Việt Nam - thành viên 150 của WTO

07/11/2006 00:23 GMT+7

Từ nhiều năm nay, Việt Nam đã bắt đầu hội nhập với các nước từ khu vực đến thế giới... Chúng ta đã có nhiều ký kết thương mại với các nước, có quan hệ kinh tế với hơn 150 nước. Nhờ đường lối chính trị đúng đắn, đất nước ta đã thoát khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội trầm trọng và từng bước đi lên. Tuy nhiên, sự phát triển của đất nước còn chậm và chưa vững chắc.

Do đó, việc gia nhập WTO - gồm 149 nước trong đó có những nền kinh tế phát triển mạnh nhất, để chúng ta có cơ hội phát triển kinh tế xã hội nhanh hơn, có chất lượng cao hơn là cần thiết, là yêu cầu khách quan.

Nhiều tài liệu và thực tế của nhiều nước cho thấy, WTO là một sân chơi không chỉ có thuận lợi và các mặt tích cực. Đối với các nước mà thế và lực còn yếu, chưa có kinh nghiệm về quản lý, chưa nắm vững luật pháp quốc tế... như Việt Nam, khó khăn và thách thức là rất lớn. Trên thực tế, các nước phát triển thu lợi nhiều, các nước đang phát triển gặp khó khăn, một số nước kinh tế thương mại có những mặt cải thiện. Vì sao có một số nước trên một số lĩnh vực giành được cơ hội phát triển như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Brazil... chẳng hạn? Chúng ta cần phải tìm hiểu kinh nghiệm của họ.

- Hôm nay, đại hội đồng WTO sẽ họp phiên đặc biệt tại Geneva kết nạp Việt Nam làm thành viên thứ 150, kết thúc mười một năm đàm phán kiên trì.

Nhân dân cả nước đều mừng, nhưng có người cũng lo vì cho rằng chúng ta “chưa có sự chuẩn bị tốt”, “chưa chủ động” cho việc thực hiện những cam kết WTO, lo làm sao cạnh tranh được với sự xâm nhập ồ ạt của hàng hóa, dịch vụ của nước ngoài? Lo nền kinh tế của chúng ta vừa khởi sắc, phải đối phó với những ràng buộc bất lợi? Có ý kiến trong Chính phủ nói đến những doanh nghiệp trong nước yếu kém sẽ sớm bị phá sản. Có người cảnh báo số lao động trong một số ngành sẽ bị thất nghiệp v.v... Cũng có người không lo vì chưa hiểu gì về WTO, có người cũng còn tư tưởng ỷ lại “Đó là việc Nhà nước”, “Nhà nước không bỏ chúng ta đâu!”.

Bước vào cuộc chiến đấu mà không lo là không đúng, nhưng lo để quyết tâm và khẩn trương có kế hoạch ứng xử với tình hình mới, là thái độ có trách nhiệm với lợi ích của đất nước cũng như lợi ích của bản thân.

Cần làm gì ngay bây giờ và thời gian trước mắt? Phải giải quyết tư tưởng và nhận thức cho toàn dân, đặc biệt là các cơ quan Đảng, Nhà nước, các doanh nghiệp và các cơ sở kinh tế xã hội. Làm cho mọi người hiểu rằng chúng ta đã giành được độc lập về chính trị, giành được chủ quyền quốc gia qua một cuộc chiến đấu lâu dài, anh dũng và cuối cùng đã giành thắng lợi. Nay là cuộc chiến đấu để giành độc lập tự chủ về kinh tế, cần phải có chiến lược giành thắng lợi trên “thị trường”. Có như vậy nhân dân ta mới thực hiện được mục tiêu phấn đấu của mình, xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

Ta có thể giành thắng lợi trong cuộc chiến đấu này không? Nhớ lại hai cuộc kháng chiến qua - khi ta bắt đầu đánh nhau với Pháp, chủ yếu là tầm vông, súng đạn thô sơ và có lúc “ngàn cân treo sợi tóc”. Khi đi vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, cả thế giới, kể cả những nước xã hội chủ nghĩa anh em không tin chúng ta có thể giành thắng lợi trước đế quốc mạnh hơn Việt Nam không biết bao nhiêu lần. Nhưng trước sự ngạc nhiên của toàn thế giới, Việt Nam đã chiến thắng.

Tình hình của đất nước hiện nay không đến mức hiểm nghèo đến vậy. Sau bao nhiêu năm đổi mới, chúng ta đã có một cơ đồ lớn chưa từng từng thấy. Đường lối đối ngoại đúng đắn tạo cho chúng ta một vị thế nhất định trên trường quốc tế. Và điều quan trọng nhất mà chúng ta không được bao giờ quên: nhân dân ta là một dân tộc được rèn luyện thử thách, con người Việt Nam được đánh giá là cần cù, thông minh v.v...

