Làng “ăn cơm nhà người”

17/11/2008 08:58 GMT+7

Ai muốn thuê người cứ về làng Mỹ An”. Đó là câu người ta thường chỉ cho hau mỗi khi có ai đó cần người giúp việc.

Ở làng Mỹ An (Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), trẻ con cứ học hết lớp 3, lớp 4 là khăn gói đi ở đợ. Có nhà được năm đứa con thì đến bốn đứa đã “ăn cơm nhà người”. Mấy sào ruộng, mấy cái đầm trũng nước là nơi mưu sinh cho cả làng. Cá tôm đánh bắt mãi cũng hết khiến nghề chài lưới ngày một “hèn” đi, cả làng trở thành đội làm thuê, làm mướn từ lúc nào không hay.

Điển hình nhất là gia đình anh Đặng Thấn và chị Lê Thị Gái. Hai vợ chồng rong ruổi khắp các chốn làm thuê. Từ những việc gặt hái quanh quẩn trong làng cho đến khuân đất, vác đá ở các công trình xây dựng, hay cả  việc giữ trẻ, dọn nhà anh chị cũng nhận làm tất.

Ông Đoàn Đức Hùng, chủ tịch UBND xã Phú Dương, cho biết: “Mỹ An vốn là thôn nghèo nhất xã. Cả thôn có 257 hộ dân với 1.286 nhân khẩu. Trong đó có 23 hộ nghèo và gần 90% các gia đình ở đây có con đi ở đợ”.

Quanh năm tối tăm mặt mũi, đôi tay chưa một lần “để ngửa trên gối” nhưng gia đình chị Gái không thoát khỏi cảnh ăn trước trả sau. Nỗi lo cơm gạo thấp thỏm từng ngày. Lại thêm chuyện nợ nần rút rỉa, khiến hai đứa con gái lớn đang còn đi học mà phải sụt sùi nước mắt khăn gói đi ở. “Bọn nó vào Sài Gòn ở giữ em, dọn dẹp nhà cửa, mỗi năm mới được về một lần. Thương con đứt ruột nhưng chừ biết mần răng”- chị Gái rơm rớm nước mắt. Vài tháng sau chị lại một lần nữa đưa đứa con trai duy nhất đi làm thuê cho một tiệm bánh mì trên thành phố. “Thật sự lúc đó nó còn quá nhỏ, mình biết mình có lỗi với con nhưng tại túng thiếu quá nên chẳng còn cách nào khác”. Nhà chị Gái có năm đứa con mà nay ba đứa đã “ăn cơm nhà người”.

Sát bên nhà chị Gái là gia đình anh Dương Kháng. Hoàn cảnh anh Kháng cũng không mấy khá hơn. Cảnh nghèo cũng lần lượt đẩy ba đứa con nhà anh đi ở đợ. Rồi cách hai nhà nữa là gia đình anh Lê Văn No, có bảy người con thì hết bốn đứa đã đi ở. Hình như cái kiếp ở đợ không buông tha bất cứ gia đình nào trong làng Mỹ An này. Cứ mười nhà thì hết tám chín nhà “vắng con”.

Tuy nhiên vẫn có những gia đình cố gắng cho con cái được đến trường. Những đứa trẻ một buổi đến lớp, buổi còn lại thì lội xạc chân trên mấy đồng ruộng bỏ hoang. Thầy Phạm Văn Tân, hiệu trưởng Trường tiểu học Dương Nổ (Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế), cho biết mỗi năm trường có từ 12-13 học sinh thôi học nhưng phần lớn là các em ở  làng Mỹ An.

Chỉ khi được học hành tới nơi tới chốn thì những đứa trẻ làng Mỹ An mới thoát cái kiếp nghèo đeo bám ngàn đời.

Theo Lê Hà / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.