Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa

21/06/2014 05:40 GMT+7

Tối nay (21.6), lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ 8 (2013) được tổ chức tại Hà Nội. Báo Thanh Niên đoạt 1 giải A với loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa của nhóm tác giả Nguyễn Tú, Trương Quang Nam, Ngọc Quyền, Tâm Ngọc (giải tin bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận báo điện tử) và 1 giải B với loạt bài Về lợi ích nhóm trong xã hội hóa y tế của nhóm tác giả Thái Sơn, Liên Châu, Bảo Cầm (giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn báo in).

Tối nay (21.6), lễ trao giải Báo chí quốc gia lần thứ 8 (2013) được tổ chức tại Hà Nội. Báo Thanh Niên đoạt 1 giải A với loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa của nhóm tác giả Nguyễn Tú, Trương Quang Nam, Ngọc Quyền, Tâm Ngọc (giải tin bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận báo điện tử) và 1 giải B với loạt bài Về lợi ích nhóm trong xã hội hóa y tế của nhóm tác giả Thái Sơn, Liên Châu, Bảo Cầm (giải tin, bài phản ánh, phỏng vấn báo in). Dưới đây là cảm nhận của các phóng viên đoạt giải.

Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa 

Hầu như chưa ai biết anh

Lần đầu tôi gặp anh Trương Văn Hiền, một trong những nhân vật trong loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa, là vào năm 2009 tại nơi cư ngụ lặng lẽ của gia đình anh ở thôn 3, xã Hòa Thắng, TP.Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk). Gọi là “lặng lẽ” vì đến thời điểm đó, ở xã ngoại ô này hầu như không mấy ai biết đến người thợ nề ốm yếu tên Hiền từng là một chiến sĩ hải quân kinh qua trận chiến đảo Gạc Ma ở Trường Sa năm 1988. Nhìn căn nhà của gia đình anh tạm bợ, nhỏ xíu dựng trên đất mượn, ai cũng cảm thấy nao lòng.

Gặp lại Hiền gần đây, tôi vui lây khi thấy anh phấn khởi cho biết nhờ loạt bài của Thanh Niên, anh đã kết nối, liên lạc với những đồng đội trong trận chiến Gạc Ma và cùng bị Trung Quốc (TQ) bắt giam mấy năm liền, hiện đang sinh sống ở các tỉnh Bình Định, Quảng Bình, Quảng Trị...

Trần Ngọc Quyền

Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa 

Tự hào làm cầu nối

Họ trở về cuộc sống bình dị với những thương tật trên cơ thể. Đó là Anh hùng LLVTND Nguyễn Văn Lanh, là Nguyễn Văn Thống (người bị TQ bắt giữ 3 năm, gia đình đã nhận giấy báo tử), là anh Nguyễn Văn Lục (1 trong 2 người cứu anh Lanh thoát khỏi cái chết)... Cảm nhận của tôi về các anh có thể nói ngắn gọn trong 3 từ: đau thương, khó khăn và tình cảm.

Mặc dù rất muốn gặp lại đồng đội cũ nhưng mãi 25 năm, các anh vẫn không thực hiện được. Sức khỏe, điều kiện kinh tế, khoảng cách đã cản trở các anh. Tôi tự hào và cảm thấy đã làm được việc có ý nghĩa là làm cầu nối cho cuộc gặp tròn 25 năm sau ngày sinh tử ấy.

Loạt bài đã nhận được sự đồng cảm của rất nhiều bạn đọc; có người còn làm thơ gửi tặng các anh. Qua đó, lịch sử không bị phai mờ, các anh được biết, nhớ đến. Đó là niềm vui lớn nhất của người làm báo.

Trương Quang Nam

Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa 

Để không một sự hy sinh nào bị lãng quên

Thanh Niên đã đi thăm và trao tận tay mỗi gia đình thân nhân liệt sĩ Gạc Ma 30 triệu đồng bày tỏ lòng tri ân của bạn đọc đối với những người đã ngã xuống. Loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa chỉ là bước tiếp nối, để nhắc nhớ về một thế hệ kiên cường giữ đảo, không phải để vinh danh các liệt sĩ vì làm gì có câu chữ nào xứng đáng để nói đủ về sự hy sinh của các anh; mà là để mọi người biết một cách đầy đủ về trận hải chiến này, mà vì nhiều lý do, lịch sử chưa được nhắc tới một cách trọn vẹn.

