Người dưới 1,5m không được lái ô tô

14/10/2008 23:24 GMT+7

* Quy định gây nhiều tranh cãi * “Người lùn” đã có giấy phép lái xe, xử lý ra sao? Bộ Y tế vừa ban hành Quy định mới về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.Theo đó, người dưới 40 kg hoặc dưới 1m45 không đủ điều kiện lái xe máy từ 50 cm3 trở lên; người có chiều cao dưới 1m50 hoặc nặng dưới 40 kg không đủ điều kiện lấy giấy phép lái xe (GPLX) hạng B1... đã thu hút sự quan tâm của dư luận, có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau.

Cơ quan quản lý: Phù hợp!

Quy định về tiêu chuẩn sức khỏe người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ được ban hành kèm Quyết định (QĐ) 33/2008 của Bộ Y tế, trong đó ngoài việc quy định chiều cao, cân nặng như đã nêu trên còn nêu rất chi tiết những điều kiện về mức độ bệnh tật của người điều khiển phương tiện (gọi tắt là lái xe)... Ông Trần Quý Tường, Phó cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) khẳng định: "Các tiêu chí về tiêu chuẩn sức khỏe cho người lái xe được xây dựng trên các yếu tố phù hợp với sự phát triển chung của xã hội: thể lực, chiều cao người VN đã được cải thiện. Các quy định này đưa ra phù hợp với điều kiện thực tế ở người VN và cập nhật các quy định quốc tế”.

Tương tự, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế), cũng cho rằng: "Việc đưa ra tiêu chuẩn sức khỏe người lái xe như vậy là phù hợp với tình trạng thể lực người VN đã được cải thiện. Nếu người trưởng thành bình thường chưa đạt được cân nặng 40 kg, được coi là suy dinh dưỡng. Trong trường hợp như vậy, nên chủ động có các chế độ ăn uống, tập luyện để cải thiện thể trạng...”. Chi tiết hơn, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Lê Danh Tuyên cho biết: “Chiều cao trung bình của người trưởng thành người VN đã được cải thiện rõ rệt trong những năm gần đây. Năm 1985, chiều cao trung bình nam là 156,2 cm, nữ là 149 cm. Đến năm 2000, các chỉ số này đã tăng lên mức 161,8 cm và 152,4 cm. Về cân nặng, năm 1985 trung bình ở nam giới trưởng thành là 45,8 kg và nữ là 43 kg, nhưng đến năm 2000 chỉ số này đã tăng lên 51,5 kg và 45,9 kg. Do cứ 10 năm mới có điều tra quốc gia về thể lực, nên đến năm 2009 mới có số chính xác nhất về các chỉ số người VN của giai đoạn 2000-2010. Nhưng đến thời điểm 2008 này, theo kênh giám sát dinh dưỡng, chỉ số cân nặng và chiều cao trung bình của người trưởng thành vẫn tiếp tục tăng lên, trong đó, chiều cao trung bình của nữ và nam giới trưởng thành ở mức 153,8 và 162,4 cm. Cân nặng trung bình của người 25 - 34 tuổi là 54,2 kg (nam) và 47,1 kg (nữ)”.

Nhân viên ngành y tế: Khó thực thi!

Thượng tá Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng CSGT đường bộ, Công an TP.HCM, cho biết CSGT chưa tiến hành phân tích có bao nhiêu vụ TNGT xảy ra đối với người có chiều cao dưới 1,45m, nặng dưới 40 kg điều khiển xe mô tô, xe gắn máy trên 50 cm3; hoặc cao dưới 1m50, nặng dưới 40 kg điều khiển ô tô; cũng như chưa phân tích có bao nhiêu vụ TNGT xảy ra do lỗi người “thấp bé nhẹ cân” điều khiển phương tiện... nên chưa có cơ sở để khẳng định những yếu tố cân nặng, chiều cao ảnh hưởng ra sao đến ATGT khi điều khiển phương tiện. Tuy vậy, đối với một số loại phương tiện như ô tô, người có chiều cao quá thấp sẽ bị hạn chế tầm quan sát khi điều khiển...

Trong khi đó, nhiều bác sĩ hiện đang tham gia khám sức khỏe cho người sát hạch cấp GPLX tại nhiều bệnh viện ở TP.HCM lại cho rằng, việc quy định quá chi tiết về từng mức độ bệnh khi khám sức khỏe cho người lái xe là rất khó thực hiện được trên thực tế; trường hợp nhất thiết thực hiện đúng theo quy định thì người khám sức khỏe phải tốn một khoản chi phí rất lớn và mất rất nhiều thời gian.

Chẳng hạn, quy định mới đối với hệ tiết niệu – sinh dục phân loại suy thận mãn tính độ II trở lên không đủ điều kiện để cấp GPLX hạng A3, A4, B2; độ III trở lên không đủ điều kiện cấp GPLX hạng B1 và độ IV không đủ điều kiện cấp GPLX hạng A1, chuyên gia tiết niệu N.S (Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM) cho rằng: “Để xác định bệnh phải mất mấy ngày và tốn khoảng 300-500 ngàn đồng làm các xét nghiệm”. Tương tự, phần tim mạch quy định mới cũng có phân loại về suy tim độ II, độ III, theo PGS-TS N.H.N, giảng viên Đại học Y - Dược TP.HCM: “Để định bệnh chi tiết như thế chỉ có bác sĩ chuyên khoa mới làm được, còn bác sĩ ở các bệnh viện quận, huyện lâu nay cũng vẫn khám sức khỏe cho người thi GPLX khó mà làm được. Một số quy định quá chi tiết như thế từ phía y tế gần như không có giá trị trên thực tế”.

Còn bác sĩ P.T.D, Bệnh viện Nhân dân 115 TP.HCM, khi nghe liệt kê quy định mới về sức khỏe lái xe, ở phần hệ tiêu hóa quy định một số bệnh không được cấp GPLX như loét dạ dày – tá tràng có biến chứng, viêm loét đại tràng xuất huyết, viêm gan mãn tính, xơ gan, teo gan... đã lắc đầu: “Chỉ làm những thứ này không thôi thì cả bác sĩ và người đi khám cũng “ngắc ngư”, và người khám sẽ tốn một khoản tiền rất lớn! Vì thế, tôi cho rằng sẽ ít ai làm và khó làm được đúng quy định khám sức khỏe lái xe theo quy định của Bộ Y tế!”.

Liên Châu – Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.