Nhật ký Tài hoa ra trận của Hoàng Thượng Lân - kỳ 9: Những dòng chữ cuối cùng

30/09/2005 22:15 GMT+7

Ngày 5/5/1971 (...) Các đồng chí thanh niên xung phong tiếp đón chúng tôi rất nhiệt tình. Đồng chí Đại đội phó - đưa đến từng người những ca nước làm bằng ống phóng rốc-két, hơi nước sôi bốc nghi ngút, đon đả mời:

- Uống đi các anh. Chỉ hiềm nỗi nước không ngon thôi. Chúng em vẫn uống quen vị chè vùng này rồi!

Tôi hỏi:
- Các đồng chí ở đây lâu chưa?
Vân Anh dịu dàng đáp:
- Dạ, cũng mới thôi. Hôm nay đơn vị ra mặt đường gần một nửa, còn nửa chúng em ra làm đêm qua, được nghỉ bù...
Chúng tôi ngồi dịch sát lại nhau nhường thêm chỗ cho các cô gái ở những lán khác hiếu khách đến.
- Các anh đã qua một trọng điểm ác liệt mà các anh không biết vì mấy ngày nay chúng không đến "tọa độ" - một cô gái nói với chúng tôi - bọn em vẫn thường làm ở đấy!
- Chúng tôi chỉ thấy đường mòn nhỏ thôi - Nguyên đáp.
- Vậy là các anh đi đường tránh mới mở. Chỉ có điều đi như thế rất vất vả vì toàn dốc và trơn.

Thay cho đoạn kết

Cuốn nhật ký đã khép lại trang cuối cùng ở đây và Hoàng Thượng Lân (tức Lâm) đã hy sinh ngày 24/10/1971 trong một trận bom dữ dội của kẻ thù, khi đang vượt sông Xê Băng Hiên (Quảng Trị) đi làm nhiệm vụ. Theo lời đồng đội kể lại, lần đó, trong ba lô của Hoàng Thượng Lân còn một tập bản thảo ghi chép rất công phu và dày dặn. Có thể đó là một cuốn nhật ký, nhưng cũng có người bảo đó là bản thảo một tiểu thuyết và những truyện ngắn. Dù là nhật ký, truyện ngắn hay tiểu thuyết thì chắc chắn đó cũng là những trang viết cuối cùng.

Trong những cuốn sổ ghi chép mà Hoàng Thượng Lân đã gửi về gia đình, trang đầu tiên đều có dòng chữ do chính tay anh viết nắn nót: "Nếu tôi có hy sinh (hoặc nhỡ xảy ra chuyện gì"), xin gửi lại cuốn sổ này cho cha tôi ngoài Hà Nội, theo địa chỉ: Ông Hoàng Nguyên Kỳ Nhà H4, phòng 47 Khu tập thể Nguyễn Công Trứ.". Nhưng rất tiếc là tập bản thảo cuối cùng của anh đã bị cuốn theo dòng nước sông Xê Băng Hiên, sau loạt bom tọa độ của máy bay Mỹ. Chúng ta không rõ Hoàng Thượng Lân đã viết những gì trong trong tập bản thảo đã thất lạc ấy...

Hà Nội, tháng 10/2005

Đặng Vương Hưng

Doãn nãy giờ im lặng, thấy một quyển sách được bọc giấy báo cẩn thận, Doãn cầm lên tay, lật lật vài trang đầu, cậu ta bỗng kêu:

- Ôi! Quý quá!
- Gì thế?
- "Cơn bão táp"!
- Của Ê-ren-bua - Tiến ngồi cạnh tôi nói - Hồi ở nhà mình đã được xem một lần. Trong đó có một mối tình cảm động giữa Xéc-gây và Ma-đô.
Một cô gái ngồi phía ngoài cửa bỗng xoay hẳn người về phía Tiến, tham gia:
- Đấy chỉ là một khía cạnh...
- Vâng, vượt lên trên là lòng yêu nước nồng nàn và một cuộc chiến đấu vĩ đại chống phát-xít Đức của nhân dân Liên Xô...
Cô gái đưa mắt đồng tình nhìn Nguyên - người vừa nói - và hỏi Doãn:
- Anh chưa đọc phải không?
Doãn trả lời:
- Tôi muốn xem lại.
- Biếu các anh đấy. Chỉ tiếc thiếu mất, không đủ bộ. Hôm chúng em đi làm vắng, ở nhà bị bom... Sót lại quyển này.

Các cô gái vui vẻ kể cho chúng tôi nghe nhiều chuyện xảy ra những ngày họ ở Trường Sơn. Chúng tôi vui lây cái vui của họ. Với vẻ dịu dàng ánh chút tinh nghịch của tuổi trẻ xen nét dạn dày bom đạn, sương gió Trường Sơn, các cô hỏi thăm chúng tôi lần lượt từng người một về sức khỏe, về quê hương và vợ con... Rồi họ cười phá lên, nhất định không tin lời của cậu Ban "râu" khi cậu ta thật thà trả lời là "Chưa có vợ!". Đến lượt chúng tôi hỏi lại, các cô cũng đều trả lời: "Chưa có chồng!".

