LHP Việt Nam 16: “Nóng” chuyện tiền làm phim

12/12/2009 10:43 GMT+7

(TNTT>) Một vấn đề nói mãi mà vẫn không cũ: “làm sao để có tiền làm phim?” đã làm nóng hội thảo Xây dựng dự án và huy động vốn sản xuất phim trong LHP Việt Nam 16.

Vẫn trông chờ vào... “ông chủ nhiệm”

Hơn nửa thế kỷ ra đời và phát triển ở VN, điện ảnh vẫn chưa thể trở thành một ngành công nghiệp giải trí. Lý do thì nằm ở hai chữ dễ đổ thừa nhất, đó là sự thiếu “chuyên nghiệp”. Trường điện ảnh mỗi năm cho ra lò không ít diễn viên sân khấu, đạo diễn, biên kịch hoặc quay phim mà chưa bao giờ có lớp dạy sản xuất phim hay gọi nôm na kiểu VN là “ông chủ nhiệm”. Thế nên ông Nguyễn Thái Hòa, GĐ hãng phim Giải Phóng đã bức xúc vì tại sao đến giờ ở VN vẫn chưa có một nhà sản xuất phim được đào tạo chính quy, mà cùng lắm chỉ có những người làm kinh tế điện ảnh? Ngay ở các hãng tư nhân có yếu tố nước ngoài hay “Việt kiều” với một nhà sản xuất nào đó thì cũng trồi sụt vì năm nay có phim đình đám năm sau đã biến mất. Ông Hòa đề nghị thẳng với Cục điện ảnh rằng, nhà nước phải giao cho trường Điện ảnh tuyển sinh lớp sản xuất phim chính quy, cái nền tảng từ gốc rễ đó phải được chuyên nghiệp thì mới có thể nói đến chuyện làm phim như thế nào ở các khâu khác.

Linh hoạt kiếm tiền

Bà Elllen Harrington đến từ Viện Hàn lâm điện ảnh Hoa Kỳ chia sẻ rằng, các bạn làm phim ở VN còn may mắn có nhà nước cho tiền làm phim, ở Mỹ không có nguồn kinh phí nào từ chính phủ cho việc đó hết. Bù lại Mỹ đã có một thị trường phim ảnh lớn đủ để quay vòng đồng vốn. Nhà làm phim nào biết linh hoạt trong việc tìm kiếm nguồn vốn thì mới có cơ hội tồn tại. Làm phim còn phải hướng đến khán giả. Điện ảnh Mỹ đã thấm nhuần nguyên tắc vàng đó từ gần 100 năm nay. Khán giả bỏ tiền ra mua vé và nguồn thu đó lại quay vòng để có thể tái sản xuất. Những nhà  làm phim Mỹ đã luôn biết cách làm những gì mà khán giả của họ muốn xem. Đạo diễn Đặng Nhật Minh, một người từ xưa đến nay luôn làm phim bằng tiền ngân sách nhà nước, đã hào hứng với những gì bà Ellen chia sẻ. Ông cho rằng một nền điện ảnh phát triển là như thế. Bản thân ông cũng mong sẽ đến lúc không tồn tại việc làm phim bằng tiền nhà nước nữa, vì theo ông, nhà nước bỏ tiền, kiểm soát việc thực hiện phim, phim của nhà nước thường không được quảng bá, hậu quả là đắp chiếu nằm kho...

Không thể bỏ nguồn vốn từ Nhà nước!

Nhưng đại diện nhà nước quản lý trực tiếp về điện ảnh, ông Lại Văn Sinh - Cục trưởng Cục điện ảnh tuyên bố ngân sách nhà nước cấp cho việc làm phim sẽ vẫn tiếp tục được duy trì và thậm chí cục sẽ xin nhà nước nhiều tiền đầu tư hơn. Nguồn vốn từ nhà nước là quan trọng. Đúng vậy, bởi ngay cả các nước có nền điện ảnh phát triển như Hàn Quốc cũng đã vực được nền điện ảnh bằng sự bảo hộ của nhà nước, nhất là trước thực tế phim Mỹ đang “tung hoành” khắp thế giới. Khác chăng, cũng theo ông Lại Văn Sinh, các đầu tư sẽ thay đổi. Thay vì Cục điện ảnh duyệt kịch bản rồi phân về các hãng thì từ nay sẽ là các dự án trình duyệt. Bất cứ  hãng phim nào của tư nhân hay nhà nước cũng có quyền sử dụng ngân sách quốc gia để làm phim. Quan trọng là họ phải có một dự án cụ thể với kịch bản, phương án sản xuất, nhân sự thuyết phục. Mà để làm được điều đó thì nhà sản xuất chuyên nghiệp ở đâu để biết cách mà xin tiền của tư nhân hay nhà nước? Và tiền nhà nước đầu tư thì nhà nước sẽ quan tâm đến đề tài nào, thực hiện ra sao? Có nghĩa là để hướng tới một thị trường điện ảnh phát triển lành mạnh vẫn sẽ trông chờ vào sự “định hướng” từ nguồn vốn của tư nhân!

Ý kiến người trong cuộc

 
Bà Ngô Thị Bích Hiền (đại diện BHD): Nếu là phim truyền hình phát sóng trên các kênh của nhà nước thì bao năm nay tiền đầu tư cho phim không thay đổi trong khi giá cả đã khác quá nhiều. Thêm nữa, tại sao nhà nước không có chính sách bảo hộ cho điện ảnh bằng cách yêu cầu các rạp phim, nhất là các rạp phim có chủ là người nước ngoài tại VN phải dành số thời gian cụ thể để chiếu phim Việt?

 
Đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn:
Có 3 nguồn xin tiền chính là trông chờ vào sự đầu tư của nhà nước, xin tiền các quỹ hỗ trợ điện ảnh ở nước ngoài và sự đầu tư của các hãng phim tư nhân. Nhưng những quy định của mình khác người ta nhiều quá, nên làm phim mà có nguồn vốn xin từ nước ngoài cũng rất vất vả khi giải trình!

 
Bà Nguyễn Thị Hồng Ngát
(Hãng phim Hội Điện ảnh): Xin tiền thì phải biết cách xây dựng dự án thôi, nhà nước năm nào chẳng có ngân sách cho việc làm phim. Chúng tôi thấy không nên bỏ lỡ cơ hội đó. Muốn được tiền từ nhà nước thì phải chú ý đến đề tài bởi nhà nước bao giờ cũng ưu tiên đầu tư trọng điểm theo các dịp kỷ niệm hay lễ lạt.

Lê Thị Thái Hòa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.