Nhiều bạn đọc Thanh Niên đã phản hồi sau loạt bài rằng chúng ta nên tri ân một cách thực tế hơn nữa, không phải để các anh, các mẹ thoát khỏi cảnh nghèo khó, mà để những người đang, sắp bước vào cuộc đấu tranh còn lâu dài, cam go giữa biển Đông cảm nhận rằng không một sự hy sinh nào bị lãng quên.

Nguyễn Tú

Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa 

Vinh dự lớn

Tôi vẫn nhớ hôm đi viết bài về anh Lê Văn Thoa, nhân vật trong loạt bài 25 năm hải chiến Trường Sa. Anh giờ là chủ một quán phở nhỏ tại nhà trên đường Tăng Bạt Hổ, TP.Quy Nhơn. Anh chỉ có thời gian tiếp tôi từ 12 giờ trưa đến 13 giờ trong ngày vì bận việc. Vì vậy, ngoài thời gian ngắn ngủi ấy, tôi gặp anh thêm nhiều lần khác bằng cách vừa tới ăn phở, vừa tranh thủ hỏi chuyện anh. Với nhân vật này, cuộc chiến ở đảo Gạc Ma năm 1988 vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức, một thứ ký ức quá dữ dội và đau thương, oai hùng. Tôi mãi ấn tượng với câu nói của anh: “Đảo Gạc Ma đẹp lắm! Nơi ấy là lãnh thổ VN, là nơi mà máu huyết, tinh thần của những người lính hải quân đã nhuộm đỏ vùng biển, nhuộm đỏ màu cờ Tổ quốc”.

Tâm Ngọc (Trần Thị Duyên)

Kỷ niệm 89 năm ngày Báo chí Cách mạng VN: Thắp lửa và giữ lửa
Nhóm PV thực hiện loạt bài Lợi ích nhóm trong xã hội hóa y tế (từ trái qua): Liên Châu, Thái Sơn và Nguyệt Minh - Ảnh: Ngọc Thắng

* Người khám bảo hiểm xếp hàng lê thê từ sáng sớm còn người có mối quan hệ, khá giả, người có tiền đóng ngay thì được hưởng dịch vụ y tế “tươi” của xã hội hóa. Tất cả sự thực hối thúc chúng tôi “kể lại” trên trang báo. Mỗi bài báo không chỉ là sự thật mà trong đó còn là tấm lòng, niềm mong mỏi của người làm báo muốn được chia sẻ với người bệnh. Y tế công đang nỗ lực nhiều hơn vì người bệnh; nhưng người dân mong mỏi xã hội hóa đừng bao giờ là cơ hội cho “lợi ích nhóm”. (Liên Châu)

* Khi chúng tôi tiếp cận khu vực đón tiếp, hướng dẫn bệnh nhân làm thủ tục khám chữa bệnh, cũng là lúc một người mẹ trẻ dẫn con trai chừng 6 tuổi đến khám hẹp bao quy đầu. Một nhân viên khuyên chị nên cho cháu khám dịch vụ. Vì "cứ thử khám xem 90.000 đồng khác với giá 680.000 đồng thế nào”, giọng nhân viên hướng dẫn đầy... hù dọa. Có thể coi đây là một trong những căn nguyên dẫn tới những bất cập, tiêu cực trong quá trình thực hiện xã hội hóa dịch vụ khám chữa bệnh tại không ít bệnh viện công ở Hà Nội, đã được nhóm phóng viên Thanh Niên phản ánh và đặt ra trách nhiệm ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng. (Nguyệt Minh)

* Giải B báo chí quốc gia đối với tôi là một niềm vui, vinh dự  lớn nhưng trước đó tôi đã có những niềm vui không kém. Đó là sau khi Báo Thanh Niên phản ánh, tại Bệnh viện Bạch Mai, người dân, nhất là bệnh nhân nghèo đã không phải xếp hàng nhiều tháng mới được sử dụng dịch vụ. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, nhiều cơ quan chức năng như Thanh tra Chính phủ, UBND TP.Hà Nội đã vào cuộc chấn chỉnh những mô hình xã hội hóa để đảm bảo quyền lợi cho nhà nước, cho người bệnh... (Thái Sơn)

Ngọn lửa làm nghề

Tháng 5.2014 là tháng mọi trang báo sục sôi tình hình biển Đông và là tháng mà mọi người làm báo, mỗi ngày mỗi giờ đều hướng ra Hoàng Sa, mong ngóng và chờ đến lượt mình, được khoác ba lô xuống tàu kiểm ngư - cảnh sát biển ra tận vùng biển nóng tác nghiệp, đối mặt với đủ loại tàu của phía Trung Quốc (TQ).

