Thanh niên sống đẹp, nội lực quốc gia mạnh lên

14/10/2005 23:40 GMT+7

Bên cạnh những chương trình mũi nhọn như cổ vũ thanh niên (TN) nghiên cứu khoa học và học tập, khuyến nông, khuyến ngư, những chương trình lớn mang tính chiến lược, Hội LHTN Việt Nam ngày càng chứng minh bản lĩnh của mình thông qua các hoạt động hữu ích rộng khắp ở các cơ sở nhằm phục vụ và tập hợp TN. Hội châm ngòi và nuôi dưỡng để TN sống đẹp, sống có ích - những nhân tố quan trọng đẩy mạnh sự tăng cao nội lực quốc gia.

Những "chuyên gia" hiến máu

"Không thức khuya, không để muỗi đốt, không uống rượu trước ngày hiến máu. Người hiến phải nặng từ 45 kg trở lên...". Cân nặng 42 kg, Thanh Thúy cười nhớ lại những lần đã phải năn nỉ gãy lưỡi để các bác sĩ chịu nhận máu mình. Mỗi lần hiến máu nhân đạo là cô bạn này lại vui như Tết! Niềm vui của Thúy và những "chuyên gia" sinh viên (SV) hiến máu rạng ngời khi họ kể về hành trình đưa những giọt máu của mình đến với người cần.

Mẹ con cùng hiến máu

Đó là câu chuyện của bạn Trần Minh Thuận, SV năm 4, khoa Công trình, Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM. Tính đến nay, Thuận đã 13 lần tham gia hiến máu tại phường, trường và Trung tâm Hiến máu thành phố. Ngoài 7 lần tham gia hiến máu do Đoàn trường phát động thì những lần khác Thuận đều đi với mẹ. Thuận tâm sự: "Nhìn mình to cao thế thôi chứ nhát hơn mẹ mình nhiều. Mẹ mình đã 15 lần hiến máu. Mỗi lần có phát động phong trào ở đâu đó là mẹ mình lại "rủ rê" mình theo, đi cùng cho có "bạn" và góp được nhiều máu hơn". Hiện tại, Thuận đang là Ủy viên BCH Đoàn trường, phụ trách mảng tuyên truyền hiến máu trong SV và kiêm luôn vai trò phối hợp với những y bác sĩ ở Trung tâm Hiến máu thành phố "cấp cứu" các trường hợp ngất xỉu khi hiến máu. Thuận


Phút thư giãn của đội dự bị hiến máu "113" (ảnh: P.N)

cho biết thêm: "Lần đầu tiên em cũng như các bạn khác, hồi hộp và lo sợ khi nhìn thấy cây kim chích to gấp 3 lần kim thường. Cho nên khi khai vào tờ đơn bác sĩ đưa, cái gì em cũng ghi là có, thậm chí là “có nghiện ma túy không?” Em cũng điền vào chữ có luôn. Bác sĩ nhìn thấy mới nói là nghiện ma túy thì sao cho máu được? Lúc đó, em mới giật mình và sửa lại thông tin".

Cũng giống như Thuận, hầu hết các bạn khi lần đầu tham gia hiến máu đều e ngại, nhưng vượt qua nỗi sợ rồi thì các bạn tham gia rất thường xuyên. Một năm, ngoài hai lần tham gia hiến máu tại trường ĐH, họ còn đăng kí hiến máu tại nhiều đơn vị y tế khác. Phan Thị Thanh Thúy, SV năm 4, khoa Xã hội học, Trường ĐH Mở bán công TP.HCM cho biết: "Dù đã 12 lần hiến máu nhưng cứ mỗi lần tham gia là mình lại xúc động. Mình quê ở Đắk Lắk, ba mình lên thăm đúng dịp trường tổ chức hiến máu. Khi ba biết đơn vị máu mà mình cho là 200 ml/lần thì giật nảy mình và la lên: "Ba nuôi con được có bao nhiêu đó mà con cho hết rồi thì tội ba quá!". Ngay trưa hôm đó, ba bắt mình phải ăn thật nhiều để lấy lại sức khỏe cho lần sau… hiến máu tiếp!".

