Sốt xuất huyết ở người lớn ngày càng tăng

14/10/2009 10:47 GMT+7

Một số trường hợp có biến chứng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, được truyền máu khẩn cấp với số lượng lớn nhưng vẫn tử vong.

Sốt xuất huyết (SXH) ngày nay đang trở thành một vấn nạn cho sức khỏe cộng đồng trong vùng nhiệt đới. Sự chuyển dịch dân cư kết hợp với hiện tượng đô thị hóa quá mức cùng với sự thay đổi lối sống đã làm gia tăng các nơi trú ẩn cho lăng quăng của muỗi truyền bệnh khiến tình hình dịch bệnh ngày càng trầm trọng.

Riêng tại khu vực các tỉnh phía Nam, ngoài sự bùng phát về số lượng bệnh nhân, các dấu hiệu bệnh có nhiều thay đổi, đặc biệt là tình hình bệnh trên người lớn (trên 15 tuổi) gia tăng, xuất hiện nhiều triệu chứng nặng, làm tăng tỉ lệ tử vong.

Xuất huyết nhiều hơn so với trẻ em

Trong những năm gần đây, SXH ngày càng xuất hiện nhiều trên bệnh nhân người lớn. Tỉ lệ SXH ở người lớn ngày càng tăng. năm 1991, người lớn chỉ chiếm tỉ lệ 14% tổng số bệnh, năm 2006 tăng lên 50,1%. Hiện chưa có giải thích thỏa đáng về sự thay đổi này.

Tuy nhiên, tỉ lệ bệnh nhân từ các tỉnh phía Bắc khá cao là điều đáng lưu tâm. Nguyên nhân khiến thay đổi về độ tuổi mắc bệnh tại VN chưa được làm sáng tỏ. Có thể do tình trạng miễn dịch ở cộng đồng suy giảm, thời điểm phơi nhiễm có thể trễ hơn, tỉ lệ có triệu chứng ở người lớn cao hơn ở trẻ em...

Các dấu hiệu bệnh có nhiều điểm khác biệt với trẻ em. Tỉ lệ có sốt chiếm 98%-100%, kèm lạnh run, nhức đầu ở thời điểm nhập viện và thời gian sốt kéo dài hơn (từ 7 ngày trở lên).

Ngoài ra, người lớn bị SXH có các triệu chứng tiêu hóa khá nổi bật như ói mửa, tiêu chảy và đau bụng. Các dấu hiệu xuất huyết hiện diện lúc nhập viện vào khoảng 53%-67% và lên đến 90% trong lúc nằm viện. 

Những trường hợp nặng có biểu hiện xuất huyết nhiều hơn ở người lớn. Cụ thể là xuất huyết da 83%, xuất huyết âm đạo ở phụ nữ 52%, chảy máu răng 48%, xuất huyết tiêu hóa 41%, chảy máu cam 16%, xuất huyết kết mạc 2%, xuất huyết não 1,7%. Tóm lại, ở trẻ em biểu hiện sốc nhiều hơn xuất huyết, ở người lớn thì ngược lại, biểu hiện xuất huyết nhiều hơn sốc.

Nhiều biến chứng khó ngờ

Bên cạnh những triệu chứng điển hình của SXH còn có một số biểu hiện nặng mới xuất hiện trong SXH người lớn. Y văn thế giới có báo cáo về một vài trường hợp SXH nghi có viêm cơ tim với các bất thường như rung nhĩ, loạn nhịp. một khảo sát về chức năng tim bằng siêu âm trên bệnh nhân SXH thực hiện tương đối đầy đủ năm 2004 ở Thái Lan cho thấy co bóp cơ tim giảm trong giai đoạn toàn phát của bệnh.

Gần đây có nhiều báo cáo về biến chứng này gia tăng trong SXH. Trong SXH, men gan ALT, AST thường gia tăng nhẹ đến trung bình nhưng không có vàng da.

Có khoảng 2%-3% có xuất hiện vàng da với men gan ALT, AST tăng gấp ba trị số bình thường, có trường hợp có men gan tăng gấp 10 lần trị số bình thường, kèm theo vàng da, xuất huyết nhiều nơi, hạ đường huyết tương tự bệnh cảnh suy gan cấp do viêm gan siêu vi B.

Những nghiên cứu gần đây trên trẻ em cũng như người lớn cho thấy có biểu hiện viêm não do virus Dengue như sốt cao, hôn mê, co giật. Bệnh cảnh khởi phát đột ngột và có tỉ lệ tử vong cao.

Một số trường hợp có biến chứng xuất huyết tiêu hóa ồ ạt, cần truyền máu khẩn cấp với số lượng lớn (20-30 đơn vị trong 24 giờ) nhưng vẫn tử vong. Biến chứng xuất huyết tiêu hóa có thể liên quan đến các cơ địa có bệnh dạ dày.

Phụ nữ thường bị rong kinh nếu bị SXH gần thời gian kinh nguyệt; đôi khi rong kinh kéo dài đến 2-3 tuần. Cần cân nhắc kỹ lưỡng giữa lợi ích và nguy cơ khi chỉ định phương pháp điều trị xâm lấn như can thiệp phẫu thuật.

Nhập viện sớm vẫn có thể bị sốc

Bệnh SXH ở người lớn tương đối còn mới mẻ cho người bệnh và cho cả thầy thuốc.

Về mặt điều trị, để đối phó hiệu quả, cần khám và tái khám tại các cơ sở y tế để được phát hiện các biến chứng và điều trị kịp thời. Nhiều người cho rằng nhập viện sớm sẽ tránh bị sốc nhưng thực tế vào viện sớm ngay từ đầu có thể vẫn bị sốc.

Hiện nguyên nhân chính gây sốc trong bệnh SXH là do hiện tượng thoát huyết tương khỏi lòng mạch máu chưa được làm sáng tỏ. Do đó, hiện tượng này chưa được kiểm soát hoàn toàn.

Nhập viện sớm chỉ có tác dụng là phát hiện sốc hay những biến chứng khác sớm để được theo dõi hợp lý và can thiệp kịp thời.

Truyền dịch sớm cũng không tránh được sốc mà có thể gây quá tải tuần hoàn (là tình trạng tăng lượng dịch lưu thông trong lòng mạch máu, vượt quá khả năng bơm máu của tim) vì chưa kiểm soát quá trình sinh bệnh, thất thoát huyết tương khỏi lòng mạch máu.

TS-BS Trần Tịnh Hiền
(Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM)

Theo NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.