Chuyện 7 anh em mồ côi

18/11/2009 10:51 GMT+7

Trong vòng vài năm, bố đi trước mẹ đi sau vì bệnh ung thư, để lại cho những đứa con, đứa lớn nhất mới 20 tuổi, một căn nhà dột nát khuất sau bến xe thị xã Quảng Trị cùng những món nợ.

Chiều tối, chúng tôi bước vào mái ấm lâu nay của bảy anh em. Đó là căn nhà rách nát ở tổ 3, khu phố 4a, phường 2, thị xã Quảng Trị với chiếc bàn nhỏ thờ di ảnh bố mẹ còn đang nhang khói.

Anh cả Trương Thúc Lập, 20 tuổi, trụ cột của gia đình, vừa đi làm về. Trong bóng chiều chập choạng, Lập đau đớn nhớ về những ngày tháng cũ khi bố bị ung thư dạ dày, mẹ bán hết tài sản, chạy vạy khắp nơi chữa bệnh cho chồng nhưng căn bệnh đã vào giai đoạn cuối, chỉ bốn tháng sau bố mất. “Bố mất, mẹ cũng ốm đau thường xuyên. Các em đều còn nhỏ, mẹ và tôi đã tìm mọi công việc để nuôi các em ăn học” - Lập tâm sự. Rồi tai họa vẫn chưa buông tha khi năm năm sau ngày bố mất, mẹ cũng nhập viện vì ung thư dạ dày và ra đi.

Gà mất mẹ, mấy anh em tự thân lo liệu cuộc sống. Lập đi làm phụ hồ từ sáng đến 19g-20g mới về. Người nào còn khả năng học được vẫn cứ học. Linh (19 tuổi) đang ôn thi đại học và Tính (17 tuổi) học xa nhà, Hiếu (16 tuổi), đang học lớp 9 nhưng những ngày nghỉ hay rảnh rỗi đều xoay xở bán vé số hoặc bưng bê ở quán nước kiếm tiền trang trải việc học cho mình và cho những anh em khác đỡ cực. Hóa mới 9 tuổi cũng phải trông nhà, nấu cơm.

“Bố mất khi còn nhỏ nên Hóa không nhớ, chỉ nhớ mẹ khóc suốt. Nhiều lúc tới bữa nhớ mẹ khóc không chịu ăn, dỗ mãi không được. Mấy đứa kia chảy nước mắt theo, rồi mấy anh em cùng òa khóc” - người anh cả ngậm ngùi.

Vẫn nuôi lớn những ước mơ

Cuộc sống quá sức khó khăn, công việc vất vả đè nặng lên vai nhưng không vì thế Lập muốn các em nghỉ học. Lập nghĩ chỉ có học giỏi, sau này mấy anh em mới mong thoát khỏi cuộc sống khổ cực như hiện nay. “Phận tôi như vậy rồi, phải biết cách chấp nhận. Vất vả bao nhiêu tôi cũng chịu được, chỉ mong các em ăn học đến nơi đến chốn...” - Lập bộc bạch.

Thương anh, các em cũng ra đời mưu sinh. Tuyền (16 tuổi) hằng ngày bán rau với người dì ở chợ thị xã kiếm tiền lo ăn uống cả ngày cho gia đình. Một ngày của Tuyền thức dậy từ lúc 4g sáng nấu cơm cho cả nhà, sau đó sắp xếp mọi việc rồi đạp xe ra chợ chuẩn bị bán rau, trưa về nấu cơm chuẩn bị thức ăn để chiều đi học. Công việc và nỗi lo toan khiến Tuyền xem ra lớn hơn hẳn so với tuổi của mình.

Bên mớ rau đang bán dở, Tuyền nói như tâm sự: “Ai chẳng ước ao có một mái nhà được sống cùng bố mẹ nhưng thôi, phận tôi vậy rồi, chỉ mong anh Lập và mấy anh em đều khỏe mạnh, không ốm đau để có sức vượt qua tất cả”.

Giống Tuyền như hai giọt nước, Trương Khánh Ly vẫn hằng ngày ra chợ bán rau cùng chị. Cô bé 12 tuổi này cười hồn nhiên khi nói về mơ ước tuổi thơ: “Ước sao mấy anh em có một ngày nghỉ ngơi cùng ở nhà với nhau”. Thế mong ước nào cho riêng mình? “Em muốn có cặp mới để đi học, chiếc cặp cũ rách quá, bạn bè trêu hoài”.

May mà mấy anh em mồ côi này ai cũng khỏe mạnh, rắn rỏi. “Chỉ có em Hóa hay bị ốm vặt thôi. Mỗi lần Hóa ốm, em chăm Hóa để anh Lập yên tâm phụ hồ kiếm tiền mua thuốc”.

Không chỉ phụ hồ, Lập còn làm bất kỳ công việc nào để kiếm tiền lo cho các em ăn học. Khó khăn nhưng người anh ấy luôn dạy các em “đói cho sạch, rách cho thơm”, không bao giờ xin hay lấy của ai bất cứ thứ gì. May mà cuộc sống của mấy anh em vẫn còn chỗ cho niềm tin khi cảm thông với số phận của mấy đứa con mồ côi, những chủ nợ trước đây cũng không nỡ đòi...

Anh em yêu thương nhau là hạnh phúc rồi

 
Lập (bìa trái) và mấy anh em mồ côi đùm bọc nhau - Ảnh: Tiến Tân


... Sau cơn bão số 9, ngôi nhà dột nát gần mé sông Thạch Hãn (Quảng Trị) của bảy anh em xem ra càng dột nát hơn. Lập cười ngượng nghịu bảo: “Mấy hôm mưa bão, nước mưa ướt hết sách vở, mâm cơm. Không sao, vậy cũng là may. Mấy anh em còn sống với nhau; còn yêu thương nhau là hạnh phúc rồi...”.

Theo Tiến Tân - Lê Hương / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.