Những kiếp đi tìm

31/10/2010 10:16 GMT+7

Chuyển thể từ truyện ngắn Chiều vắng của Nguyễn Ngọc Tư, Nửa đời ngơ ngác (được ra mắt tại sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, TP.HCM vào tối 31-10) là một bi kịch về cuộc đi tìm hạnh phúc quẩn quanh của con người.

Vì sao để đạt được cảm giác yêu thương thì phải hi sinh cái gì đó lớn lao tương tự? Vì sao ta lại theo đuổi một người nào đó - chỉ là người đó - chứ không phải là một ai khác? Vì sao đôi khi ta lại chỉ muốn trao niềm yêu thương của mình cho kẻ chẳng cần, mà vô tình trước người đang khát khao?...

Những câu hỏi ấy thật ra không ai có thể trả lời thấu đáo cả. Suy cho cùng nó cũng không quá mới - nhưng chẳng bao giờ cũ - giữa cuộc đi tìm hạnh phúc gian nan, dù là con người của thời nào...

Ðặt lại những nỗi buồn này trong bối cảnh nông thôn Nam bộ vốn được khai thác nhiều trong các loại hình nghệ thuật thời gian gần đây, Nửa đời ngơ ngác "gánh" trên vai một thử thách không nhỏ.

Vở kịch là một vòng tròn yêu đương quẩn quanh gồm năm con người trẻ tuổi đi tìm, vay trả lẫn nhau. Họ có những nỗi lòng riêng, cũng có đầy đủ lý lẽ và có thể đạt được sự cảm thông, kể cả khi mang một nửa cuộc đời của mình ra đặt cược...

Người ta có thể trách Lê (Ngọc Lan) tội bất hiếu với bà Hai (Ái Như) - người mẹ luôn dành phần hơn sự yêu thương cho cô so với em gái, nhưng cũng có thể thấy thương một cô gái dám bỏ nhà đi theo tình yêu duy nhất đầu đời mà không câu nệ sang hèn, đói khổ... Có thể coi cái uất hận của anh nông dân Tư Nhớ là phải lẽ khi con chết - mình bị thưa đi tù - vợ bị bắt gả cho người khác, nhưng cũng có thể đặt câu hỏi: liệu đó có phải là cái giá phải trả và có cần phải mang theo nỗi hận ấy mười mấy năm trời?

Có thể cho rằng chuyện Út Lý (Hồng Ánh) - cô em gái của Lê, đem cuộc đời mình đi "thường" cho người bị gia đình mình gây khổ - là chuyện vô duyên, khờ khạo, nhưng cũng có thể thấy ở cô ánh sáng của con người sống trọng ân tình... Lý từ chối Hết, Hết từ chối Hoài... cũng chẳng cần lý lẽ gì ghê gớm, bởi đôi khi "không yêu nhau chỉ vì... không yêu nhau" thôi.

Cái si tình, nghĩa khí, cả những nỗi hận, niềm thương quyết liệt... của những con người Nam bộ này là "lạt mềm" trói chặt họ vào vòng luẩn quẩn không gỡ được. Yêu thương đã đành, những vết thương, chỗ hở trong vòng tròn ấy cũng âm ỉ, cứ chạm đến nhau, loang ra và gây nhức nhối với những người trong cuộc. Cái kiếp "đi tìm" cứ vậy mà nối dài...

Cùng là cách nhìn về những số phận "ngơ ngác", truyện ngắn và kịch nói có cách giãi bày bằng sự cảm thông riêng. Chiều vắng của nhà văn nữ là sự đồng cảm, khi tác giả ngồi xuống cùng nhân vật với một ly trà nóng, có đắng, chát, thơm và phảng phất buồn, ưu tư. Còn Nửa đời ngơ ngác - qua cái nhìn của một đạo diễn nam - trên sân khấu kịch cũng là một sự ngồi xuống với số phận buồn, nhưng chia sẻ bằng một ly rượu.

Có thơm, đắng, cay, chát, chua, cả cảm giác say - đôi khi là nồng nhiệt và có lúc lại lạnh lùng.

Cùng với "trăm phần công lực" của NSƯT Thành Hội trong vai trò đạo diễn (như anh chia sẻ), diễn viên là một điều thú vị không kém của Nửa đời ngơ ngác. Xem, để thấy Trí Quang vững chải và bắt đầu vào độ chín của nghề trên sân khấu, so với việc xuất hiện không mấy ấn tượng trên phim truyền hình thời gian qua. Sự trở lại rất ngọt của Hồng Ánh với sở trường "đào thương" sau hai năm "rong ruổi", bên cạnh một Ái Như lão luyện, lần đầu vào vai có chút "máu lạnh"...

Phải kỹ đến từng... hơi thở

"Sáng sân khấu, duyên dáng và có nét tình tứ" là những lời nhận xét của hai "con mắt nhà nghề" Ái Như và NSƯT Thành Hội dành cho Ngọc Lan qua vai diễn đầu tiên trên sân khấu kịch nói.

Vai diễn kéo dài từ khi là một cô gái quê tuổi 25 đến lúc trở thành một Việt kiều tuổi 40... Ðã sáu năm đứng trước ống kính của điện ảnh truyền hình với gần 20 vai diễn chính và phụ, nhưng với vai Lê chưa bao giờ Ngọc Lan phải trải qua nhiều trường đoạn tâm lý phức tạp như thế.

Diễn viên Ngọc Lan trong vở Nửa đời ngơ ngác - Ảnh: G.T.

* Từng đầu tư vài phút cho một cảnh quay, và bây giờ tập cả tuần cho một đoạn diễn, Ngọc Lan cảm thấy thế nào?

- Tôi thấy kịch nói rất khó. Thực tế của điện ảnh truyền hình bây giờ nếu diễn không đạt thì người ta thậm chí có thể cho qua, sử dụng hình khác trên câu thoại của mình. Còn ở sân khấu kịch thì đến hơi thở của mình cũng phải kiểm soát được. Ðiều thú vị của sân khấu mà tôi phát hiện là ở chi tiết diễn. Ði tập kịch cả tháng nay tôi mới phát hiện mình đã bỏ sót quá nhiều chi tiết trên phim mà chính bản thân tôi không biết. Công việc nào cũng có cái khó. Những ngày đầu tôi bước chân vào điện ảnh cũng khó như những ngày đầu tôi làm kịch bây giờ vậy. Nếu mình coi cái gì cũng dễ quá thì sẽ không có sự phấn đấu. Càng khó tôi càng thích.

* Tâm thế của người phải học hỏi có cản trở chị gì không?

- Tôi được làm việc với những người giỏi và chịu khó nắn nót, chỉ bảo cho tôi. Ðó là một diễm phúc mà không phải diễn viên trẻ nào cũng có cơ hội. Tôi được nắn nót, chỉnh sửa đến từng cử chỉ, hành động, lời nói, kể cả hơi thở... Và tôi thật sự mang ơn họ.

Theo Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.