Các bé gái biết gì về giới tính?

14/11/2009 15:39 GMT+7

Chúng biết nhiều hơn những gì người lớn tưởng. Câu chuyện ghi lại dưới đây từ buổi trò chuyện của TS Lê Thúy Tươi về giới tính tại một trường tiểu học đáng để phụ huynh suy ngẫm.

Hội trường Trường tiểu học Bắc Hải (quận 10, TP. HCM) nhỏ nên tất cả ghế được xếp gọn lại và các bé gái lớp 4, lớp 5 ngồi bệt trên nền gạch sạch sẽ. Gần 100 cô bé 10-11 tuổi mắt tròn xoe đón tiếp tôi như người “từ trên trời rơi xuống”. Tôi chọn phương pháp đối thoại trực tiếp chứ không làm theo kiểu giảng bài.

Những câu trả lời bất ngờ

Câu hỏi là: “Con gái khác con trai ở điểm gì?”. Hàng chục cánh tay giơ lên. Tôi đưa micro cho cô bé ngồi hàng thứ hai. Bé trả lời rõ ràng: “Dạ, con trai có râu, con gái không có râu!”. Tôi cười: “Con trai trường mình có râu chưa?”, cả hội trường cùng trả lời: “Chưa ạ”.

Bé khác giơ tay: ‘Thưa cô, con trai tóc ngắn, con gái tóc dài ạ”. Tôi bảo: “Thời nay con gái cũng cắt tóc ngắn chứ bộ”. Cuối cùng một cô bé ở giữa hội trường đứng hẳn lên và nói: “Con học lớp 4 nhưng con biết con trai và con gái khác nhau ở bộ phận sinh dục”. Tôi nhìn cô bé ngỡ ngàng rồi hỏi: “Trong hội trường này bạn nào đồng ý với câu trả lời đó?”, tất cả vỗ tay rầm trời.

Tôi chiếu hình bộ phận sinh dục nữ rồi nói sơ qua về vai trò của mỗi thành phần. Sau đó tôi dừng lại hỏi: “Theo các bạn, bộ phận nào quan trọng nhất?”. Một cô bé ở giữa hội trường trả lời: “Con thưa cô, tử cung là quan trọng nhất vì nó chứa em bé”. Chuyện này các bà mẹ không tin, tôi và cô hiệu trưởng cũng không tin nốt.

Rất nhiều cánh tay khác giơ lên. Tôi đưa micro cho một bạn bé tí: “Dạ, buồng trứng là quan trọng nhất”. “Tại sao buồng trứng quan trọng?”, tôi hỏi tiếp. Cô bé trả lời: “Tại vì buồng trứng đẻ ra trứng”. Tôi tiếp luôn: “Để mình luộc lên ăn như trứng gà trứng vịt chăng?”. Thật ngỡ ngàng, cô bé nói: “Để sinh ra em bé”. Không dám tin bạn cũng phải tin, con các bạn hiểu biết nhiều hơn chúng ta tưởng...

“Bao cao su dùng như thế nào ạ?”

Đến phần “cho hỏi thoải mái” thì cả tôi và cô hiệu trưởng đều kinh ngạc. Một cô bé hỏi: “Bao cao su dùng như thế nào ạ?”. Tôi phải kể về sự gặp gỡ giữa trứng và tinh trùng và vai trò của bao cao su. Tưởng thế là êm, cô bé khác giơ tay luôn: “Trứng ở xa thế làm sao tinh trùng gặp trứng được?”. Thế là tôi đành dài dòng về đám cưới, kết hôn rồi chuyện vợ chồng... như thế nào. Một bé gái hỏi luôn: “Cho con hỏi màng trinh là cái gì, cứ vợ chồng là mất trinh phải không ạ?”. Thế là tôi phải chỉ vị trí giải phẫu và nói rõ “còn” và “mất” đôi khi bị đánh giá là nết na hay không. Tiếp đến là bày cách cho các cô bé tự bảo vệ, tránh bị xâm hại...

Tôi hỏi: “Bạn nào đã dậy thì?”. Chừng 10 cánh tay giơ lên. Có cô bé thắc mắc: “Khi đã ra chất nhờn thì bao lâu nữa sẽ dậy thì?”. Rồi: “Có phải mặc áo ngực là để cho tụi con trai không nhìn thấy?”. Một bạn gái lại hỏi: “Có thuốc gì cho con gái bớt mơ mộng?”. Tôi đành trả lời hormon buồng trứng tác động vào tâm lý khiến các bạn mơ mộng, lãng mạn hơn. Cứ mơ mộng nhưng đừng quá đà...

Đừng coi con chúng ta là bé

Buổi trò chuyện với thời lượng hơn một giờ làm tôi hưng phấn kỳ lạ. So với cách đây 10 năm khi tôi nói chuyện về giới tính với học sinh trung học thì các bé tiểu học trả lời tương đương với các anh chị hồi đó. “Cởi mở” tuyệt đối là điều tôi thu nhận được, mong muốn hiểu biết về những gì diễn ra trong cơ thể là khát vọng của lớp trẻ.

Tôi ghi lại ngắn gọn những gì đã diễn ra trong buổi trò chuyện này để chuyển tới quý vị phụ huynh thông điệp: đừng coi con chúng ta là bé mà chúng đang lớn cả về hình thể lẫn hiểu biết. Hãy chọn cách giải thích các vấn đề về giới tính một cách nhẹ nhàng, thoải mái thay vì mắng mỏ. Xin quý vị đừng ngại bởi bọn trẻ đã sẵn lòng đối thoại trực tiếp nên chả cần vòng vo, miễn là quý vị lựa chọn từ ngữ tế nhị là được.

TS.BS Lê Thúy Tươi / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.