cứng khự. Lấy lý do hơi mệt vì mới đi xa về, tôi tìm cách khuấy động "đồng khởi" để tránh phải uống 3 chén "nhập mâm", nhưng với bất kỳ lý do nào đều không được chấp nhận. Cuối cùng, định mức được hạ xuống là 1 chén. Chúng tôi uống cạn. Chưa kịp đặt chén xuống, ông anh họ đã rót liền rồi phán: Đấy là ly nhập mâm, còn đây mới là ly "đồng khởi". Cả mâm xô ghế đứng lên. Một người bắt nhịp: Nào mình cùng hô dzô nhé.

Thế là tiếng "dzô" lan tỏa. Cả mâm trịnh trọng "tiền khách, hậu chủ", giám sát cho đến khi chúng tôi uống hết họ mới làm cái ực. Sau khi được lấy đũa bát để ăn cỗ, tôi đã lại nghe ông anh họ cất tiếng: Lâu lắm mới về, lại nhân đám cưới cháu nó, 2 chú em mừng anh 1 chén. Tôi tự nhủ thấy "lý do chính đáng". Chúng tôi lại nâng ly. Vừa định ngồi xuống, thằng cháu lại giơ chén về phía chúng tôi cũng lý do tương tự: "Hôm nay cưới cháu, các chú cũng phải mừng với cháu một chén". Người anh vợ nhìn tôi bắt đầu ái ngại. Nhưng rồi đứa cháu đề nghị, mọi người cũng hưởng ứng vun vào. Thế là lại thêm 1 ly rượu vào người.

Biết vậy tôi chủ động đề nghị mọi người vừa ăn, vừa uống. Ai uống được bao nhiêu thì uống, không ép. Vừa dứt câu, cả mâm nhao nhao phản đối. "Chú có câu rượu bất khả ép. Nhưng bọn anh có câu ép bất khả từ". Nói xong, một anh quay sang người anh vợ tôi nói: "Vì cây giây cuốn, nhờ thằng T mà anh mới biết chú. Chú "sầu riêng", thế là 2 chén rượu lần lượt chui tuột vào họng một cách dễ dàng!

Nhưng chưa hết, người bên cạnh đã lại rót ly rượu đầy mời mọc. Chỉ nghe loáng thoáng tiếng người anh vợ chối từ, anh kia đã át đi: "Uhm, không được. Về quê là phải nhập gia tuỳ tục. Anh đã có lời". Đến nước này thì không thể nói "không", ông anh tôi lại miễn cưỡng nhấp ngụm rượu.

Vẫn chưa tha, anh kia vỗ tay mà hát "Đã nâng lên không bao giờ đặt xuống. Nào uống đi khi tất cả hô dzô" (nhại lời bài hát "5 anh em trên một chiếc xe tăng"). Thế là lại dzô và lại uống, hài lòng ngồi xuống khi những chén rượu đã cạn. Nhưng rồi một người có vẻ nhiều tuổi nhất trong mâm lại đã đứng lên đề nghị "sầu riêng" với giọng ôn tồn. Lại một lần nữa ông anh vợ chối từ, giọng anh này bỗng chuyển sang như có "điện cao thế": "Tại sao các chú uống với nó mà không uống với anh, chú khinh anh à?". Khó thật. Lại một chén rượu nể nang được uống trọn.

Thoáng thấy không khí căng thẳng, tôi bèn phân trần: "Thôi từ từ các bác ạ. Nếu uống với mỗi bác 1 chén, chúng em chịu sao nổi". Một anh hùa theo. "Đúng đấy. Nhưng thôi, anh với các chú "sầu chung" và để hưởng ứng, các anh em trong mâm chứng kiến". Đến lúc này thì ông anh vợ tôi không còn chịu đựng nổi. Tìm đủ mọi cớ để tháo lui, nhưng chúng tôi cũng phải uống thêm 2 chén rượu đầy rồi mới có thể ra về. Những chén rượu quê mới nấu còn sốc sặc khê nồng, đắng ngắt khiến ông anh vợ nôn ra... toàn rượu.

Cái lý... uống rượu

Làng tôi nằm ven sông Hồng, thuộc vùng trung du bán sơn địa. Là thị trấn huyện lỵ, đồng đất khá trù phú nên người dân cũng có của ăn của để. Những thanh thiếu niên lớn dậy, nếu không thoát ly thì vừa làm đồng, vừa chạy chợ hay làm nghề... nên cũng có đồng ra đồng vào. Cũng vì ven quốc lộ nên làng quê nay đã nhuốm màu phố xá.

Sáng ra thì có cháo lòng, tiết canh, bún xáo chó... Chiều chiều, những bom bia "cỏ" thu hút người uống tấp nập. Nhưng nhộn nhịp nhất vẫn là buổi tối ở các quán rượu. Mùa nào thức nấy. Từ quả sung, quả ổi cho đến mực khô, ốc nóng... đều là mồi nhậu. Đám thanh thiếu niên nếu không đi tán gái thì chỉ có mỗi chỗ này vui vầy. Dần dần uống rượu đã trở thành "phong trào".

