Dùng thừa vitamin, coi chừng bổ ngửa!

12/11/2008 09:34 GMT+7

Đối với nhiều người, thuốc bổ đồng nghĩa với thuốc cung cấp vitamin và chất khoáng.

Riêng với vitamin, trước đây còn gọi là sinh tố với hàm ý chất mang lại sức sống, dễ chấp nhận là chế phẩm dùng sao cũng được, dùng thừa cũng vô hại, bởi “không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc”. Thực tế có đúng như thế không, hay khi dùng quá đà các loại vitamin có thể bị “bổ ngửa”?

Trước hết, vitamin là những chất dinh dưỡng cần được cung cấp hằng ngày để cơ thể phát triển và hoạt động bình thường. Tuy lượng cung cấp nhỏ, thậm chí rất nhỏ nhưng số vitamin cần thiết có đến 13 loại, gồm bốn vitamin tan trong dầu là A, D, E, K và chín vitamin tan trong nước như C, các vitamin nhóm B (B1, B2, B5, B6, PP…).

Cách bổ sung vitamin tốt nhất là qua thức ăn, thức uống

Do cơ thể không tự tổng hợp được vitamin (ngoại trừ phơi nắng thích hợp, ta có thể biến tiền vitamin D ở da thành vitamin D, hay trong ruột của ta có sẵn nhiều loại vitamin nhóm B nhưng lại do vi khuẩn tạo ra) nên phải ăn uống đầy đủ và cân bằng dưỡng chất để được cung cấp đủ vitamin.

Nếu được cung cấp qua thức ăn, thức uống, dù ăn uống nhiều ta vẫn không sợ thừa vitamin. Nhưng nếu dùng thuốc hay chế phẩm (hiện nay vitamin có thể lưu hành dưới dạng chế phẩm thực phẩm chức năng) bổ sung, sẽ có trường hợp bổ sung quá nhiều vitamin, đặc biệt bổ sung quá liều khuyến cáo hằng ngày cho người không thiếu vitamin có thể gây tình trạng thừa vitamin nhiều khi nguy hiểm không kém tình trạng thiếu vitamin. Vitamin cũng như các chất dinh dưỡng khác được khuyến cáo dùng liều vừa đủ hằng ngày gọi là liều RDA, như RDA của vitamin C hằng ngày chỉ cần bổ sung 60mg.

Sau đây là một số bệnh lý có thể gọi là ngộ độc do thừa vitamin:

Thừa vitamin A: do vitamin A tan trong dầu dễ tích lũy lại trong cơ quan có mỡ (như gan) đưa đến quá liều gây ngộ độc. Ở trẻ em, thừa vitamin A gây tăng áp lực nội sọ, gây lồi thóp ở trẻ sơ sinh, gây viêm teo dây thần kinh thị giác. Đối với phụ nữ có thai có thể gây quái thai, đặc biệt dùng quá liều trong ba tháng đầu thai kỳ. Phụ nữ có thai  tốt nhất nên dùng chế phẩm bổ sung vitamin và chất khoáng dành cho phụ nữ có thai  (trong chế phẩm này hoặc được khống chế vừa đủ liều vitamin A hoặc dùng bêta-caroten là tiền vitamin A thay vitamin A để an toàn cho phụ nữ có thai).

Thừa vitamin D: ở trẻ em gây chán ăn, mệt mỏi, nôn ói, xương hóa sụn sớm. Người lớn dùng quá liều lâu ngày cũng bị chán ăn, nôn ói, tiêu chảy. Phụ nữ có thai  dùng quá thừa vitamin D sẽ bị vôi hóa nhau thai. Nói chung theo một số nhà khoa học, thừa vitamin không còn tạo xương mà là tiêu xương (do tăng canxi máu).

Tóm lại, có hai đối tượng phải thật thận trọng trong việc bổ sung vitamin A và vitamin D là trẻ em và phụ nữ có thai.

Thừa vitamin K: thường gặp khi tiêm vitamin K kéo dài có thể gây tán huyết, vàng da.

Thừa vitamin E: quá thừa đưa đến rối loạn tiêu hóa, nhức đầu, rối loạn thị giác.

Thừa vitamin B6: có thể dẫn đến viêm đa dây thần kinh, giảm trí nhớ, giảm tiết prolactin.

Thừa vitamin B12: thường do tiêm liều cao gây hoạt hóa hệ đông máu có thể làm tăng sự đông máu gây tắc mạch.

Thừa vitamin C: do không có hiện tượng tích lũy gây thừa vitamin C trong cơ thể, nhưng nếu dùng liều cao dài ngày (quá 1g/ngày) sẽ bị viêm loét dạ dày, tiêu chảy, sỏi thận (sỏi oxalat). Nếu dùng đường tiêm liều cao có thể gây tán huyết, làm giảm thời gian đông máu.

Riêng đối với người cao tuổi, các cơ quan thải trừ thuốc hoạt động kém, dễ đưa đến tích lũy thuốc trong cơ thể, đặc biệt đưa đến thừa vitamin.

Cách bổ sung vitamin tốt nhất là qua thức ăn, thức uống. Nếu sợ thiếu vitamin và chất khoáng, có thể dùng thuốc bổ sung nhưng nên dùng đúng liều. Lưu ý thận trọng với dạng thuốc sủi bọt bổ sung vitamin. Do dạng thuốc sủi bọt luôn chứa tá dược rã sinh khí là natri bicarbonat và natri carbonat (khi hòa vào nước sẽ phản ứng với acid citric cũng là tá dược phóng thích khí CO2 gây sủi bọt).

Vì vậy, trong thuốc sủi bọt luôn chứa natri (mỗi viên thuốc sủi bọt có chứa 274 - 460mg natri), có thể gây tăng huyết áp đối với người bị sẵn bệnh lý này và đang kiêng muối. Người cao tuổi đang điều trị bệnh tăng huyết áp tuyệt đối không dùng thuốc bổ sung vitamin dạng sủi bọt.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Đức (ĐH Y dược TP.HCM)/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.