Làm giáo dục liên kết với nước ngoài: Phải minh bạch!

04/10/2004 11:25 GMT+7

Trước hết xin được nói tôi là người luôn ủng hộ việc tăng thêm các cơ sở đào tạo, tăng cường hợp tác với nước ngoài, đa dạng hoá loại hình đào tạo, mở rộng thị trường giáo dục để mọi người có sự lựa chọn lớn trong chuyện học hành. Tuy nhiên, tôi thấy gần đây có những biểu hiện, hoặc là vô tình, hoặc là cố ý, hiểu và nói không đúng với những gì đang xảy ra. Khi ra nước ngoài tìm hiểu, càng thấy chúng ta phải minh bạch trong việc liên kết làm giáo dục với nước ngoài.

Một số tổ chức, công lập lẫn dân lập, liên kết với nước ngoài mở những lớp đào tạo ở nước ta theo chương trình của họ. Tốt thôi, nhưng xin đừng gọi đấy là du học tại chỗ! Bởi vì trong tiếng Việt, khi nói du học, người ta hiểu là ra nước ngoài để học. Du học ít nhất đạt được các mục đích: tiếp cận và lĩnh hội công nghệ hiện đại và phương pháp tiên tiến; sử dụng thành thạo ít nhất một ngoại ngữ; gặp gỡ, giao lưu với bạn bè quốc tế; trải nghiệm và am hiểu văn hoá, phong tục, tập quán của nước sở tại; mở rộng tầm nhìn, cách nghĩ... Chính vì vậy mà những nước có nền giáo dục đại học có chất lượng cao như Mỹ, Anh, Pháp, Nga vẫn có hàng trăm ngàn sinh viên ra nước ngoài học tập. Học ở trong nước, dù học bằng tiếng gì, chương trình của trường nào đều không đạt được các mục đích trên. Vì vậy chỉ nên nói học theo chương trình của nước ngoài, có bao nhiêu phần trăm chính giáo viên của trường ấy dạy, bao nhiêu phần trăm thuê giáo viên ngoài. Còn nếu vẫn rất muốn viết là du học tại chỗ thì xin để trong ngoặc kép (“...”) cho!

Không biết ở các lĩnh vực khác thế nào, còn trong giáo dục, tôi không thấy một cơ quan hay tổ chức nào (như WTO trong thương mại) có trách nhiệm chính thức đề ra tiêu chuẩn quốc tế, trình độ quốc tế (có định tính, định lượng). Tôi cũng không thấy bằng của bất cứ trường nào có dòng chữ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Còn bằng của các trường như Harvard, Cambridge hay Tổng hợp Matxcơva mang tên Lomonosov được đánh giá cao, bởi vì trong thực tế, trong nhiều năm qua họ đào tạo được nhiều nhân tài và họ luôn luôn có cơ sở vật chất - kỹ thuật và đội ngũ giáo viên vào loại tốt nhất. Danh tiếng của họ đã được thừa nhận rộng rãi. Gần đây có một số nước đưa ra bảng xếp hạng các trường đại học trên thế giới, nhưng cũng chỉ có ý nghĩa tham khảo chứ không hề có ý nghĩa chính thức như FIFA xếp hạng các đội tuyển bóng đá quốc gia. Chính vì vậy các cơ sở đào tạo thuần tuý của nước ta hay liên kết với nước ngoài cũng không nên nói đạt tiêu chuẩn quốc tế vì khái niệm này tương đối tù mù. Ta cứ liên tục cho ra trường những người làm việc tốt, ắt sẽ được thế giới thừa nhận.

Trong thông tin trường Đại học Troy State - TSU (Mỹ) liên kết với Đại học Bách khoa Hà Nội mở chương trình đào tạo toàn phần ở Việt Nam có một câu "sinh viên được hưởng lợi ích như những sinh viên của trường tại Mỹ". Xin hỏi: Lợi ích của sinh viên nằm ở đâu? Có phải ở chỗ được học ở những giảng đường rộng rãi, sạch sẽ, sáng sủa; được vào thư viện hiện đại và đầy đủ tài liệu; được sử dụng thiết bị máy móc tiên tiến trong các phòng thí nghiệm; được nghe các giáo sư tên tuổi giảng dạy; được lựa chọn môn học mình thích (ở Mỹ chỉ có một số môn học là bắt buộc theo chuyên ngành, còn lại có thể lựa chọn theo ý thích)... Không biết ở Hà Nội có những thứ ấy không ? Giới thiệu, quảng cáo cho hay, không ai cấm, nhưng ít nhất phải đúng bản chất sự việc.

