1/3 công nhân thủy sản viêm mũi xoang

24/10/2008 11:10 GMT+7

Đã có đề xuất doanh nghiệp chế biến thủy sản không tuyển vào làm việc những người có vấn đề liên quan với bệnh mũi xoang.

Cô P.T.T., 26 tuổi, quê ở Cái Răng, Cần Thơ, công nhân Công ty chế biến thủy hải sản VP, vừa xin thôi việc vì lý do sức khỏe. Từ hai năm nay, kể từ khi vào làm việc tại công ty, ngày nào P.T.T. cũng đau căng ở mũi xông lên làm căng cả vùng mặt khi vào ca, kèm theo nhức đầu, chảy mũi nước, khịt mũi, hơi thở hôi, cảm giác mệt mỏi thường xảy ra. Ban đầu các triệu chứng này xuất hiện nhẹ, nay tình trạng nặng dần khiến cô rất khó chịu và xin thôi việc, mặc dù thu nhập ở mức chấp nhận được (so với ngành may trước đây cô từng làm thì thu nhập tăng gần ba lần).

Trong hai lần kiểm tra sức khỏe định kỳ do công ty tổ chức, cô biết mình bị viêm mũi xoang. P.T.T. nói một số bạn cùng công ty cũng có dấu hiệu tương tự, nhiều người không chịu nổi môi trường khắc nghiệt trong nhà máy chế biến thủy sản nên đành nghỉ việc. Theo nhiều công nhân, nguyên nhân chính là do thường xuyên hít mùi khí chlor nồng nặc trong nhà xưởng cùng với việc thường xuyên ở trong môi trường ẩm, nhiệt độ lạnh.

Mùi chlor

Theo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 401 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thủy sản đạt tiêu chuẩn ngành thủy sản VN về điều kiện đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong số này ĐBSCL có 182 doanh nghiệp, nhiều nhất là các tỉnh Cà Mau (30 doanh nghiệp), TP Cần Thơ (29 doanh nghiệp). Tại Cần Thơ, kết quả khám sức khỏe định kỳ hằng năm tại các doanh nghiệp chế biến thủy hải sản, ghi nhận điển hình là tình trạng bệnh về hệ thống mũi xoang chiếm khá cao (thường trên 30%).

Người lao động ngành chế biến thủy hải sản luôn tiếp xúc mùi  chlor. Chlorine là chất oxy hóa mạnh có khả năng khử trùng tốt, giá rẻ nên thường được khử trùng trong các nhà xưởng và dụng cụ chế biến thủy hải sản. Mùi khí chlor là một loại hóa chất có thể gây tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chất chlor có thể gây viêm phế quản, phá hủy đường hô hấp trên, biểu hiện gây kích thích như hắt hơi, chảy mũi nước, chảy nước mắt.

Cuối năm 2007, Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe Cần Thơ tiến hành đề tài nghiên cứu khoa học cấp sở “Mối liên quan giữa tiếp xúc thường xuyên chất chlorine và bệnh viêm mũi xoang ở những công nhân chế biến thủy hải sản Cần Thơ 2000-2007” tại hai công ty VP và PT. Kết quả cho thấy ở nhóm tiếp xúc có 221/440 công nhân mắc bệnh viêm mũi xoang, chiếm hơn 50% trong sáu năm; trong khi nhóm không tiếp xúc chỉ có 99/437 công nhân mắc bệnh viêm mũi xoang, chiếm gần 23%. Như vậy, tỉ suất mới mắc bệnh viêm mũi xoang ở nhóm tiếp xúc cao hơn nhóm không tiếp xúc là 2,7 lần trong sáu năm.

Bồi dưỡng độc hại

Tại các công ty chế biến thủy hải sản xuất khẩu, thực hiện tiêu chuẩn chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm là ưu tiên hàng đầu, là điều kiện bắt buộc để tồn tại và phát triển. Do đó, các nhà máy thường sử dụng chlorine để khử trùng nguồn nước và môi trường lao động. Bước vào nhà xưởng các công ty này ta luôn cảm nhận mùi khí chlor xông lên kích thích niêm mạc mũi khá mạnh và người lao động hít thở nó suốt thời gian làm việc. Nhà xưởng cũng có sử dụng quạt thông gió nhưng hạn chế vì để tránh thất thoát hơi lạnh. Công nhân đều được trang bị bảo hộ lao động như quần áo lao động, khẩu trang vải, ủng cao su, găng tay... Tuy nhiên, khẩu trang vải không có tác dụng ngăn mùi hóa chất.

Tác giả đề tài nghiên cứu này đã đưa ra một số đề xuất nhằm hạn chế mắc bệnh viêm mũi xoang ở công nhân chế biến thủy hải sản, như: định kỳ giám sát nồng độ chất chlorine; doanh nghiệp tổ chức tập huấn an toàn sử dụng hóa chất, sơ cấp cứu tai nạn lao động, tập huấn theo các giáo trình sức khỏe liên quan; khám sức khỏe định kỳ phải chẩn đoán xác định viêm mũi xoang; điều trị kịp thời các trường hợp bệnh lý; khi tuyển dụng lao động sàng lọc những người có “vấn đề” liên quan bệnh lý ở mũi xoang và dị ứng để không nhận vào làm việc.

Đề xuất của tác giả là có chế độ bồi dưỡng độc hại cho người lao động thường xuyên tiếp xúc chlorine, và nghiên cứu thêm để có cơ sở trình Bộ Y tế xem viêm mũi xoang do chlorine, trong ngành chế biến thủy hải sản là bệnh liên quan nghề nghiệp hay bệnh nghề nghiệp, từ đó có chính sách xã hội phù hợp cho người lao động.

BS Phạm Văn Chính
(Trung tâm Truyền thông và giáo dục sức khỏe Cần Thơ)

Theo T.Lũy/Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.