Đa phương giúp song phương

30/10/2010 00:11 GMT+7

Một hội nghị quốc tế có thể tạo cơ hội thuận lợi cho những chuyển biến tích cực trong các cặp quan hệ. Một sự kiện ngoại giao đa phương có thể mở đường cho những sự kiện song phương.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 17 và Hội nghị Cấp cao Đông Á đã đóng vai trò mở đường như thế cho các cặp quan hệ song phương giữa Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Chỉ riêng việc các nhà lãnh đạo gặp nhau thôi cũng đủ thấy vướng mắc song phương đã được tháo gỡ, hoặc giải pháp đã được định hướng hay ít nhất mức độ căng thẳng cũng được hạ hỏa chút ít. Trong mọi trường hợp, tác động của chúng đều rất tích cực đối với các nước này.

Mức độ khác nhau, nguyên cớ lịch sử khác nhau, diễn biến khác nhau và giải pháp cũng sẽ khác nhau, nhưng bất hòa trong từng cặp quan hệ lại khá giống nhau về bản chất. Đó là tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và cạnh tranh ảnh hưởng ở khu vực. Đó là tính nhạy cảm về đối nội lẫn đối ngoại. Cho nên vấn đề ở đây còn cả chuyện thể diện. Đa phương đặc biệt giúp được song phương trong khía cạnh ấy.

Trên danh nghĩa, các nhà lãnh đạo đến Hà Nội để tham dự những hội nghị cấp cao đa phương, chứ không phải giải quyết chuyện song phương. Các cuộc gặp song phương chỉ là ngoài lề. Nói kiểu ấy đảm bảo cho các bên liên quan giữ được thể diện, không bị coi là yếu thế, lại có thể dễ dàng lập luận cho mọi kiểu kết quả, dù tiến triển hay giậm chân tại chỗ. Cùng đến Hà Nội mà không gặp nhau sẽ tạo ấn tượng là quan hệ đang rất trầm trọng trong khi trên thực tế không phải vậy. Diễn đàn đa phương vì thế còn gây áp lực nhất định để có được các cuộc họp song phương.

Thảo Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.