Thi tốt nghiệp THPT 5 môn được ủng hộ

19/11/2007 22:49 GMT+7

Sáng 16.11, Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) tiếp tục tổ chức buổi tọa đàm chung quanh việc đổi mới thi và tuyển sinh ở khu vực phía Bắc.

Thi 5 môn kiểu nào?

Một trong những vấn đề Ban soạn thảo Đề án tổng thể đổi mới thi và tuyển sinh đưa ra là thời gian tổ chức kỳ thi THPT quốc gia vào thời gian nào là hợp lý. Các ý kiến đều thống nhất: nên tổ chức thi vào tháng 6. Theo ông Nguyễn Đình Đại, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội): "Theo lịch, Bộ GD-ĐT kết thúc năm học vào ngày 27.5, nếu tổ chức thi ngay trong tháng 6 sẽ tránh được tình trạng học sinh các tỉnh đổ về các lò luyện thi ở Hà Nội ôn thi". Đại diện trường ĐH Khoa học tự nhiên Hà Nội cũng tán đồng: "Thi vào tháng 6 là hợp lý, sau đó các trường ĐH, CĐ, trung học chuyên nghiệp (THCN) phải làm nhiệm vụ thống kê số môn thi học sinh đăng ký và tổ chức xét tuyển. Nếu tổ chức thi muộn hơn sẽ cập rập cho các trường ĐH, CĐ, THCN".

Theo Đề án đổi mới thi và tuyển sinh, có 2 phương án về số môn thi để được công nhận tốt nghiệp THPT. Phương án 1: thí sinh phải thi 5 môn,  gồm 3 môn cố định là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, 1 môn bắt buộc do Bộ GD-ĐT quy định từng năm và 1 môn tự chọn. Phương án 2: thí sinh thi 6 môn, gồm 3 môn cố định, 1 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn. Ông Nguyễn Ngọc Hợi, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Vinh cho rằng: "Chỉ nên thi 3 môn Văn, Toán và Ngoại ngữ. Nếu thi đại học nên thi thêm 2 môn định hướng ngành". Ông Đặng Đình Đại lại phản đối: "Nếu chỉ thi 3 môn như tiến sĩ Hợi nêu thì việc học ở THPT đã lệch sẽ càng lệch hơn. Nên thi 5 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ  và tăng thêm môn tự chọn là 2 môn". Ý kiến của ông Đại cũng nhận được sự đồng tình của các Sở GD-ĐT vốn ủng hộ phương án thi 5 môn.

Nhiều hình thức thi tại trường ĐH

Vấn đề được các trường ĐH, CĐ quan tâm là ngoài hình thức thi trắc nghiệm, các trường ĐH, CĐ có được phép tổ chức một kỳ thi tại trường để đánh giá chất lượng học sinh bằng hình thức thi khác không? Đại diện trường ĐH Bách khoa Hà Nội đề nghị: "Kỳ thi tại trường (sau kỳ thi THPT quốc gia) Bộ nên để các trường ĐH, CĐ, THCN tự lựa chọn hình thức thi, có thể là thi tự luận, vấn đáp... chứ không phải chỉ có hình thức thi trắc nghiệm để kiểm tra chất lượng học sinh". Ông Nguyễn An Ninh, Cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục đồng ý với ý kiến này: "Ban soạn thảo sẽ bổ sung vào dự thảo đề án: sẽ có thêm kỳ thi tại trường đánh giá chất lượng học sinh. Hình thức thi mở để các trường lựa chọn tùy thuộc vào ngành nghề đào tạo". Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Thọ - Trưởng phòng Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Sở GD-ĐT Hà Nội lại đưa ra lời "cảnh báo" rất đáng chú ý: Bộ phải "cẩn thận" với việc cho phép các trường ĐH, CĐ, THCN tổ chức thi tại trường, vì những cuộc thi này sẽ rất dễ biến thành các cuộc thi chính vào các trường ĐH, CĐ, THCN, trong khi cuộc thi quốc gia lại không được coi trọng!

Ông Ngô Kim Khôi, Phó vụ trưởng Vụ ĐH và sau ĐH, thành viên Ban soạn thảo đề án tổng thể đổi mới công tác thi và tuyển sinh cho biết: Sau khi Bộ GD-ĐT chính thức trình Chính phủ Đề án, Bộ sẽ ban hành khung chính sách để các trường ĐH, CĐ có tiêu chí để đưa ra các điều kiện xét tuyển. Các trường ĐH, CĐ, THCN sẽ phải công khai các điều kiện xét tuyển trên mạng để học sinh và phụ huynh nắm rõ. Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của dư luận xã hội, các nhà quản lý, các nhà chuyên môn đóng góp cho Đề án đổi mới thi và tuyển sinh trong tháng 11 này.

Thu Hồng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.