Tiếp đón chúng tôi, các bạn thủa "mặc quần đùi" cũng chỉ có nơi này. Người anh vợ hỏi: Thế các anh ở nhà có hay uống rượu không? "Bọn em ít uống lắm" - một anh bạn nói. Uống hết ly rượu trên tay, anh xổ ra một tràng: "Lúc nào vui thì làm chén. Buồn buồn thì làm chén mà bình thường cũng làm chén. Bọn em khi nào có rượu thì uống, chẳng có thì... đi mua để uống chứ không nghiện. Mà thực ra có ra rượu cũng được mà chẳng có chẳng được". Ông anh vợ tôi ớ người rồi hỏi lại. "Thế là sao?". Cả đám bạn cười rầm: " Thế có nghĩa là phải có rượu và phải uống chứ sao hở bác!".

Mà đúng là "phải uống rượu thật". Ở vùng quê này, gần như mọi thứ vui, buồn, công việc, quan hệ làm ăn... đều phải có rượu. Mấy anh công an viên tuần canh về cũng... làm chén. Hết tháng, đám thợ nề được trả tiền công cũng... làm tí cay cay. Gặp bạn gặp bè, mọi người cũng phải lấy chén rượu ra để "dẫn chuyện". Trúng mánh làm ăn, vào quán karaoke họ cũng vừa uống vừa hát "rượu một bên và em một bên". Thậm chí là giải quyết mâu thuẫn, có khi cũng ra quán rượu để "uống chén hiểu nhau"...

Ngay cả cái lý mời rượu, ép rượu của họ cũng tha thiết lắm. Ông anh vợ tôi ngạc nhiên đã phải thốt lên rằng: Hay nhỉ, biết họ "văn vở" mà mình không từ chối được. Khi có người mời rượu, anh từ chối: Rượu nặng quá, em không uống được. Người này đáp lại mà rằng: "Ly rượu mấy cân mà nặng". Hay khi giao hẹn "uống 1 chén thôi". Nhưng lúc mời nữa lại bảo "Thì vẫn uống một chén đó chứ đã đổi chén khác đâu". Rồi cái lý sự cũng hay đáo để: "Đàn ông chén rượu làm đầu - gái ngoan tiết hạnh, phao câu, cánh đùi"... .

Trăm sự tại... rượu

Nếu như trước đây, rượu chỉ có trong mỗi dịp lễ tết, hội hè, đình đám. Thậm chí thời bao cấp, việc mua được rượu uống cũng không dễ. Nhưng nay với "công nghệ sản xuất rượu bằng cồn pha nước" và chuyện túi tiền rủng rỉnh, nông vụ nhàn rỗi nên không ít người làng quê sinh tật. Xung quanh đề tài rượu làng tôi cũng có khối chuyện cười ra nước mắt.

ậy là chuyện chị vợ phải "nói khó mãi" mới thuê rẻ được buổi trâu của hàng xóm cho chồng đi cày. Sáng ra anh chồng chẳng kịp ăn sáng vì muốn đi cày sớm để vừa được mát, vừa bõ ngày công. Đang đánh trâu đi, anh nghe tiếng gọi của tay mổ lợn: "Có ít lòng ngon, bác vào làm tí". "Làm một chén thôi nhé, tớ còn phải đi cày"-  anh chồng đáp. Nhưng đúng là "một chén không đổi" nên hết lượt rót này đến lượt rót khác. Cuối cùng trâu thì buộc gốc cây, người thì say quẳng queo.

Chị vợ cả tuần chì chiết vì vừa mất tiền công trâu mà ruộng vẫn bỏ không. Rồi lại đến chuyện anh con rể say rượu chở mẹ vợ đi khám bệnh. Vì đã "tây tây" nên tay lái cũng loằng ngoằng rồi... đánh rơi mẹ vợ giữa đường lúc nào không biết. Lúc đến bệnh viện, chẳng thấy mẹ vợ đâu. Tìm một hồi lâu thì mới biết mẹ vợ đã vào khoa... cấp cứu vì ngã gãy cả tay. Hay chuyện có 2 anh say rượu nhưng cứ đòi đưa nhau về. Cứ đưa đến cửa nhà anh này thì anh đó lại đòi đưa bạn về nhà. Đưa mãi, đưa mãi cho đến tận khi trời sáng mà... vẫn chưa ai về đến nhà...

Nhưng những chuyện sau đây thì đúng là... ra nước mắt thật. Chỉ trong 2 tuần, tôi nghe bạn bè báo liền 2 tin dữ. Thằng H nó sinh con trai. Vì nó là con một nên cả họ mừng lắm. Sau khi bia rượu tưng bừng, khi đưa bà ngoại về nhà, nó tông vào cột điện chết luôn tại chỗ. Thế là đang đại phúc biến thành đại họa. Tin thứ hai là đứa cháu họ xa cũng đã có 1 vợ, 1 con. Sau khi kéo cá, uống rượu tại nhà bên kia bờ ao; thấy đường đi bộ thì xa nên cứ đòi đi "đường thủy". Ao làng chỉ rộng vài chục mét, nhưng do rượu vào, bị chuột rút nên vợ con dù đứng trên bờ mà cũng không cách nào cứu được.

Chào từ biệt gia đình, tôi chạy xe trở lại thành phố. Đến đầu làng lại thấy có người ra chặn xe lại "vào làm chén rồi đi" - giọng người cùng làng lè nhè. Từ chốị, tôi phóng xe đi. Đang miên man buồn vì câu nói thì chợt giật mình. Hai cậu choai choai mặt mày đỏ lựng đang rồ ga ầm. Chúng chào tôi rằng "cháu vừa đi đám cưới về" rồi vù xe phóng đi. Chiếc xe máy cứ ngoằn nghèo, loạng choạng.

Theo Phạm Anh / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.