Vụ hành hạ trẻ mầm non ở Thủ Đức: Chủ tịch quận nói gì?

18/12/2013 17:55 GMT+7

(TNO) Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND TP.HCM vào sáng 18.12, ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã giải trình về vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh đang khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.

(TNO) Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của UBND TP.HCM vào sáng 18.12, ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức đã giải trình về vụ bảo mẫu hành hạ trẻ ở cơ sở mầm non tư thục Phương Anh đang khiến dư luận bàng hoàng và phẫn nộ.

>> Tạm giam bảo mẫu và quản lý hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Lập hồ sơ xử lý hình sự bảo mẫu hành hạ dã man trẻ mầm non
>> Vụ bảo mẫu hành hạ bé 18 tháng tuổi chết thảm: Những câu hỏi 'mẹ đâu?' cứ vang vọng
>> Bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết: Nỗi đau tột cùng của cha mẹ
>> Cháu bé 18 tháng tuổi bị bảo mẫu hành hạ chết thảm

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Chủ tịch UBND quận Thủ Đức

“Rõ ràng là các phường làm chưa có quyết liệt”

Ông Nhân khẳng định: “Phương Anh không phải trường mà là nhóm trẻ gia đình, hoạt động từ năm 2012. Thời điểm này Phương Anh tổ chức lớp dạy nhạc cho các cháu thiếu nhi, đến giữa cuối 2013 thì chuyển sang giữ trẻ”.

Theo ông Nhân, sau vụ việc ở phường Linh Trung (bảo mẫu tại gia đánh đập chết 1 trẻ), UBND quận đã chỉ đạo ngành giáo dục phối hợp với 12 phường tập trung rà soát. Hiện công tác rà soát của quận cơ bản đã xong.

“Thứ nhất là rà soát. Thứ hai là tăng cường công tác kiểm tra. Chính nhờ đó mà cơ sở Phương Anh cũng đã từng bị kiểm tra”, ông Nhân nói.

“Tuy nhiên hiện nay thì chuyện kiểm tra, xử lý theo tinh thần chỉ đạo của ủy ban rõ ràng là các phường làm chưa quyết liệt”, ông Nhân nhìn nhận.

Ông Nhân cho biết thêm: “Ở đây có một yếu tố khách quan mà phải báo cáo là hiện nay quận có đến 490.000 dân. Tình hình đối với cơ sở vật chất giáo dục nói chung và với nhu cầu gửi trẻ của người dân hiện nay cũng rất là lớn. Hệ thống trường công lập đã phủ kín 12 phường, trên địa bàn quận cũng có những trường tư thục quy mô lớn, đạt chuẩn quốc gia, nhưng mà cái khó hiện nay là hoạt động của các nhóm trẻ gia đình theo nhu cầu người dân, nhất là con em của công nhân lao động rất là lớn. Trường mầm non công lập chỉ giữ trẻ từ 18 tháng đến 5 tuổi. Độ tuổi từ 6 tháng đến 18 tháng hầu như nhu cầu rất nhiều nhưng khả năng đáp ứng không có, không có chỗ gửi”.

“Cơ sở vật chất của mình phục vụ cho độ tuổi này phải nói rằng là khoảng trống”, ông Nhân khẳng định.

“Thành phố hoặc trung ương phải có một giải pháp nào đó”

Ông Nhân bày tỏ: “Về phía góc độ của quận, chúng tôi cũng thấy rằng thành phố hoặc trung ương phải có một giải pháp nào đó, làm sao có một mô hình nuôi trẻ ở lứa tuổi 6 đến 18 tháng để cho người dân gửi cháu, gửi con mình được yên tâm để đi lao động trong các công ty, xí nghiệp”.

Về lý do “bùng nổ” nhóm trẻ gia đình, ông Nhân nói: “Công nhân thì làm theo ca, mà các trường mình thì hoạt động trong giờ hành chánh. Đây cũng là một cái khó. Do vậy mà nó phát sinh nhu cầu gửi ở nhóm trẻ gia đình”.

“Sau khi vụ việc xảy ra, từ thứ sáu, ủy ban quận đã có chỉ đạo phải xử lý nghiêm. Theo tinh thần của đồng chí Bí thư quận ủy, ủy ban quận đã giao công an quận khẩn trương xử lý và đã bắt giam 2 cô này”, ông Nhân cho biết quá trình chỉ đạo xử lý vụ việc.

“Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo cũng đã về làm việc với quận liên quan đến vấn đề này và cũng đã có kết luận một số nội dung. Về trách nhiệm của quận, chúng tôi đã nhận trách nhiệm liên quan đến công tác quản lý chưa có chặt chẽ, chưa có quyết liệt hơn”, ông Nhân cho biết thêm.

“Sẽ tăng cường hơn nữa, nhất là phát hiện, xử lý quyết liệt hơn nữa”, ông Nhân cam kết.

“Những cơ sở nào đủ điều kiện cấp phép thì chúng ta cấp chép cho hoạt động, còn những cơ sở nào không phép thì đóng cửa hết”, ông Nhân nói về giải pháp sắp tới.

Cũng theo ông Nhân, công tác phối hợp, nắm tình hình ở địa bàn, tuyên truyền vận động “cũng phải làm sao đó để nâng cao trách nhiệm và lương tâm”.

"Để người dân nhốt trẻ trong nhà là nguy hiểm nữa"

Theo Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Mạnh Hà, sự việc đau lòng xảy ra là một bài học rất lớn, xử lý không kiên quyết thì hậu quả cũng rất lớn, vấn đề lớn hơn nữa là nhu cầu thực tế quá lớn mà cung không đáp ứng được.

Ông Hà yêu cầu quận xử lý vụ việc “càng nhanh càng tốt, càng chính xác càng tốt”.

Theo ông Hà, quận phải rà soát lại hết, kể cả nhu cầu và khả năng đáp ứng. Trên địa bàn có bao nhiêu trẻ, đang gửi ở đâu, công lập bao nhiêu, tư thục bao nhiêu, nhóm trẻ gia đình bao nhiêu, gửi qua quận khác bao nhiêu… để có giải pháp cụ thể.

Cũng theo ông Hà, để tình trạng thiếu chỗ gửi trẻ kéo dài sẽ là vấn đề không ổn. Nếu đề ra giải pháp hành động mà người dân không có chỗ gửi trẻ thì cũng là vấn đề không ổn, bởi “để người dân nhốt trẻ trong nhà là nguy hiểm nữa”.

“Tình hình như vậy là do chúng ta một phần”, ông Hà khẳng định.

Theo ông Trần Trung Dũng, Giám đốc Sở Lao động thương binh Xã hội TP.HCM, hành hạ trẻ em là vấn đề cần phải lên án. “Phòng Lao động thương binh Xã hội quận cũng phải chú ý”, ông Dũng nói.

Chủ tịch UBND quận Thủ Đức tiếp lời: “Cũng phải làm sao đó để nâng cao trách nhiệm và lương tâm”.

Bài, ảnh: Đình Phú

>> Đóng cửa nhóm lớp mầm non bạo hành trẻ em
>> Kiểm điểm địa phương để xảy ra bạo hành trẻ em
>> “Bảo mẫu” bạo hành trẻ em lãnh 18 tháng tù

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.