Lớp học võ Mông miễn phí giữa thủ đô

03/11/2009 23:54 GMT+7

Thành lập tháng 9.2006 tại ĐH Xây dựng với chỉ 4 môn sinh, đến nay, CLB võ Bắc Việt đã thu hút hơn 200 người theo học.

Bắc Việt là tên gọi mới được đặt cho võ Mông - võ của dân tộc Mông vùng Tây Bắc. Đây là môn võ nội gia, chỉ được truyền dạy cho con trai trưởng của các dòng họ người Mông. Đặc trưng của võ Mông là kỹ thuật “song trảm” và “giằng xé y phục”. Đây là lối tấn công phòng thủ tay không, bằng cách nắm bắt, ra đòn cùng lúc bằng 2 lòng bàn tay và các động tác vật (phần nhiều thiên về túm y phục).

Việc Trần Ngọc Linh - một chàng trai người Kinh - được phép học và truyền bá môn võ này đến sinh viên (SV) các trường ĐH tại Hà Nội là một điều kỳ lạ. Gặp thầy Giàng A Sình - truyền nhân đời thứ 12 của dòng họ Giàng dân tộc Mông, sau một tháng thử thách, Linh được thầy nhận làm đệ tử, dạy cho các thế đầu tiên của môn võ...Thời điểm Linh “bén duyên” với võ Mông là lúc Linh đang học lớp 10 và bắt đầu mở CLB truyền bá võ Bắc Việt khi trở thành sinh viên.

Trần Ngọc Linh (SN 1988), sinh viên năm thứ 4 khoa Kiến trúc - ĐH Xây dựng, là người đầu tiên đưa võ cổ truyền của dân tộc Mông vượt Hoàng Liên Sơn về thủ đô. Linh cũng là người đầu tiên mở lớp dạy môn võ này tại Hà Nội.

Lúc mới thành lập CLB, khó khăn lớn nhất đối với Linh là không dễ để thay đổi quan niệm của mọi ngườí. “Nhiều người bảo: Hà Nội thiếu gì những võ phái nổi danh, còn định "gây dựng cơ đồ" cho một môn võ không nhiều người biết đến thì quả là gàn”, Linh nhớ lại thử thách đầu tiên khi muốn phát triển võ Bắc Việt. Từ đó đến nay tròn 3 năm, 4 môn sinh ban đầu do “thầy” Linh dạy bảo đã trở thành những đệ tử ưu tú thay Linh truyền lại võ Bắc Việt cho các học trò sau này.

Hiện tại, võ Bắc Việt được dạy tại hai trường ĐH Xây dựng với 150 môn sinh và ĐHDL Thăng Long với 50 người theo học. Phần lớn những người theo học võ tại CLB là SV và CLB cũng không thu học phí của những môn sinh theo học. Đều đặn từ 18 - 20 giờ các tối thứ ba, năm, bảy tại ĐH Xây dựng và tối thứ hai, tư, sáu tại ĐHDL Thăng Long, các môn sinh võ Bắc Việt say sưa tập luyện dưới sự chỉ dẫn của các thầy.

Tỷ lệ nữ với nam theo học võ Bắc Việt cũng không chênh lệch nhau quá nhiều. “Thầy” Linh hào hứng cho biết, tỷ lệ võ sinh là nữ tại CLB ĐH Xây dựng là 30% còn ở CLB ĐHDL Thăng Long lên tới 75%. Nguyễn Huyền Trang (Khoa Văn - ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn), trước khi học võ Bắc Việt, đã từng “rèn” các môn khác là Vovinam, Taekwondo. Mới học lớp võ Mông tại ĐH Xây dựng của “thầy” Linh được gần 1 tháng nhưng Trang cho biết: “Võ Bắc Việt có tính thực chiến rất cao. Hơn nữa quan niệm võ thuật cũng giản dị, dễ hiểu nên em thích”.

Trần Thị Lan (SV năm thứ 3 - CĐ Thiết bị Y tế) thì khoe: “Một bạn nam cùng xóm trọ rủ em đi học võ “thầy” Linh, nhưng hắn chỉ “trụ” được...1 ngày. Còn em đã theo lớp được 8 tháng”. Sinh năm 1996, đang là học sinh lớp 8 THCS Nguyễn Trãi, Hoàng Tiến Dũng biết đến võ Bắc Việt là nhờ...bạn gái của anh trai. Là học trò nhỏ tuổi tại CLB nhưng từ khi theo tập võ tại CLB, Dũng chưa nghỉ buổi nào.

Trần Ngọc Linh chia sẻ, Linh có dự định sẽ phát triển võ Bắc Việt sâu rộng tại các trường học ở Hà Nội. Hiện tại, ĐH Xây dựng và ĐHDL Thăng Long là 2 trường mở màn cho phong trào SV học môn võ này. Sắp tới, võ Bắc Việt sẽ được giới thiệu cho SV tại ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia). Thế nhưng, khát khao Linh ấp ủ từ lâu là một ngày nào đó sẽ đem võ Mông về dạy lại cho dân tộc Mông, vì hiện nay, không phải người Mông nào cũng biết đến môn võ độc đáo của dân tộc mình.

Trần Đan - Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.