Đội hiến máu "113"

Đó là ước mơ và nguyện vọng của Thuận và các bạn. Lê Văn Chương, SV năm 4 khoa Máy tàu thủy ĐH GTVT, sau 10 lần hiến máu cho biết: "Nhà xa mà em đi bằng xe đạp nên khi đến nơi, nhịp tim em đập nhanh quá, các bác sĩ từ chối và không chịu lấy máu của em. Lần đó, em tức muốn khóc. Rút kinh nghiệm, lần sau em không vào khám sức khỏe sau khi hoạt động mạnh nữa. Hiện nay, em cùng một số bạn đăng kí làm tình nguyện viên dự bị cho Trung tâm Hiến máu thành phố để được hiến máu trực tiếp cho người bệnh. Khi họ cần sự giúp đỡ thì mình có mặt ngay để kịp thời cho máu như đường dây nóng 113 của công an. Niềm vui của bọn em cũng "cụ thể" hơn khi biết người mà mình cho máu là ai, họ khỏe mạnh trở lại như thế nào…".

Nhiều bạn tuy lo chạy nước rút cho năm cuối ĐH nhưng khi được báo cho biết ngân hàng máu đang thiếu thì các bạn lại nhiệt tình ghi danh. Cao Phúc Thanh, nhân viên Công ty Sơn nước KoVa, dù đã tốt nghiệp nhưng hằng năm, mỗi khi trường cũ tổ chức là Thanh lại "lôi kéo" bạn bè trong công ty sang tham gia: "Nhiều lần đi hiến máu về là mẹ mình nói "Rồi, nó lại đi hiến máu về!". Song mình hiểu đó là mẹ lo con cho máu rồi không đủ sức khỏe làm việc. Nhiều người không hiểu, lo sợ đau đớn như mất một phần của cơ thể. Thực tế, việc cho máu không ảnh hưởng gì tới sức khỏe bản thân. Thời gian gần đây, số người tham gia hiến máu tăng lên rất nhiều, mình thật mừng vì ngày càng nhiều người hiểu giá trị của nghĩa cử này".

Thanh tâm niệm, 9 lần hiến máu của mình chỉ là con số nhỏ. Nhưng 10, 100, 1.000... người 9 lần, 10 lần, 13 lần như Thúy, Thanh, Thuận, Chương... thì từ những giọt máu quý thấm đậm tình người này, biết bao người trong cơn nguy kịch sẽ được hồi sinh.

Tài Em - chàng "hai lúa" đáng yêu

Bóng đá VN hiện nay có rất nhiều tên tuổi trẻ đã khẳng định qua SEA Games hay LG Cup như Văn Quyến, Công Vinh, Minh Phương, Minh Đức, Huỳnh Quốc Anh, Lê Quốc Vượng... nhưng để chọn ra một cái tên tiêu biểu, xứng đáng nhất cả về đức lẫn tài, hầu như tất cả mọi người đều nhất trí đội trưởng của đội GĐT.LA Phan Văn Tài Em.

23 tuổi, có gương mặt rất là "hai lúa", trên sân, ít bao giờ người xem thấy Tài Em đá xấu. Chơi quyết liệt nhưng luôn trong khuôn khổ, thậm chí có lần anh bị tiền vệ Phi Hùng (HAGL) đá thẳng vào người rất thô bạo nhưng Tài Em vẫn không một tiếng phản ứng cũng như trả đũa lại đối phương. Tính cách Tài Em chân thật, có nụ cười hiền hậu, sống


Tài Em (phải) trong trận gặp Indonesia
chan hòa với mọi người, luôn có ý thức cầu tiến cao và biết kính trên nhường dưới. Tài Em tâm sự: "Nhiều người nói tôi khờ quá, chỉ biết thu mình lại và cũng lo tập quá nên những mối tình thoáng đến rồi thoáng đi, đến nay vẫn chưa tìm được ai. Nhiều khi cũng buồn chuyện riêng, nhưng tôi xác định phải cống hiến cho sự nghiệp trước đã, nên dù bạn bè chọc ghẹo nhiều, tôi vẫn cảm thấy rất thanh thản vô cùng...".

Tài Em nổi lên từ Tiger Cup 2002 dưới sự dẫn dắt của HLV Calisto và chỉ trong vài năm, anh đã trở thành một trụ cột không thể thiếu của bóng đá VN, được HLV Riedl tin tưởng giao băng đội trưởng. Cu Mười (tên thường dùng của Tài Em) tâm sự: "Được giao một trọng trách, tôi tự nhủ phải cố phấn đấu cho tốt hơn nữa để không phụ lòng tin yêu của thầy và các bạn cũng như hàng triệu trái tim VN đang ngày đêm mong chờ đội tuyển chiến thắng. Tôi sẽ cố gắng hết mình để cùng đồng đội mang vinh quang về cho Tổ quốc ở Philippines tháng 11 tới". Chàng "hai lúa" của chúng ta thật là đáng yêu phải không các bạn?

