Họ không chỉ sống cho riêng mình

29/12/2010 00:58 GMT+7

Nhiều tấm gương trong phong trào thi đua yêu nước 5 năm qua tiếp tục được xướng tên, tôn vinh tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII trong sáng 28.12.

Người thuần hóa cá nước mặn

Đó là anh Trương Văn Trị, Giám đốc Công ty TNHH giống thủy sản Hải Long, tỉnh Thái Bình.

Với số vốn 4 triệu đồng ban đầu vay được từ Ngân hàng Chính sách huyện Tiền Hải, do tổ chức Đoàn thanh niên đứng ra tín chấp, anh đã mạnh dạn đấu thầu gần 1 ha đất bãi bồi ven sông Kiến Giang, thuộc xã Nam Cường, Tiền Hải, chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản. “Ngoài 4 triệu đã dùng để thuê đất ra, tôi không còn đồng nào để thuê nhân công đào ao tôm, lắp đặt thiết bị hỗ trợ tôm giống”, anh nhớ lại. Nhưng “cái khó ló cái khôn”, anh nghĩ ra cách hợp tác với một công ty xây lắp để cung cấp đất sét trong ao cho công ty này sản xuất gạch tuynel. Nhờ đó mà có tiền đào ao, tu sửa, gia cố bờ cho việc nuôi trồng thủy sản.

Năm 2006, anh huy động từ gia đình và bạn bè để có được nguồn vốn 20 triệu đồng nhập 1 vạn con giống cá vược nước mặn, rồi thuần hóa và chuyển về nước ngọt. Lần làm ăn đầu tiên thất bại nặng nề khi số cá bán ra chỉ thu được 3 triệu, lỗ mất 17 triệu, khiến anh “bất ngờ và choáng váng, phải mất một thời gian mới lấy lại được tinh thần”.

Nhưng cú sốc những ngày đầu khởi nghiệp không làm anh nản chí. Gượng dậy sau một thời gian lao đao, anh tiếp tục vay mượn khắp nơi để có được 10 triệu đồng, nhập 5.000 con giống cá vược nước mặn về tiếp tục thuần hóa nuôi trong nước ngọt. Lần này, chỉ sau 25 ngày, anh vớt cá bán. Tuy chưa có lãi nhưng không còn lỗ.

Thêm vài lần từ thất bại đến... hòa vốn, anh vẫn kiên trì tìm tòi được quy trình thuần hóa và nuôi thương phẩm thành công loài cá này trong nước ngọt hoàn toàn. Đến nay, loài cá vược anh thuần hóa đã có mặt trên 20 tỉnh, thành. Không dừng lại, anh tiếp tục đưa thêm được 2 loài cá biển khác có giá trị kinh tế cao về nuôi trong nước ngọt và bắt đầu thuần hóa loài cá thứ 4...

Thông qua các hoạt động nghiên cứu ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, anh đã đem lại lợi nhuận hằng năm đạt từ 300-500 triệu đồng; giải quyết việc làm cho 7 lao động là thanh niên, có thu nhập ổn định từ 1,7 - 2 triệu đồng/tháng. Cuối năm 2009, được sự quan tâm của Trung ương Đoàn, anh đã vay thêm vốn, mở rộng thêm 4,3 ha để xây dựng trại nghiên cứu và sản xuất giống cá biển và ngao giống, thu hút thêm từ 25 - 30 lao động là thanh niên ở địa phương, đáp ứng nguồn giống tốt cho người nuôi trồng trong và ngoài tỉnh.

Báo cáo trước Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII vào sáng 28.12, anh tâm sự: “Những đóng góp của tôi cho xã hội, đất nước còn nhỏ bé” và bày tỏ mong muốn thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp ngành, đặc biệt là Đoàn thanh niên để phát triển, mở rộng kinh doanh, đóng góp nhiều hơn cho quê hương, đất nước.

Khắc tinh của bom mìn

Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh - ảnh: N.Thắng

Đó là đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh (Bộ Quốc phòng). Rất nhiều chiến công cùng những gian nan, cả những cảm giác đau đớn từng chứng kiến mỗi khi tai nạn bom mìn xảy ra với người dân, đã được anh chia sẻ chân thành trước toàn đại biểu dự Đại hội Thi đua yêu nước sáng 28.12.

15 năm làm việc, anh cùng đồng đội ở trung tâm đã có nhiều sáng kiến xuất sắc, giúp rút ngắn thời gian giải quyết hậu quả bom mìn sau chiến tranh từ 300 năm xuống còn... 50 năm.