Trong mỗi câu chuyện, tin nhắn, cuộc điện thoại của những người làm báo chủ đề quan tâm nhất vẫn là: Đồng nghiệp nào đang ngoài biển? Khi nào đến lượt mình? Phải chuẩn bị những gì khi đi biển?...

Lâu lắm rồi, ngọn lửa làm nghề mới thực sự bùng lên rừng rực và nhiệt thành như vậy, trong tim những người làm báo. Người ta hướng ra biển Đông, với những điều thiêng liêng lớn lao mang khái niệm “Chủ quyền lãnh thổ”.

Đi biển - khái niệm rất đỗi bình thường với những phóng viên được cử đi thăm và làm việc ngoài Trường Sa mùa thăm hỏi tháng 4 -5 và mùa thay thu quân, cấp hàng tết ngày cuối năm sóng gió. Nhưng 2 tiếng “đi biển” nhằm hướng Hoàng Sa những ngày này, không chỉ đơn thuần tác nghiệp, mà còn mang ý nghĩa cao cả máu đỏ da vàng con dân đất Việt, giữ đất Mẹ thiêng liêng...

Tôi đã thấm thía những điều đơn giản nhưng rất đỗi thiêng liêng ấy, ngay trên con tàu HP-926 gấp gáp rời cảng Đà Nẵng, chở theo nhóm phóng viên đầu tiên cũng gấp gáp chuẩn bị trong 2 tiếng đồng hồ ra tác nghiệp Hoàng Sa, để lại bộn bề lo âu và cả những sự âm thầm lo lắng về sinh mạng của người đi, cho người thân mình.

Tôi không quên hình ảnh PV Nguyễn Văn Minh, Báo Lao động thường trú tại Đà Nẵng, được vợ chở ra điểm tập trung tại Chi đội Kiểm ngư 3, tận bán đảo Sơn Trà. Vợ Minh tất bật mua cho chồng cây thuốc lá, bàn chải đánh răng và chỉ lặng lẽ kể: “Đêm qua anh ấy trằn trọc không ngủ. Sáng dậy rõ sớm, bắt em chở qua đây!”.

Tôi nhớ mãi cái dáng gầy nhỏ lòng khòng của PV Quang Hạnh, Báo Công an Đà Nẵng, suốt những ngày lăn lộn trên tàu HP-926 vẫn nguyên một bộ quần áo vốn màu sáng, nhưng chuyển màu cháo lòng, bởi không kịp chuẩn bị tư trang, từ cơ quan chạy xe máy thẳng qua cảng, hấp tấp gửi xe máy cho anh gác cổng, để kịp lên tàu.

Tôi nhớ như in khuôn mặt khắc khổ của PV Văn Sơn (TTXVN thường trú tại Đà Nẵng), người lớn tuổi nhất trong nhóm PV ra Hoàng Sa, lúc nào cũng lo lắng cho các em các cháu và ôn tồn chỉ bảo, từ việc hòa nhập đời sống tập thể. Lớn tuổi vậy, nhưng khi “lâm trận”, là người “lì” nhất đứng chịu trận giữa dòng nước biển bắn sang từ vòi rồng bên tàu TQ, để chụp những tấm hình chân thực nhất.

Không thể quên những đồng nghiệp Truyền hình Quốc phòng, VTV6, Tiền Phong, Sài Gòn Giải phóng, Tuổi trẻ... suốt hải trình từ Đà Nẵng ra Hoàng Sa suốt 1 ngày đêm giữa sóng to gió lớn, say sóng lử đử đến mức không nằm nổi trong phòng, phải bò ra nằm trên đống áo phao sau tàu lấy khí trời chống ói, đến giờ ăn cũng không dám ngồi trong phòng, phải nhờ đồng nghiệp trộn cơm canh vào bát to, mang ra sau tàu trệu trạo nhai...

Thế nhưng, khi đến hiện trường, dù có say và mệt đến đâu, cũng đều lần giường bò dậy choàng áo phao, khoác máy quay - chong máy ảnh ghi lại từng giây phút cận kề sống chết, ầm ập nước vòi rồng muốn nhấn chìm con tàu bé nhỏ xuống biển sâu; ngả nghiêng theo từng bước sóng, vội vã viết từng dòng diễn biến vào mẩu giấy - cuốn sổ cho đỡ quên và lại nằm vật xuống, khi con tàu chao nghiêng bởi sóng, ù ù lạnh rít bởi gió...