"Ăn robot, ngủ robot..."

Trong một căn nhà cấp 4 lụp xụp cuối đường Tân Mai, 5 chàng sinh viên Trường ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm một cuộc "hôn phối" diệu kỳ cho hai cánh tay máy để chúng có thể phối hợp linh hoạt, giống với một số thao tác của đôi tay người.

Sức mạnh của trí tuệ tập thể

TS Phan Bùi Khôi - giảng viên khoa Cơ khí ĐH Bách khoa Hà Nội: "Mô hình Robot tác hợp đã chứng minh tính đúng đắn của hướng nghiên cứu lý thuyết. Nếu được đầu tư hoặc có đơn đặt hàng, chúng tôi có thể thiết kế theo những yêu cầu đa dạng của khách hàng trong và ngoài nước".

Chỉ vào con robot tác hợp, trưởng nhóm Hà Huy Hưng (SV Cơ tin A K45, Đại học Bách khoa Hà Nội) kể về ngày đầu khai sinh ý tưởng: "Trong thực tế, đa số những cánh tay máy hoạt động như những vật thể đơn lẻ, chúng tôi muốn "kết duyên" cho những cánh tay ấy để chúng "gặp" nhau, "hiểu" nhau và phối hợp cùng nhau giải quyết được những yêu cầu phức tạp trong quá trình gia công chi tiết máy hay trong y học giống như những đôi tay của con người. Cái tên robot tác hợp là mang ý nghĩa đó".

Đã quá hiểu nhau qua những lần làm robot tham dự Robocon, lại là bạn bè cùng lớp nên nhóm của Hưng làm việc cực kỳ ăn ý. Phần thiết kế và gia công cơ khí thuộc về Hưng, trưởng nhóm. Chàng trai sinh năm 1980 này đã biến căn nhà nhỏ mình thuê thành đại bản doanh để anh em đi về. Căn nhà vốn đã đầy rẫy máy móc từ hồi làm robot tham dự Robocon 2004, 2005 như BK Express đến robot BK Fire, giờ lại thêm con robot tác hợp khiến cộng đồng robot càng thêm đông. Sau phần thiết kế trên mô hình, Hưng giao lại cho Nguyễn Xuân Hồng (SN 1982) đảm trách phần tính toán các thông số để dựa vào đó, Trần Quyết Thắng (SN 1981) mô phỏng. Khi đã hoàn tất phần thiết kế ảo, phần mạch điện và lập trình điều khiển sẽ được trao cho Nguyễn Đắc Dũng (SN 1982) và Phan Thành Dũng (SN 1981) đảm trách. "Phân công nhiệm vụ cụ thể khiến cho công việc của chúng tôi hiệu quả hơn vì phát huy được năng lực sở trường của mỗi người. Làm robot cho chúng tôi rất nhiều kinh


Thầy Khôi và trưởng nhóm Huy Hưng bên công trình hơn 1 năm nghiên cứu
nghiệm trong môi trường làm việc nhóm mà ai cũng phải thích nghi sau khi ra trường", Trần Quyết Thắng khẳng định.

Hai cánh tay robot... chuyển động

Thay sắt bằng nhôm, họ quyết định thế và mấy anh em lại lặn lội về Đê La Thành lùng khắp các cửa hàng máy cũ để tìm nhôm hợp kim của Nhật, của Nga. Cả một súc nhôm như cây giò lụa được đặt hàng gia công, tiện thành cánh tay máy thon thả, linh hoạt như đôi tay người thật. Xong phần cơ khí, vấn đề tiếp theo là phải lập trình để cho động cơ hoạt động. Những "chuyên gia tin học" trong nhóm phải bắt đầu từ đầu với việc viết phần mềm dành riêng cho đôi tay máy. Cái quan trọng là phải cho chúng "hiểu nhau", khi cánh tay nâng vật đi một góc bao nhiêu, một quãng đường bao nhiêu thì cánh tay cầm dụng cụ phải hạ xuống thế nào, khoan, cắt ra sao? Những bài toán hết sức phức tạp dần được giải quyết. Tất cả đều chính xác. Thầy Khôi bỏ ra gần hai chục triệu đồng, gần chục triệu nữa do các thành viên đóng góp, hơn 300 ngày ròng rã "ăn robot, ngủ robot", mồ hôi đã đổ, hạnh phúc ngọt ngào của cuộc "hôn phối" thành công đã cho quả đầu mùa. Trước các camera Đài Truyền hình Việt Nam, hai cánh tay robot hoạt động uyển chuyển hết sức linh hoạt, ăn ý. Một cánh tay kẹp phôi từ từ di chuyển, một cánh tay là mũi dao cắt tự động lên xuống nhịp nhàng, dòng chữ "BK" hiện ra trên nền mẫu trong sự vỡ òa sung sướng của thầy trò. Với công trình robot tác hợp, Hưng và nhóm bạn của mình đều giành điểm 10 tuyệt đối cho đồ án tốt nghiệp. Họ đang tích cực tìm đối tác để phát triển sản phẩm thông minh của mình trong những lĩnh vực hết sức cụ thể như y khoa hay gia công vật liệu...