Anh tâm sự: "Chứng kiến nhiều đồng đội hy sinh đau lòng khi làm nhiệm vụ dò tìm cũng như khi xử lý tháo gỡ bom mìn, trong đó có một đồng chí phó chủ nhiệm kho quân khí của Tổng cục Kỹ thuật bị hy sinh khi tháo gỡ bom chùm phốt-pho của Mỹ bằng phương pháp thủ công, tôi cùng anh em quyết tâm nghiên cứu, suy nghĩ và sáng chế ra hệ thống giá phóng, phóng bom xuống hố để bom tự nổ cháy. Nhờ giải pháp này, trung tâm đã xử lý, hủy an toàn hết số bom chùm phốt-pho nguy hiểm còn lại".

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết gặp đại biểu

Chiều qua 28.12, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã có buổi gặp mặt 118 đại biểu là Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, đại diện tiêu biểu người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ VIII.

TTXVN

Theo anh Cảnh, từ sau năm 1975 đến nay, bằng công sức và trí tuệ, Binh chủng Công binh và lực lượng công binh toàn quân đã đạt được kết quả rất lớn, tích cực rà phá bom mìn, giải phóng hàng trăm nghìn héc-ta đất đai. Tuy nhiên, so với thực trạng nhiễm bom mìn thì chưa thấm vào đâu. Để phát hiện được bom mìn nằm trong lòng đất, nếu dùng biện pháp thủ công thì mất quá nhiều thời gian, còn mua máy dò hiện đại của nước ngoài thì rất đắt tiền. “Giá máy rất cao, riêng tiền mua một phần mềm cho một máy này cũng hơn 200 triệu đồng. Nếu mua hàng trăm máy cho các lực lượng công binh toàn quân thì sẽ lấy tiền ở đâu?”, anh trăn trở và quyết định đề xuất với Ban giám đốc trung tâm tổ chức nghiên cứu, thiết kế được phần mềm gắn cho máy dò bom đạn.

“Sau nhiều lần thất bại, kết quả thực tế đến thật bất ngờ. Phần mềm chúng tôi nghiên cứu, sản xuất ra kèm máy tính mini chuyên dùng không kém gì nhập của nước ngoài, có những tính năng còn vượt trội như dễ dàng nhận dạng, xác định được ngay chủng loại, hình dạng, kích thước, trọng lượng và độ sâu của bom đạn đang nằm trong lòng đất. Thắng lợi này đã động viên khích lệ chúng tôi và cũng là điều kiện tốt để chúng tôi có phương tiện tốt hơn trong dò tìm, xử lý bom mìn”, anh vui mừng nhớ lại.

Thế nhưng, điều anh vẫn canh cánh không nguôi là mặc dù Bộ Quốc phòng đã hết sức cố gắng nhưng theo số liệu thống kê, đến nay mới làm sạch được 3,28% diện tích đất đai bị nhiễm bom mìn trên toàn quốc. Theo tiến độ hiện nay, để làm sạch nhiễm bom mìn trên đất nước ta phải mất hơn 300 năm nữa và cần số tiền hàng chục tỉ USD.

 Từ trăn trở đó, câu hỏi làm thế nào thúc đẩy nhanh việc khắc phục hậu quả bom mìn, chỉ trong vài chục năm giải quyết được hậu quả bom mìn chiến tranh để lại, cứ luôn thôi thúc trong đầu anh. Trong một lần được dự hội thảo quốc tế về khắc phục hậu quả bom mìn ở nước ngoài, ý định đề xuất xây dựng chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh dần hình thành.

Năm 2009, trung tâm xin ý kiến lãnh đạo các cấp liên quan triển khai viết hoàn chỉnh dự thảo: “Chương trình quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh ở Việt Nam giai đoạn 2010-2025”. Tháng 4.2010, Thủ tướng ký quyết định phê duyệt chương trình. “Nếu bảo đảm được tiến độ, thời gian khắc phục cơ bản hậu quả bom mìn trên đất nước ta sẽ được rút ngắn từ hơn 300 năm xuống còn 50 năm”, anh hồ hởi.

Tại đại hội, anh vui mừng chia sẻ: Gần 15 năm từ khi thành lập đến nay, trung tâm luôn bảo đảm an toàn mọi mặt, chưa hề xảy ra sự cố hay thương vong đáng tiếc nào. Do hoàn thành tốt nhiệm vụ nên đơn vị đã được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND thời kỳ đổi mới và bản thân anh cũng được khen thưởng, nhiều năm liên tục được tặng danh hiệu chiến sĩ thi đua, bằng khen của Chính phủ và Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng 3.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.