Lời nói phải đi đôi với việc làm

07/12/2007 00:31 GMT+7

Mối tình hữu nghị "núi liền núi, sông liền sông" giữa Việt Nam và Trung Quốc là báu vật trời cho của nhân dân hai nước. Nhân dân Việt Nam luôn ghi nhớ sự giúp đỡ quý báu của nhân dân Trung Quốc trong hai cuộc kháng chiến, đánh sụp chủ nghĩa thực dân cũ và thực dân mới, góp phần đẩy tới phong trào giải phóng dân tộc, làm tan rã hệ thống thuộc địa, củng cố vững chắc vai trò và vị thế của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong một bối cảnh của thế giới mới.

Máu xương của nhiều thế hệ Việt Nam đổ ra cho sự nghiệp giải phóng dân tộc mình, cũng trực tiếp góp phần vào sự nghiệp chung chống thực dân, đế quốc làm sụp đổ hệ thống thuộc địa, giành quỵền độc lập tự chủ của nhiều quốc gia. Vì vậy, nhân dân Việt Nam càng trân trọng những "chữ vàng" mà phía Trung Quốc thường trang trọng nhắc đến mỗi khi cần nói đến mối quan hệ Việt Trung.

Đáng tiếc là việc làm vừa rồi của Quốc vụ viện Trung Quốc phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa thuộc tỉnh Hải Nam trực tiếp quản lý ba quần đảo, trong đó gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, lãnh thổ bất khả xâm phạm của Việt Nam. Việc làm ngang ngược này đã trực tiếp làm hoen ố những chữ vàng thường được nói đến trên kia.

Nhân dân Việt Nam vốn trân trọng lời răn của Khổng Tử: "Tiên hành kỳ ngôn, nhi hậu tòng chi", tạm dịch là "làm trước điều mình muốn nói, rồi sau hãy nói" (Luận Ngữ, thiên Vi Chính). Chính vì vậy, việc làm của Quốc vụ viện Trung Quốc khiến người Việt Nam nhớ đến, cũng lời răn của Khổng Tử: "Thị khả nhẫn dã, thục bất khả nhẫn dã", tạm dịch là "Việc ấy nhẫn tâm làm được thì việc gì mà không nhẫn tâm làm được" (Luận Ngữ, thiên Bát Dật), điều mà đức Khổng Tử thường lên án: "Xảo ngôn, lệnh sắc, tiển hỉ nhân", tạm dịch là "nói năng khéo léo, nét mặt vờ niềm nở, hạng người đó ít lòng nhân" (Luận Ngữ, thiên Học Nhi). Chính vì vậy, chúng ta tin rằng nhân dân Trung Quốc vĩ đại, một nhân dân có bản lĩnh "hoành mi lãnh đối thiên phu chỉ", (trợn mắt coi khinh ngàn lực sĩ) như đại văn hào Lỗ Tấn viết, cũng sẽ không tán đồng với việc làm thiếu cân nhắc nói trên.

Trong thời đại toàn cầu hóa, khi mà ngôi làng toàn cầu đã trở nên gần gũi và nhỏ hẹp, nhất cử nhất động, mỗi việc làm của một quốc gia, lập tức được toàn thế giới biết đến. Chỉ việc thiếu nhà giam, Brazil giam chung nữ tù nhân với nam tù nhân lập tức bị Ủy ban Nhân quyền quốc tế đến tận nơi điều tra. Chỉ một con tin người Pháp Ingrid Betancourt trong số 45 con tin do FARC ("quân đội cách mạng" Colombia) giam giữ khiến Tổng thống Pháp đang được yêu cầu làm trung gian hòa giải sau khi vai trò hòa giải của Tổng thống Venezuela chấm dứt. Vậy thì, chuyện chiếm giữ lãnh thổ bất khả xâm phạm của nước láng giềng thì tránh sao được sự phê phán của dư luận thế giới.

 Là một cường quốc, thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, vị thế của Trung Quốc trong khu vực và trên trường quốc tế đang cần có một diện mạo thân thiện. Vừa qua, chỉ một chuyện mặt hàng đồ chơi Trung Quốc bị tẩy chay vì vi phạm tiêu chuẩn chất lượng, Chính phủ Trung Quốc đã lập tức có chính sách rất nghiêm túc và sòng phẳng đối với các nhà sản xuất trong nước, nhằm lấy lại uy tín của thương hiệu Trung Quốc. Điều này nói lên nhân dân Trung Quốc rất coi trọng chữ tín. Việc bất chấp sự thật lịch sử về chủ quyền của một nước, ngang nhiên đưa Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam vào một huyện của mình, điều ấy sẽ khiến cho Trung Quốc hiện diện trước thế giới như thế nào đây?

Nhân dân Việt Nam có thể quên đi sắc chỉ của Minh Thành tổ ngày 21.8.1406 gửi viên tướng viễn chinh Chu Năng "...một khi binh lính vào nước Nam, trừ các sách vở và bản in đạo Phật, đạo Lão thì không tiêu hủy, ngoài ra, hết thảy mọi sách vở văn tự, cho đến những loại ca lý dân gian, hay sách dạy trẻ nhỏ, loại sách có câu thượng đại nhân, khưu ất kỷ… một mảnh, một chữ đều phải đốt hết. Khắp trong nước, phàm những bia do Trung Quốc dựng từ xưa đến nay thì đều gìn giữ cẩn thận, còn các bia do An Nam dựng thì phá hủy tất cả, một chữ chớ để còn...". Có thể quên vì đó là chính sách thông thường của các triều đại phong kiến, khi nhà Thanh thiết lập nền thống trị lên đất nước Trung Hoa, thì điều ấy cũng đã diễn ra ngay trên đất nước của Minh Thành tổ, ông vua đã ban ra chỉ dụ kia!

 Bằng bản lĩnh quật khởi vốn là truyền thống của dân tộc, nhân dân ta trân trọng nền văn hóa có bề dày lịch sử hàng nghìn năm của nước Trung Hoa vĩ đại, trong quá trình tiếp biến văn hóa, những tinh hoa của nền văn hóa ấy cũng đã làm phong phú thêm nền văn hóa của ta, âm mưu hủy diệt văn hóa của các triều đại phong kiến xâm lược không thể nào tận diệt được. Ngược lại, nó càng nung nấu và sục sôi tinh thần dân tộc gắn liền với ý chí độc lập của con người Việt Nam.

Tinh thần dân tộc là cội nguồn của sức mạnh Việt Nam, nền văn hóa Việt Nam. Mỗi khi nền độc lập của đất nước bị uy hiếp thì chủ nghĩa dân tộc ấy lại bùng phát mãnh liệt "nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước" (*) như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định.

Hy vọng rằng, trong bối cảnh mới của thế giới bước vào kỷ nguyên của thế kỷ XXI với xu thế hòa bình và hợp tác, ý chí và tinh thần dân tộc của Việt Nam bắt gặp được ý chí và nguyện vọng hòa bình của nhân dân Trung Quốc, lời nói đi đôi với việc làm, cùng nhau tôn trọng những chữ vàng hữu nghị để trong vị thế địa-chính trị chiến lược núi liền núi, sông liền sông cùng nhau sánh bước đi lên trong đời sống hòa bình và phát triển của khu vực Đông Nam Á, châu Á và cả thế giới.

T.L

* Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 6, tr.171

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.