Hằng xúc

Đó là tên gọi thân thiết của những đứa trẻ mồ côi, khốn khó dành cho anh Lương Tấn Hằng - Trưởng đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường. Lâu nay, các em đã xem Hằng xúc (tức chú Hằng) là ân nhân và Hằng Anh Đường là chốn nương tựa bình yên, nơi "lột xác" đổi đời để trở thành những vận động viên múa lân, sư, rồng và võ thuật khá điêu luyện.


Lương Tấn Hằng đang dạy võ cho học trò (ảnh: Đào Ngọc Thạch)

Năm 20 tuổi, anh Lương Tấn Hằng (tên thật là Từ Tiết Hằng) đã mạnh dạn thành lập đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường. Lấy kinh nghiệm từ bản thân, anh Hằng luôn ân cần khuyên nhủ học trò (trong đó có nhiều bạn cùng gốc Hoa như anh) rằng khi đã sống thì phải có trình độ văn hóa, phải hiểu biết về văn hóa và pháp luật... mới có thể phát triển được. Chính vì vậy, Hằng học mọi lúc, mọi nơi và học cả những "đệ tử" của mình. Cả trăm học trò được Hằng xúc cưu mang luôn được tạo điều kiện để đến trường đều đặn hoặc theo học các lớp bổ túc. Em Đoàn Trung Tín (học sinh lớp 12, Q.Tân Bình) cho biết em theo đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường từ năm lớp 8 nhưng điều đó không ảnh hưởng gì đến kết quả học tập. Ngược lại, em càng có thêm động lực từ những lời khích lệ của chú Hằng và hiện em đang từng ngày cố gắng để biến ước mơ trở thành bác sĩ trở thành hiện thực. Trong khi đó, Phong, Tuấn - hai trong số những em mồ côi, "siêu quậy" lêu lổng một thời - kể về "ngôi nhà chung của những đứa trẻ nghèo" Hằng Anh Đường và khoe: "Người thân nhất trên đời của tụi em là Hằng xúc đó!".

Những ngày này, đoàn nghệ thuật ca múa nhạc lân sư rồng Hằng Anh Đường càng bận rộn với các chương trình phục vụ hoạt động chính trị - xã hội, nhất là các hoạt động thanh niên. Ngày 9/10, Hằng Anh Đường biểu diễn tại Liên hoan Thanh niên Hoa tiên tiến toàn thành năm 2005 do Hội LHTN Q.11 đăng cai tổ chức. Đặc biệt trong ngày ấy, anh Lương Tấn Hằng còn là một đại biểu người Hoa thành đạt giao lưu và chia sẻ kinh nghiệm phấn đấu với các bạn trẻ. Ngày 12/10, thầy trò Hằng xúc lại lỉnh kỉnh đồ đạc đến Đồng Nai biểu diễn trong lễ tuyên dương doanh nhân xuất sắc. Sáng 15.10, Hằng Anh Đường có mặt và góp phần đem lại những âm thanh rộn ràng tưng bừng trong ngày hội "Nối vòng tay lớn" do Hội LHTN TP.HCM tổ chức...

Đồng hành cùng "khách trọ"

"Hiện nay chi hội phường 11 có khoảng 67 thanh niên ngoại tỉnh (TNNT), tụi mình đã tập hợp khoảng 31 người tham gia sinh hoạt công tác Đoàn, Hội thường xuyên. Họ là những thanh niên từ các tỉnh đến trọ học và làm việc"- bạn Trần Thúy Anh, Chủ tịch Hội LHTN P.11 cho biết. Thúy Anh cùng Tham Vị Hào - Bí thư Đoàn đã chủ động tiếp cận và lắng nghe, thấu hiểu những bức xúc cũng như khó khăn của TNNT, từ đó nghiên cứu tìm giải