Để tạo nên chất lượng tốt trong giáo dục đại học cần ba yếu tố cơ bản. Đó là cơ sở vật chất - kỹ thuật tốt (bao gồm cả tiền lương cao cho cán bộ, giáo viên); đội ngũ giáo viên giỏi và đủ (khoảng 15 sinh viên/1 giáo viên); và bề dày truyền thống của trường (được hiểu như là phong cách riêng, phương pháp riêng trong hoạt động dạy và học). Còn nội dung chương trình đào tạo - những thứ đã được viết thành sách có ý nghĩa không lớn. Cái có giá trị thực sự thường nằm ở trong cặp hoặc trong đầu các giáo sư. Nhiều trường trên thế giới cho trường khác giảng dạy theo chương trình của trường mình, nhưng không hưởng quyền lợi cũng như không có liên quan gì đến bằng cấp. Ví dụ như Đại học Hàng hải của Anh cho Đại học Giao thông Pêtecbua (Nga), Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Tambov (Nga) cho Khoa Quốc tế ĐHQG Hà Nội sử dụng chương trình của mình thoải mái. Nói như vậy để thấy tự thân nội dung chương trình, dù là của nước ngoài cũng không có ý nghĩa gì lớn, chúng ta đừng quá đề cao!

Tôi hơi ngỡ ngàng khi biết năm nay Trường Đại học Quốc tế thuộc ĐHQG TPHCM tuyển sinh khi chưa có giảng đường riêng, phòng máy riêng, chưa hợp tác với một trường nào cụ thể của nước ngoài... Sinh viên sẽ nghe giảng bằng tiếng Anh (TOELF 500, nhưng có thể cho nợ đầu vào - công cụ để nhận thức lại chưa có thì nhận thức thế nào đây?). Như thế sinh viên Trường Đại học Quốc tế khác với những sinh viên còn lại của ĐHQG TP.HCM duy nhất là học bằng tiếng Anh. Vậy hà cớ gì họ phải đóng học phí cao gấp 10 lần - 1.200 đôla Mỹ (đã được giảm 50%) so với 1,8 triệu đồng! Hiệu phó Hồ Thanh Phong nói sẽ xây trường. Nhưng để có trường đại học hiện đại đâu phải là chuyện ngày một, ngày hai? ĐHQG Hà Nội được cấp đất tại Hoà Lạc từ năm 1993 đến nay, nhưng đã thấy xây được gì đâu.

Thật tình khi thấy hai ĐHQG có hai cơ sở đào tạo quốc tế, tôi rất mừng. Nhưng càng tìm hiểu, tôi càng thấy khó hiểu, bởi không thấy nước nào có loại trường như thế này: thành lập trên đất nước mình, dạy cho con em mình học, nhưng lại dạy bằng các thứ tiếng nước ngoài. Chúng là trường quốc lập, nhưng học phí là một khoản tiền khổng lồ. Mà Nhà nước có thể còn phải hỗ trợ một khoản tương đương nữa! Chưa có gì để nói về loại trường này vì chúng mới đi vào hoạt động. Nếu loại trường này thành công, có thể đây là một đóng góp của Việt Nam cho giáo dục thế giới.

Hiện nay nền giáo dục của chúng ta đang bị cho là yếu kém, chúng ta mở rộng cửa đón nền giáo dục nước ngoài vào, nhưng đừng nghĩ rằng chúng ta đón được những cái tốt nhất của họ. Nền giáo dục của Mỹ, Anh, Úc đã được thương mại hoá (theo nghĩa tốt) sâu sắc; cũng như hàng hoá, họ đi tìm thị trường. Nhưng khác với hàng hoá, trong giáo dục họ không muốn và dù muốn cũng không thể xuất những gì tốt nhất. Đã vậy một số người còn lợi dụng sự hấp dẫn của yếu tố nước ngoài để câu khách thì người đi học sẽ bị thiệt thòi lớn. Cần phải minh bạch, rõ ràng trong khi nói và làm giáo dục có liên quan đến quốc tế.

TS Hồ Bất Khất

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.