Cần thiết nhưng phải cẩn trọng

29/11/2009 23:18 GMT+7

Trò đánh giá thầy là một chủ trương sẽ có nhiều ý kiến không hài lòng và đồng thuận. Khi mà “Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, “Tôn sư trọng đạo”… đã trở thành đạo lý, truyền thống của cả một dân tộc. Nhưng trong dự thảo chiến lược phát triển giáo dục 2008-2020 của Bộ GD-ĐT, việc nâng chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp chiến lược có tính đột phá, trong đó có việc sinh viên được đánh giá thầy cô giáo.

Thực tế ngay cả khi không có “chiến lược” này thì suốt thời đi học, giới “thứ ba học trò” đều có những “đánh giá” không chính thức về thầy cô giáo của mình, như thầy cô nào khó tính, thầy cô nào dạy hay, thầy cô nào yêu thương học trò… Song một khi đã là chủ trương chính thống thì cách gọi “sinh viên đánh giá giảng viên” lại trở nên không phù hợp xét cả về đạo lý, truyền thống lẫn tâm lý, tình cảm. Có thể có nhiều cách gọi khác chừng mực và phù hợp hơn để dùng như: khảo sát ý kiến người học, thu thập thông tin phản hồi hay nhận xét, góp ý.

Không chỉ cần điều chỉnh cách gọi mà ngay việc triển khai cũng phải được làm thận trọng, có cơ sở khoa học để chủ trương cần thiết không bị thực hiện sai lệch, méo mó. Cần có một mẫu chuẩn và hướng dẫn thống nhất quy trình xử lý kết quả sau khi lấy ý kiến người học từ phía Bộ GD-ĐT, sau khi đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia và nhà nghiên cứu trong lĩnh vực này một cách thấu đáo.

Tránh trường hợp như trước đây khi Bộ bắt đầu có chủ trương khuyến khích thi trắc nghiệm khách quan thì các trường, phòng giáo dục đua nhau tự soạn ngân hàng đề thi. Nhiều câu hỏi và đáp án ngớ ngẩn đã ra đời từ việc vốn dĩ nhiều cơ sở giáo dục chưa có kinh nghiệm cũng như những hiểu biết sâu về công việc hoàn toàn mới mẻ này. Nếu phạm sai lầm ngớ ngẩn trong một đề thi đã là điều không đáng, thì phạm sai lầm liên quan đến một con người, ở đây lại là thầy cô phải không thể để xảy ra.

Tại nhiều trường học ở nước ngoài, chính đánh giá của người học là cơ sở chính để nhà trường cân nhắc mức thù lao và trao tặng các danh hiệu kiểu như giáo viên dạy giỏi ở ta, sau khi cân nhắc thêm các tiêu chí khác. Nếu nhìn ở góc độ này, đến lúc cũng nên điều chỉnh các cuộc thi giảng viên dạy giỏi ở nhiều trường ĐH, CĐ, TCCN đang tổ chức bấy lâu nay theo kiểu: giảng viên soạn giáo án, rồi dạy tiết mẫu, mà người quyết định tiết dạy đó hay hay không hay lại là những đồng nghiệp có thâm niên và chức vụ chứ không phải là người trực tiếp tiếp nhận - cảm nhận và biết rõ nhất kết quả của giờ giảng đó: sinh viên (hầu hết đều trên 18 tuổi, đủ tuổi tham gia bầu cử).

Cũng cần nói thêm rằng, trong vài năm tới, để nâng cao chất lượng và hội nhập quốc tế, 100% các trường ĐH, CĐ ở Việt Nam đều sẽ phải chuyển sang đào tạo theo học chế tín chỉ thay vì đào tạo theo niên chế. Nghĩa là thay vì sinh viên học tuần tự các môn với giảng viên theo sự phân bổ của nhà trường ở một lớp cố định, thì với học chế tín chỉ, người học được quyết định chọn môn học trong danh mục quy định theo kế hoạch học tập của riêng mình. Đương nhiên đi kèm với điều đó là sinh viên được quyền chọn lớp của giảng viên nào mà mình thích. Bản chất đó cũng là một đánh giá của người học đối với người dạy - không sao tránh khỏi.

Trọng Phước

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.