TNNT đang chơi trò chơi giải trí (ảnh: N.L)
pháp hỗ trợ. “Hội luôn đi "săn" việc làm thời vụ hoặc bán thời gian cho TN. Còn những người đã có việc làm ổn định thì tụi mình tập hợp bằng cách tổ chức nhiều sân chơi lành mạnh" - Tham Vị Hào thông tin thêm. Hiện nay, trên phạm vi phường 11 có trên 30 đối tượng mang nguy cơ liên quan đến tệ nạn xã hội nên các cán bộ Hội của phường luôn nỗ lực không ngừng để cách ly tối đa TNNT với những đối tượng nói trên. Tận dụng những ngành nghề truyền thống tại chỗ như se nhang, làm vớ... và những nghề tạm thời như phục vụ quán cà phê, tổ chức lễ rằm cho chùa, Hội đã đem lại thu nhập khoảng 500.000 đồng đến 600.000 đồng một tháng cho nhiều TN và SV có hoàn cảnh khó khăn. Hội còn tổ chức nhóm nhà trọ để làm "vệ tinh từ xa" thuận tiện cho việc nắm bắt tình hình của TNNT. Hào, Thúy Anh cũng như các thành viên trong Hội còn thường xuyên tổ chức dọn dẹp vệ sinh cho khu nhà trọ của TNNT, làm công tác tư tưởng cho các chủ nhà trọ hạ giá thuê phòng, tuyên truyền phát động phong trào "khu nhà trọ văn minh" cho TNNT... Trong tương lai, Hội LHTN P.11 còn thống nhất các nhóm nhà trọ thành chi hội hoàn chỉnh, để hoạt động hiệu quả, quy củ và thu hút ngày càng nhiều TN tham gia hơn nữa...

Áo lam đi chiến dịch

5 mùa chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh vừa qua, chưa năm nào thiếu vắng bóng chiếc áo nhà chùa xông xáo của Nguyễn Viết Tuấn, sinh viên (SV) lớp Hành chính 27A Đại học Luật TP.HCM. Một ngày "chiếc áo" ấy làm SV ở ba trường: sáng - Trung cấp Phật học, chiều - ĐH Luật, tối - ĐH Khoa học xã hội và nhân văn. Ngày nghỉ, chiếc áo màu lam lại xuất hiện ở các công viên, lề đường - nơi có nhiều trẻ em lang thang - làm tình nguyện viên cho dự án Tương lai thuộc Hội Bảo trợ trẻ em thành phố, giúp trẻ em đường phố hòa


Thầy Tuấn làm việc tại văn phòng Hội SV ĐH Luật

nhập cộng đồng.

Tích cực công tác xã hội như thế nhưng chưa học kỳ nào Tuấn "bỏ qua" học bổng dành cho SV giỏi. Ngay từ năm thứ 2, Tuấn đã tham gia nghiên cứu khoa học. Đề tài "Quản lý nhà nước đối với cổ vật" của Tuấn đã đoạt giải ba cấp trường và giải khuyến khích của Bộ GD-ĐT năm 2004. Năm nay, đề tài "Quản lý nhà nước đối với hoạt động tôn giáo" của Tuấn được trường chấm giải ba, đang được gửi đi dự thi cấp bộ và giải thưởng SV nghiên cứu khoa học Eureka cấp thành phố.

Nói tiếng Anh như gió, vừa đại diện cho SV ĐH Luật tham gia Hội thảo về luật các nước và quyền của phụ nữ tại Nhật Bản trở về, Tuấn lại đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc thi "Chân dung người bảo vệ pháp luật" liên trường ĐH Luật và ĐH Cảnh sát. Ôm đồm nhiều việc nhưng vị sư trẻ này không dám dùng điện thoại di động nữa vì "sau mấy mùa tình nguyện, các bạn nữ ở nhiều nơi biết số điện thoại gọi điện, nhắn tin chọc quá trời" - Tuấn cười phân bua.

Hơn 40 người trẻ ở chùa Thiên Trúc quận 7 - nơi Tuấn đang tu tập - đều đang đi học phổ thông hoặc đại học. Ngoài giờ lên lớp, họ đều tích cực tham gia các công tác xã hội tại trường và tại chùa như: nuôi dạy trẻ mồ côi, cứu trợ ở các tỉnh bị bão lụt, tổ chức phát quà cho đồng bào địa phương, thăm các bà mẹ neo đơn ở trại dưỡng lão, thăm trại cai nghiện, quyên góp giúp đồng bào khó khăn... 

Phương Nguyên - Nguyên Châu - Đan Khanh -
Káp Thành Long - Như Lịch - Trí Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.