Cuộc khủng hoảng năng lượng thế kỷ 21

26/10/2007 21:41 GMT+7

Bài 2: Chiến tranh dầu mỏ Trong bối cảnh nguồn dầu mỏ đang dần cạn, các quốc gia đang có nhiều nỗ lực tìm nguồn năng lượng thay thế. Các "vựa dầu" của thế giới cũng trở thành trung tâm tranh giành ảnh hưởng của các nước lớn.

Năng lượng thay thế

Để đối phó với tương lai đen tối trên, các nhà khoa học và nhiều quốc gia đã nghiên cứu để tìm cách áp dụng những công nghệ mới trong tìm kiếm, khai thác dầu lửa hoặc phát hiện ra những nguồn năng lượng khác có thể thay thế cho dầu lửa. Tuy nhiên, kết quả thu được không mấy lạc quan. Vào cuối thập niên 70, người ta đã có thể khoan sâu đến 312 mét vào lòng đất để tìm kiếm dầu và khả năng này hiện nay đã gấp khoảng 8 lần. Thế nhưng không nhiều mỏ dầu mới được phát hiện, vì có vẻ như loài người đã phát hiện được gần hết lượng "vàng đen" dưới lòng đất. Với các nguồn năng lượng thay thế, người ta thấy rằng các loại khí tự nhiên, chủ yếu tại Siberia, Alaska và Trung Đông, tuy sạch hơn dầu lửa nhưng cũng chỉ có thể khai thác lâu hơn dầu lửa 20 năm và công chuyên chở lại cao gấp 7 lần so với dầu lửa. Lượng than đá trên thế giới cũng chỉ có khoảng 909 tỉ tấn và sẽ cạn kiệt trong 155 năm, nhưng nguồn năng lượng này lại gây ô nhiễm nặng nề.

Trong thời gian qua, một số nước đã có những dự án nhà máy điện nguyên tử hoặc đang quan tâm đến nguồn năng lượng nguyên tử. Tuy nhiên, một số bài học từ các thảm họa của các nhà máy điện nguyên tử của Liên Xô, Mỹ, Nhật Bản... cho thấy không phải quốc gia nào cũng có đủ trình độ khoa học, kỹ thuật và nhân lực để sản xuất và sử dụng được nguồn năng lượng này. Các nhà máy điện hạt nhân đòi hỏi chi phí rất lớn, tuyệt đối an toàn trong vận hành và có thể đem đến những hậu quả khủng khiếp cho loài người hàng trăm năm nếu có những sự cố, thảm họa xảy ra. Ngoài ra, trữ lượng uranium trên trái đất cũng chỉ đủ cho con người khai thác trong vài chục năm tới mà thôi.

Nguồn dầu mỏ đang suy kiệt, nguồn năng lượng khác thay thế chưa có nhiều. Ngày 22.10 vừa qua, 15 nhà khoa học nổi tiếng của Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ đã chính thức đưa ra cảnh báo rằng nhân loại sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng năng lượng lớn nhất trong thế kỷ 21 này.

Tương lai Trung Đông

Người Mỹ, sớm hơn nhiều dân tộc khác, đã nhận ra nỗi thống khổ sẽ đến với họ nếu một ngày kia lò sưởi của họ không hoạt động trong mùa đông, xe hơi đang trên đường đến công sở phải dừng lại vì hết xăng. Do vậy, những cuộc chiến tranh, can thiệp quân sự và lật đổ... do Mỹ tiến hành ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông, đều nhằm phục vụ chiến lược an ninh năng lượng của họ.

Theo học thuyết Carter năm 1980, mọi hành động của bất kỳ thế lực nào bên ngoài nước Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát vùng Vịnh đều được coi là hành động tấn công vào quyền lợi của nước Mỹ và buộc phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp, kể cả vũ lực. Do vậy, người Mỹ đã tìm mọi cách để nắm cho bằng được nguồn năng lượng sống còn của cả thế giới tại Trung Đông: trong chiến tranh vùng Vịnh 1991, người Mỹ đã tiêu tốn khoảng 7 tỉ USD để giải phóng Iraq và cuộc chiến của Mỹ tại Iraq kể từ năm 2003 đến nay vẫn chưa có hồi kết với những tổn thất tiền của chưa tính hết.

Hiện nay, cả thế giới đang quan tâm sát sao đến việc Mỹ sẽ "đối xử" thế nào với Iran, quốc gia có trữ lượng dầu mỏ chiếm 20% thế giới và được coi là "cừu địch" với Mỹ kể từ năm 1979 đến nay. Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad đã thẳng thừng tuyên bố Iran sẽ đáp trả Mỹ nếu bị tấn công quân sự, thậm chí sẽ ngừng ngay việc xuất khẩu dầu mỏ. Còn Venezuela thì cũng cứng rắn với Mỹ không kém Iran sau khi mua của Nga khoảng 3 tỉ USD vũ khí và khởi công một nhà máy sản xuất súng AK đầu tiên tại châu Mỹ La-tinh để "đối phó với nguy cơ bị xâm lược", như lời Tổng thống Hugo Chavez của Venezuela.

Đến thời điểm hiện nay, Iran được nhiều nước lớn như Ấn Độ, Trung Quốc, đặc biệt là Nga ủng hộ. Các nước lớn này đều có quyền lợi kinh tế trong quan hệ với Iran, đặc biệt là trên lĩnh vực dầu lửa, do vậy họ sẽ không để Mỹ dễ dàng tấn công quân sự Iran như đã từng với Iraq.

Từ thực tế trên có thể thấy rằng tới đây, khi mà giá dầu lửa ngày càng tăng cao thì Trung Đông và những khu vực có dầu mỏ khác trên thế giới sẽ trở thành tâm điểm tranh chấp một mất một còn giữa các nước lớn. (Theo The Guardian, BBC, Financial Times)

Hiếu Lê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.