Khi mà chính sách của Đảng và Nhà nước phù hợp với quy luật, phù hợp với lòng dân thì sẽ có một sự “bùng nổ” không ngờ. Chỉ thị khoán 100 là một ví dụ, chủ trương kinh tế nhiều thành phần, chính sách lưu thông phân phối, xóa bỏ ngăn sông cấm chợ... Đó có phải là nội lực, là cơ hội của chúng ta?

Vậy gia nhập WTO, là nhân dân ta có thể cạnh tranh được với các nước để có thể tiếp tục phát triển đất nước nhanh và bền vững, đem lại cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân? Trong đấu tranh ở WTO, Trung Quốc cho chúng ta những kinh nghiệm quý báu, dù so với Việt Nam, họ là nước lớn, thế và lực mạnh hơn. Tôi rất thú vị khi được biết Hàn Quốc sau 6, 7 năm cạnh tranh với các tập đoàn siêu thị cỡ lớn trên thế giới, không những không bị các tập đoàn này “nuốt chửng”, mà ngược lại Hàn Quốc đã mua lại một số siêu thị quốc tế lớn. Vấn đề phân phối lẻ là lĩnh vực rất nhạy cảm đối với cuộc sống của nhân dân, đồng thời ảnh hưởng không nhỏ đến nhà sản xuất. G7 Mart của một doanh nghiệp trẻ ở phía Nam đã nghĩ ra một hệ thống phân phối lẻ, “xâu” các cửa hàng kinh doanh nhỏ thành một mạng lưới rộng lớn, có mặt ở khắp nơi. Đó cũng là sáng kiến đáng trân trọng. Nhà nước cần ủng hộ, các đồng nghiệp cần có sự liên kết với “G7 Mart” vì lợi ích người tiêu dùng, và vì lợi ích của quốc gia trước sự xâm nhập ngày càng mạnh của các tập đoàn siêu thị quốc tế. Và tất nhiên người tiêu dùng cũng cần có ý thức ủng hộ cuộc cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam. Đòi hỏi chất lượng hàng tiêu dùng là đúng, nhưng không nên “sính hàng ngoại” và đừng dửng dưng với sự phấn đấu gay go của những nhà kinh doanh đất Việt.

Trong cuộc đấu tranh mới này, cần nhấn mạnh vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước. Không nên nhầm lẫn chủ trương tách chức năng quản lý nhà nước và chức năng kinh doanh - coi đó là “thu hẹp vai trò của Nhà nước” để “mở rộng thị trường một cách vô hạn”. Chủ trương nói trên, chính là để Nhà nước đóng vai trò cực kỳ quan trọng của nó là: chỉ đường, hướng dẫn, tạo điều kiện về nhiều mặt pháp lý, tài chính, cơ chế, chính sách để cho người dân và trước hết là các doanh nghiệp tăng cường năng lực cạnh tranh của mình, thực hiện cho được những mục tiêu kinh tế xã hội nhằm bảo vệ lợi ích của quốc gia, và mọi người dân trong xã hội, đặc biệt quan tâm đến đời sống của người nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ đã có chương trình cải cách hành chính. Cần phải làm hết sức khẩn trương và quyết liệt vì thực sự hoạt động hành chính yếu kém và phiền hà của bộ máy công quyền của ta đang là một trở ngại lớn cho việc thực hiện mọi chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước.

Và xét đến cùng, hiệu lực của bộ máy Nhà nước liên quan chặt chẽ với chính sách cán bộ và công chức của ta. Nhiều người cho rằng chính sách hiện nay, trong bộ máy Nhà nước không thể có những người giỏi, tốt được. Phải có sự “đổi mới cơ bản” trong lĩnh vực này, để lựa chọn những cán bộ, những người thực sự có tài, có đức, loại ra những người yếu kém, cơ hội, tiêu cực, dựa vào mối thân quen mà vào các cơ quan, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, Nhà nước.

Đây là khâu rất quyết định, cần tập trung giải quyết.

Tóm lại, cuộc đấu tranh mới đòi hỏi phát huy nội lực về mọi mặt, mọi phương diện. Chúng ta có vượt được thách thức mới có thể tận dụng được cơ hội, với sức mạnh của dân tộc và trí lực Việt Nam. Tại sao chúng ta không thể làm được những điều mà nhân dân các nước khác làm được? Chúng ta có thể biến “sức ép” của cạnh tranh thành “động lực” thúc đẩy chúng ta tiến nhanh, vững chắc hơn? Có lẽ trong lúc này mọi người Việt Nam nên suy nghĩ đến những điều này hãy tự trả lời, và cùng nhau hành động.

Nguyễn Thị Bình
(Nguyên Phó chủ tịch nước)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.