- Vội chi anh - một cô gái ngồi đối diện tôi, hai bàn tay đang thoăn thoắt tết tóc, đầu nghiêng nghiêng, ngước mắt nhìn lướt chúng tôi nói - Xong xuôi đã rồi lấy chồng cũng chưa muộn mà!

Chúng tôi có thể đọc thấy, nhìn thấy một niềm tin sắt đá vào ngày thắng lợi cuối cùng, một sức sống tiềm tàng chứa đựng ở những khuôn mặt xanh lướt vì mệt mỏi, thiếu ngủ và nụ cười hồn nhiên của những cô gái thanh niên xung phong chúng tôi gặp hôm nay. Đôi mắt của họ hiền hậu, nhìn sâu đọng và hứa hẹn. Tự nhiên chúng tôi thấy lòng mình lâng lâng một tình cảm thiết tha thương mến, cảm phục những cô gái thanh niên xung phong, họ sống lạc quan bên những mái lán Trường Sơn, thường xuyên chịu đựng bom đạn, gian khổ để góp phần của mình vào chiến thắng chung trên những tuyến đường ngày đêm cả đất nước đang hành quân ra trận...

Họa sĩ Lê Trí Dũng: Ngay tại chiến trường Quảng Trị, Hoàng Thượng Lân đã được đồng đội coi như một người anh hùng!

"Trong thời gian học tại Trường Mỹ thuật Yết Kêu (năm 1964 - 1967), tôi cùng họa sĩ Thành Chương và Hoàng Thượng Lân chơi với nhau khá thân thiết. Lân hồi bấy giờ là một chàng trai to cao nhất trường (cao 1,74m, nặng hơn 70 kg), tính tình rất hào hoa, phóng khoáng tới mức bạt mạng. Lân có hai ham thích lớn là hội họa và thể thao. Lân thường xuyên luyện tập, tổ chức những cuộc đấm bốc và là một cầu thủ bóng đá nghiệp dư rất giỏi của trường. Chiều nào Lân cũng cùng bạn bè ra đá bóng ở sân Công viên Thống Nhất. Hoàng Thượng Lân rất thương và yêu tin bạn bè, không tiếc một thứ gì nếu bạn bè thích, sẵn sàng cho bạn bất kỳ thứ gì mà mình có. Tôi còn nhớ có một buổi chiều sau khi đá bóng ở sân công viên trở về, mấy anh em mệt nhoài và đói lả, Lân rủ anh em vào một hiệu bánh rán ngon nhất ven hồ Thiền Quang và bảo: "Các ông ăn được bao nhiêu thì cứ ăn", bánh rán thì nhỏ bằng quả bóng bàn, chúng tôi mỗi người phải ăn vài chục chiếc mới no, Lân bảo cứ ăn thoải mái, lúc đứng dậy, Lân phải vét hết sạch tiền trong túi mới đủ trả. Cá tính phóng khoáng của Lân thể hiện rõ cả trong lối vẽ tung tẩy, mạnh bạo của anh. Cá tính này của Lân nổi lên rất rõ trong những năm tháng chiến đấu sau này, khi anh có một lối đánh giặc rất quả cảm, liều lĩnh và hiệu quả trong nhiều trận. Ngay tại chiến trường Quảng Trị, Hoàng Thượng Lân đã được phong danh hiệu "Dũng sĩ diệt Mỹ". Sau này, khi tôi vào chiến trường, đến thôn Vĩnh Chấp, Vĩnh Linh (ngày nay là Quảng Trị) thì gặp Hoàng Thượng Lân vừa đi đánh trận về. Trong trận đánh này Lân bị cụt một ngón tay cái, vì Hoàng Thượng Lân là trung đội trưởng, sử dụng súng máy trung liên RBD (hỏa lực chính của trung đội), nên thường bị Mỹ - ngụy tập trung hỏa lực mạnh để tiêu diệt. Khi tôi vào đơn vị thăm Lân, thì anh tặng tôi chiến lợi phẩm là một chiếc ca của Mỹ và một chiếc võng. Lân còn đem nhiều giò hộp (chiếm được trong căn cứ của Mỹ) ra chiêu đãi tôi. Có thể nói những người lính Vĩnh Linh, Quảng Trị lúc bấy giờ đặc biệt quý trọng Hoàng Thượng Lân và coi anh như một người "Anh hùng" của những người lính sinh trưởng ở Hà Nội, không những vì phong thái hào hoa, phong nhã cùng những tri thức hiểu biết của Lân mà cái chính là vì cách đánh trận quá dũng cảm của anh. Có những trận, Hoàng Thượng Lân bật dậy từ chiến hào, tay vác súng máy RBD lao thẳng về phía địch, vừa chạy vừa bắn rất dũng mãnh, bất chấp việc có thể hy sinh bất cứ lúc nào. Chính vì cách đánh trận dữ dằn, quá dũng cảm như vậy nên đồng đội ngày ấy thường gọi anh là "đại ca".

Việt Chiến
(ghi)

 

(Theo nhà thơ Đặng Vương Hưng, người sưu tầm và giới thiệu nhật ký chiến trường của Hoàng Thượng Lân)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.