Nửa thế giới này đang nằm trong tay 2% cư dân

06/12/2006 12:29 GMT+7

Câu nói trên hoàn toàn chính xác nếu tính trên khía cạnh tài sản. Theo kết quả cuộc thống kê do Trường đại học Liên Hiệp Quốc (UNU) tiến hành thì 2% những người giàu nhất hành tinh này nắm đến 50% tài sản trên toàn cầu.

Các tác giả cuộc thống kê cho rằng kết luận của họ là có tính bao quát nhất, được thực hiện trên toàn thế giới và được tính bằng đơn vị tài sản trong khi hầu hết các cuộc thống kê trước đây chỉ tính bằng thu nhập.


Nhiều người Phi châu chỉ mong ước có 1USD/ngày để duy trì sự sống (Ảnh CAM)

Tài sản - theo định nghĩa trong cuộc thống kê của UNU - là những gì mà người ta đang có trong tay trừ đi số nợ. Số tài sản được tính tới bao gồm cả đất đai, nhà cửa, thú vật và tài sản tài chính.

UNU cho biết phần lớn tài sản trên thế giới này tập trung ở Bắc Mỹ, châu u và một số nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương như Nhật Bản và Úc. Những nước này đang nắm giữ 90% tài sản của toàn thế giới!

Sự phân cực giàu nghèo trên thế giới này thấy rõ hơn nhiều nếu tính trên phương diện tài sản so với các cách tính trước đây, tức chỉ dựa trên thu nhập của mỗi người.

Ngoài ra, cuộc thống kê cũng chỉ ra nhiều khác biệt thú vị, chẳng hạn như ở các nước nghèo, đất đai và nông trang đóng vai trò rất quan trọng trong tài sản của mọi người, phản ảnh sự quan trọng của nông nghiệp ở những quốc gia này.

Đồng thời, khuynh hướng trên cũng phản ảnh rõ hậu quả của hệ thống tài chính yếu kém ở các nước kém phát triển, nơi mà mọi người ít có cơ hội gởi tiết kiệm hoặc sở hữu cổ phần.

Trong khi đó, ở các nước giàu có, số nợ của rất nhiều người vượt xa tài sản mà họ có, khiến cho họ trở thành những người nghèo nhất thế giới.


Trong khi ở những nơi khác, người ta có thể vung tay vài ngàn USD trong một giờ trên những chiếc du thuyền sang trọng (Ảnh CL)

Về mặt lý thuyết là như thế nhưng thực ra nếu tính trên phương diện mức độ tiêu thụ hàng hóa thì đời sống của “những người nghèo nhất thế giới” này dễ chịu hơn gấp bội phần “những người giàu hơn” ở các nước kém phát triển. Lý do rất dễ thấy: cho dù có mắc nợ nhiều hơn của cải nắm trong tay nhưng nếu sống ở một nước phát triển, người ta vẫn dễ dàng mua sắm các tiện ích cho cuộc sống của mình.

Cuộc thống kê của UNU dựa trên các dữ liệu từ năm 2000 cộng với các con số ước tính vì thiếu dữ liệu ở một số quốc gia. Đến nay, sự cách biệt giàu nghèo trên thế giới có thể còn lớn hơn thời điểm 2000 nhiều. Nhưng dù sao, đây vẫn được xem là cuộc thống kê mang tính phổ quát nhất.

Đoan Nhật (Theo BBC)


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.