Và đến bây giờ, khi đã có bao nhiêu chuyến đi, hàng trăm đồng nghiệp ra với Hoàng Sa sau chuyến đầu tiên bất thường - nguy hiểm của gần 10 người làm báo chúng tôi, nhiều người vẫn hỏi tôi: “Khi đi có sợ không?”. Tôi trả lời, như các đồng nghiệp chắc chắn cũng sẽ trả lời: “Nếu sợ, đã không bước chân xuống tàu!”.

Mai Thanh Hải

Báo chí thời internet

Trong số những người nhận giải thưởng Giải báo chí TP.HCM hôm 19.6 rồi, có một gương mặt không phải nhà báo, cũng không phải cộng tác viên báo chí như thông lệ: cô giáo Tòng Thị Minh ở Điện Biên, người quay clip Chui vào túi ni lông để qua suối nổi tiếng.

Cách nay hơn tuần lễ, câu chuyện bức xúc và mối tình của ông già Đan Mạch Kurt Leander Jensen Lendar - bà Tiêu Thị Ngọc Sang đã làm lay động nhiều độc giả báo Thanh Niên. Những bài báo ấy cũng khởi đi từ một “phát hiện” của cư dân mạng.

...

Thời đại thiết bị cầm tay có kết nối internet cho phép thông tin được sản xuất trên những màn hình cảm ứng mọi lúc, mọi nơi. Ai cũng có thể làm người đưa tin, bình luận. Truyền thông phi chính thống phát triển cực nhanh và hiện đang bao quát hầu hết các lĩnh vực một cách nhanh nhạy. Nhiều mạng xã hội giờ đây thành một kênh thông tin có biên độ rộng, cường độ lớn. Bên cạnh yếu tố tích cực, môi trường truyền thông này còn tiềm ẩn những tác hại do thông tin sai sự thật, bị bóp méo. Điều này không có gì khó hiểu bởi truyền thông xã hội (social media) vốn là mô thức truyền thông liên cá nhân nhằm chia sẻ ý tưởng, sự kiện; chủ thể thông tin là các cá nhân - thậm chí là các nguồn ẩn danh, hoàn toàn không chịu trách nhiệm trước cộng đồng; nhưng nó thành hoạt động báo chí không chính thức nhờ bản chất toàn cầu của internet.

Điều oái ăm là trong nhiều trường hợp, nhiều thời điểm, truyền thông xã hội lại đóng vai trò như một dòng chảy chủ lưu trong sinh hoạt thông tin. Vì sao? Công chúng luôn có nhu cầu được thỏa mãn thông tin không giới hạn và báo chí có trách nhiệm cung cấp thông tin, tìm ra sự thật để phục vụ nhu cầu ấy. Nhưng, không phải sự thật nào cũng có thể công khai bởi báo chí phải vì lợi ích của quốc gia, dân tộc, cộng đồng. Mâu thuẫn ấy tạo ra “vùng đệm thông tin” giữa truyền thông chính thống và truyền thông xã hội. Từ rất sớm, tin đồn vẫn tồn tại song song với báo chí.

Tin đồn hôm nay được chắp cánh to, rộng, khỏe nhờ internet. Và trong thế giới thông tin đa dạng, phức tạp hôm nay, câu hỏi đặt ra cho báo chí là làm thế nào để giữ vững trận địa trước sự lớn mạnh của truyền thông xã hội?

Dù có thừa nhận hay không, dù có định danh thế nào, truyền thông xã hội vẫn đang tồn tại và phát triển. Công chúng vẫn đặt niềm tin vào báo chí với tính chuyên nghiệp trong thu thập và phân phối thông tin. Nhưng trong nhiều trường hợp, vì nhiều lý do, báo chí chính thống chậm nói đúng, nói đủ thì công chúng tìm đến các nguồn không chính thức.

Báo chí cách mạng là cầu nối giữa “ý Đảng” với “lòng dân”, là cơ quan của chính quyền đồng thời là “tiếng nói của người dân”. Để báo chí thực sự là món ăn thông tin chính yếu, xác lập đúng vai trò của mình trong bối cảnh truyền thông hôm nay, ngoài nỗ lực tự thân của đội ngũ làm báo, công tác quản lý cần tạo ra không gian tiếp cận, định hướng kịp thời, cởi mở hơn nữa để nhà báo và công chúng thực sự trở thành đồng chủ thể trong các sản phẩm truyền thông hôm nay.

Phan Văn Tú
(Khoa Báo chí - Truyền thông, Đại học KHXH-NV TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.