Mỹ Lệ Thi: Đối thoại với những bàn chân

19/11/2006 00:57 GMT+7

Một ngày trên đường phố tấp nập của Sydney, có một người phụ nữ Việt Nam bé nhỏ mặt cúi xuống đất rảo những bước cô đơn. Chị thu vào trí nhớ những bước chân người vội vã qua lại trong nhịp thở náo nhiệt của đô thị. Giữa những mớ âm thanh và chuyển động ấy, Mỹ Lệ Thi chợt nhớ về thuở xa xưa, ngày cô còn bé và nằm gọn trong chiếc thúng con của mẹ mỗi khi gánh hàng ra chợ.

Liên lạc với Mỹ Lệ Thi những ngày này rất khó. Chị đang chuẩn bị về Việt Nam vào tháng 12 tới để chuẩn bị cho cuộc triển lãm sắp đặt và tranh ở thành phố quê hương Buôn Ma Thuột. Buôn Ma Thuột, miền đất gắn liền ký ức của Thi với những bàn chân người qua lại giữa phố chợ ngày nào, vẫn sáng rực trong nỗi nhớ của người nghệ sĩ như màu đất đỏ bazan.

Mỹ Lệ Thi, nghệ sĩ gốc Việt tại Úc từng đoạt nhiều giải thưởng uy tín đã có nhiều cuộc triển lãm cá nhân và nhóm ở nhiều thành phố khác nhau trên thế giới,

Một số chương trình bảo trợ nghệ thuật và giải thưởng của nghệ sĩ Mỹ Lệ Thi 

*2006: Chương trình Australian Asialink Art Residency
*2000: International Project Grant, Bộ Nghệ thuật bang New South Wales
*1999: New Work Grant của Hội đồng nghệ thuật bang New South Wales
*1995: Giải Best Exhibition Award của Hội đồng nghệ thuật Darwin
*1994: Giải Jackson's Drawing
*1993: Giải Ann Phelan.

vẫn cho là không đâu dễ gây xúc động cho cô bằng Buôn Ma Thuột. Trong lần trở về này, Thi cho biết nắng gió cao nguyên thuở nào gợi lên trong lòng chị những cảm xúc khó tả về một thời thơ ấu dấu yêu bên người mẹ cơ cực. Quá khứ vui buồn lẫn lộn lại ngập tràn trong chị qua hình ảnh những bàn chân. Ngày xửa ngày xưa, một con bé không cha ngồi thu lu trong chiếc thúng của mẹ. Qua vành thúng, điều nó nhìn rõ nhất là những bàn chân...

Hôm nay, đứa bé nghèo ấy đã là một phụ nữ trưởng thành. Lớn lên cùng tháng năm và những trải nghiệm đắng cay của cuộc đời, Thi đã đi và thấy nhiều. Những bàn chân từng đi qua tâm trí chị không chỉ là những bàn chân khắc khổ của những người phụ nữ buôn thúng bán bưng nuôi chồng con. Có những bàn chân vui, dạt dào sức sống của người trẻ. Có những bàn chân già, thong dong chậm rãi mộng mơ về thời sôi động xa xưa trong tuổi chiều bóng xế. Những bàn chân đến từ mọi miền thế giới, thuộc mọi màu da, tính cách, tầng lớp. Thi ghi nhớ chúng, và tái hiện chúng bằng chất liệu thạch cao, sắp đặt theo một trật tự ngẫu nhiên trên mặt phẳng. Chị vẽ lên chúng những mảng màu ngầm biểu thị tâm trạng và số phận  khác nhau. Khi đặt những tác phẩm này lại với nhau trên cùng một mặt phẳng và gọi chúng là bộ sưu tập Walk the Earth, chị muốn nói rằng cho dù chúng ta khác biệt nhau đến mấy, vẫn có một mẫu số chung: chúng ta ai cũng đi trên mặt đất. Xin hãy yêu thương nhau và cùng tận hưởng cuộc đời này.

Đúng là cuộc đời này có nhiều điều ý nghĩa, ngay cả khi thời gian và không gian dường như trở nên cô đặc lại trong cái tối tăm ngược đãi của số phận. Thi lớn lên mà không có cha ở bên. Chỉ có người mẹ hằng ngày tảo tần gánh hàng ăn ra chợ nuôi con. Nhưng buôn bán không đủ ăn, mẹ phải làm thêm nghề giúp việc. Khi Thi 10 tuổi, người mẹ qua đời. Để kiếm cơm qua ngày, cô bé phải bỏ học, ra chợ bán cá muối và giúp việc cho một ông già. Nhìn bọn trẻ đồng trang lứa mỗi ngày đi ngang hàng cá trên đường đến trường, lòng Thi thắt lại. Không muốn bị ngu dốt nên tối đến cô bé mò mẫm đem sách vở ra học. Sẵn có máu nghệ sĩ trong người và vì muốn thoát khỏi tương lai mù mịt, Thi tìm đến người quen học thêm nhạc. m nhạc chứ không phải mỹ thuật ban đầu đã giúp Thi thoát khỏi cuộc đời bó hẹp trong góc chợ.


Một phần của bộ sưu tập Walk the Earth

10 năm, từ 1975-1985, là khoảng thời gian Mỹ Lệ Thi có chân trong đoàn Nghệ thuật ca múa nhạc Đắk Lắk. Năm 1980, chị đoạt huy chương vàng giọng ca chuyên nghiệp ở Hà Nội. 5 năm sau, cuộc đời Thi mở ra một chương mới khi chị đến Úc định cư tại thành phố Darwin. Quyết tâm theo đuổi giấc mơ đèn sách, chị tốt nghiệp Cử nhân nghệ thuật tại Northern Territory University vào năm 1993. Một năm sau, chị chuyển đến sống ở Sydney để có nhiều điều kiện hơn cho việc học tập và hoạt động nghệ thuật. Năm 1997, chị hoàn thành chương trình thạc sĩ Quản trị nghệ thuật ở  University of Technology tại Sydney. Những lúc khó khăn trong công việc và cuộc sống, chị luôn nghĩ về mẹ. Bà là một trong những người cho chị động lực làm nghệ thuật.

Thi cho biết nghệ thuật thị giác gắn bó với chị kể từ năm 1989, lúc chị còn đang là sinh viên ở Darwin. Từ đó đến nay, chị đã có 13 triển lãm cá nhân và tham gia rất nhiều triển lãm nhóm khác ở Úc. Theo kế hoạch sắp tới, cùng với những tác phẩm trong bộ sưu tập Walk the Earth, Thi sẽ mang về Việt Nam triển lãm một số tranh của chị và cùng các DVD hình ảnh minh họa. Cuộc "Đối thoại với những bàn chân" của Thi từng được đem triển lãm ở nhiều nước trên thế giới, từng đến Mỹ, qua các nước châu u như Tây Ban Nha, Đức..., qua Á châu như Đài Loan, Thượng Hải (Trung Quốc), Thái Lan, Philippines...

Ngoài Buôn Ma Thuột, Mỹ Lệ Thi dự định sẽ liên hệ với các gallery ở Sài Gòn để tìm chỗ thích hợp trưng bày tác phẩm của mình. Hỏi Thi nhận xét của cá nhân chị về các nghệ sĩ mỹ thuật trẻ ở Việt Nam, chị trả lời: "Nhiều người có cách nhìn đặc biệt đối với thế giới và các vấn đề xã hội. Tôi thích sự chân thật và năng lượng ở họ. Người nghệ sĩ phải thường xuyên đấu tranh và cần phải có sự dũng cảm để trải lòng với xã hội và việc này cần có nhiều thời gian".

Quỳnh Như

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.