Xuyên hầm Hải Vân dạy ngoại ngữ cho làng phong

29/10/2008 23:13 GMT+7

Mỗi tuần, cô giáo Nguyễn Thị Quảng, ở quận Liên Chiểu (TP Đà Nẵng) lại đi bộ hàng chục cây số, xuyên hầm Hải Vân ra dạy ngoại ngữ cho con em làng phong Hòa Vân.

Có hai đường để đến thôn Hòa Vân. Một đi đường thủy, nhưng mỗi tuần chỉ có hai chuyến. Nếu gặp mưa gió, thì coi như... tắc! Đường thứ hai, lội bộ xuyên đèo Hải Vân, len lỏi trong hầm dành cho tàu lửa. Sau đó, vượt thêm mấy ngọn đồi mới đến được Hòa Vân. Làng có hơn 100 nóc nhà, lưng dựa vào núi, mặt hướng ra biển với vài trăm nhân khẩu, đa phần là người mắc bệnh phong, đời sống hết sức cơ cực. Trắc trở giao thông, nên đường đến trường với con em trong làng hết sức khó khăn. Ở đây, dù cố gắng lắm, chính quyền địa phương cũng chỉ mở được điểm trường dành cho cấp tiểu học. Muốn học cao hơn, các em phải “xuống núi” trọ học.

Nói về việc tình nguyện ra Hòa Vân dạy tiếng Anh cho bọn trẻ dù tuổi đã xấp xỉ lục tuần, cô Quảng thổ lộ: “Trẻ em Hòa Vân thua thiệt so với bạn bè cùng lứa. Nghỉ hưu từ trường THCS Hải Vân là tui ra đây với các em”. Trong hành trang mỗi ngày ra lớp ở Hòa Vân, bên cạnh giáo án, cô Quảng bao giờ cũng mang theo các vật dụng đi rừng như đèn pin, giày vải leo núi, thuốc men, gạo, mắm muối, nước uống... “Khó khăn nhất mỗi khi ra với các em là vượt qua đường hầm dành cho tàu hỏa qua đèo Hải Vân. Hầm ngột ngạt và tối đen không một chút ánh sáng. Khi có tàu hỏa đến, phải lo tìm chỗ để tránh, nếu không chạy kịp thì tai nạn đến như chơi. Nhiều khi chỉ kịp đến chỗ lõm vách núi, nằm sát xuống mép ngoài đường ray, hứng chịu tiếng ồn, tiếng bánh sắt nghiến vào đường ray buốt tận óc” - cô Quảng tâm sự. Suốt 2 năm qua, nắng cũng như mưa, tuần 2 buổi, cô Quảng một mình băng bộ cắt rừng, xuyên hầm gần chục km để dạy ngoại ngữ cho học trò làng phong Hòa Vân.

Lớp học ngoại ngữ của cô Quảng khá đặc biệt. Nói là lớp cho sang, chứ các em từ lớp 3 đến lớp 5 phải học ghép với nhau. Đến lớp, cô giáo phải soạn cùng lúc 3 giáo án riêng để kèm cặp học sinh. Mỗi khi khối lớp 5 làm bài tập thì cô lại quay sang bên kia giảng bài cho học sinh khối lớp 3 và khối lớp 4. Nghe các học trò đồng thanh hát bài tiếng Anh, làm sống động cả góc làng vốn im ắng, tách biệt với cộng đồng bên ngoài mới thấu hiểu tấm lòng của cô Quảng đối với các em. “Ở đây, các em thiếu thốn rất nhiều thứ, kể cả sách, vở. Nhưng tôi mừng là các em rất ngoan, chăm học. Nhiều khi cũng thấy ngại bởi đường xa, tuổi đã cao, sức yếu, nhưng cứ nghĩ đến các em là tôi lại thấy thương, không dứt ra được. Không biết mình còn đủ sức ra làng kèm cho các em đến bao giờ” - cô Quảng tâm sự.

Hữu Trà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.