Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dự Hội thảo đầu tư Việt Nam tại Nhật Bản

21/10/2006 00:49 GMT+7

* Ký kết 5 văn bản hợp tác đầu tư giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản Sáng 20/10, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự Hội thảo đầu tư Việt Nam do Bộ Kế hoạch - Đầu tư Việt Nam phối hợp với Tổ chức xúc tiến thương mại hải ngoại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại thủ đô Tokyo. Tham dự hội thảo có hơn 400 đại diện các doanh nghiệp và tập đoàn của Nhật Bản.

Phát biểu tại hội thảo, Thủ tướng nhấn mạnh những điều kiện thuận lợi của Việt Nam đối với các nhà đầu tư Nhật Bản như tình hình chính trị - xã hội ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, nguồn nhân lực dồi dào và trẻ (khoảng 70% dưới 30 tuổi). Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng trong vòng 10 năm tới, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 7-8% mỗi năm. Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế thị trường, chủ động và tích cực hội nhập nền kinh tế thế giới, huy động mọi nguồn lực và tiềm năng để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, coi đầu tư nước ngoài là một bộ phận cấu thành nền kinh tế đất nước.

Trong số 7.000 doanh nghiệp nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có hơn 700 doanh nghiệp của Nhật Bản với tổng vốn đăng ký khoảng 7 tỉ USD. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hài lòng về sự phát triển của quan hệ Việt-Nhật trong thời gian qua và tin tưởng rằng sự ổn định về chính trị, xã hội và an ninh sẽ là môi trường rất thuận lợi để hai bên thúc đẩy hơn nữa hoạt động giao lưu, thương mại, đầu tư, du lịch. Thủ tướng cho biết trong thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cải thiện môi trường đầu tư như nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng, giảm chi phí gia nhập thị trường, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực và các ngành công nghiệp phụ trợ, cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng với những điều kiện thuận lợi và những ưu đãi mà Chính phủ Việt Nam dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, sẽ ngày càng có nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư thành công ở Việt Nam.

Giải đáp thắc mắc của các doanh nghiệp Nhật Bản về xu hướng thay đổi của nền kinh tế Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh Việt Nam đã tiến hành đàm phán gia nhập WTO hơn 11 năm và đến nay đã kết thúc các cuộc đàm phán song phương và đa phương. Theo Thủ tướng, khó khăn lớn nhất đối với Việt Nam khi gia nhập WTO là sức cạnh tranh của nền kinh tế, song các doanh nghiệp Việt Nam đã chuẩn bị tinh thần để vượt lên những khó khăn và thách thức đó.

Ngay sau hội thảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chứng kiến lễ ký kết 5 thỏa thuận hợp tác giữa các đối tác Việt Nam và Nhật Bản, bao gồm: Thỏa thuận cùng xúc tiến hợp tác đầu tư giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Tập đoàn thương mại Sumitomo; Thỏa thuận đầu tư xây dựng nhà máy điện tử giữa Công ty cổ phần đầu tư phát triển Hà Tây và Công ty MEIKO Electronics trị giá 300 triệu USD; Thỏa thuận đầu tư xây dựng nhà máy thiết bị điện tử công nghệ cao giữa Tập đoàn đầu tư phát triển Việt Nam và Công ty điện tử VMC Electronics trị giá 110 triệu USD; Hợp đồng sản xuất và cung cấp hàng dệt may giữa Công ty cổ phần may Phương Đông và Tập đoàn thương mại Mitsu Bussan trị giá 26,5 triệu USD; Hợp đồng sản xuất và cung cấp hàng dệt may giữa Công ty may Việt Tiến và Tập đoàn thương mại Marubeni trị giá 75 triệu USD trong vòng 5 năm...

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp đại diện JETRO, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC), Liên đoàn các doanh nghiệp Nhật Bản (KEIDANREN), Tập đoàn Mitsu, Itochu và 9 tập đoàn công nghệ thông tin gồm Fujitsu, Hitachi, Matsushita Electric Industrial (Panasonic), METI, Mitsubishi Corp., NEC, Nippon Telegraph 6 & Telephone, Sanyo Electric và Toshiba Corporation. Thủ tướng đã giới thiệu với các tập đoàn mục tiêu đầu tư tại khu công nghệ cao Hòa Lạc cũng như chính sách ưu đãi của Chính phủ Việt Nam đối với khu công nghệ này...

Cũng trong ngày hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì cuộc họp báo tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia Tokyo. Đông đảo phóng viên báo chí đã tới dự.

(Theo TTXVN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.