Ngoại ngữ ở bậc đại học: Cần liên thông với phổ thông

02/12/2005 22:13 GMT+7

Đề án về giảng dạy và học tập ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân Việt Nam" do Bộ GD - ĐT xây dựng vừa trình Thủ tướng Chính phủ được thiết kế thành 6 bậc với đủ các kỹ năng nghe-nói-đọc-viết, bắt đầu học từ lớp 3 và tốt nghiệp tiểu học phải đạt bậc 1. Liên thông trong việc học ngoại ngữ giữa các lớp phổ thông và ĐH đã được đặt ra trong đề án.

Sao lại học từ đầu?

Theo đề án nêu trên, học sinh tốt nghiệp THPT phải đạt bậc 3 với yêu cầu của các kỹ năng cụ thể như sau: hiểu các đối thoại đơn giản trong và ngoài lớp học, hiểu ý chính các thông tin đơn giản trong đời sống xã hội thông thường (kỹ năng nghe), có thể tham gia đối thoại đơn giản trong và ngoài lớp học, có thể bày tỏ ý kiến đơn giản về các vấn đề văn hóa-xã hội (nói), hiểu nội dung chính các tài liệu phổ thông liên quan đến các vấn đề văn hóa-xã hội quen thuộc (đọc), có thể viết các đoạn văn ngắn, đơn giản về các chủ đề quen thuộc phù hợp với sự hiểu biết của người học (viết).

Tại hội thảo bàn về việc dạy ngoại ngữ cho sinh viên (SV) không chuyên ngữ vừa tổ chức tại Trường ĐH sư phạm TP.HCM, đa số đại biểu nhận định, ngay lúc này chưa thể thực hiện yêu cầu của đề án trên với tất cả tân SV vì trình độ ngoại ngữ của những  SV này chênh lệch nhau rất lớn, có SV còn đủ trình độ làm thầy môn ngoại ngữ cho bạn của mình. Trong lúc chờ đợi đề án được thực hiện, ở vào "thời kỳ quá độ" cũng cần có ngay những giải pháp thích hợp.

Theo tiến sĩ Vũ Văn Thành (giảng viên Trường ĐH sư phạm Hà Nội), mục đích cơ bản của dạy và học ngoại ngữ khối không chuyên là dùng ngoại ngữ như một công cụ đắc lực để học tập thêm chuyên môn và nghiên cứu khoa học. Ông  đặt vấn đề: "Ngoại trừ một số ít học sinh ở các vùng quá khó khăn, những học sinh còn lại đều có học ngoại ngữ nhiều năm ở phổ thông. Môn ngoại ngữ lại là môn thi bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT nên ít nhiều học sinh đều có những nỗ lực nhất định để học ngoại ngữ, vậy thì tại sao khi lên ĐH (khối không chuyên ngữ) lại bắt các em học lại từ đầu?".

Liên thông và tín chỉ

Ở bậc phổ thông, bình quân mỗi lớp học ngoại ngữ 3 tiết/tuần, mỗi năm khoảng gần 90 tiết. Theo chương trình tiếng Anh 7 năm (THCS và THPT), học sinh được học hơn 600 tiết; trường hợp học chương trình tiếng Anh 3 năm THPT thì học sinh cũng học được khoảng 250 tiết. Như vậy, không chỉ lãng phí thời gian và tiền bạc để học ngoại ngữ trong mấy năm học phổ thông, việc dạy lại ngoại ngữ từ đầu ở ĐH là một việc làm không trân trọng kết quả của giáo viên và học sinh ở phổ thông.

Dạy lại từ đầu làm nản lòng hầu hết SV vì họ không được tiếp thu trình độ cao hơn những năm học ở phổ thông, số SV có trình độ ngoại ngữ tốt thì lại hay bị phê bình "thiếu chuyên cần" vì không thể cứ chuyên cần đến lớp để chỉ nghe thầy cô dạy những điều quá cơ bản mà họ đã thông thuộc từ lâu! Chính vì vậy, TS Thành đề nghị chương trình ngoại ngữ ở ĐH phải liên thông, tiếp nối với những gì đã học ở phổ thông. Để làm được điều này, Bộ GD-ĐT cần phải nghiên cứu kỹ để có ngay chương trình phù hợp ở năm I ĐH với yêu cầu chọn lọc lại những kiến thức phổ thông cần thiết để khi lên năm II có thể bước ngay vào phần ngoại ngữ chuyên ngành. Thạc sĩ Lý Thị Mỹ Hạnh (Trường ĐH sư phạm TP.HCM) nhận xét: "Ở môn Tiếng Anh, các giáo trình rèn luyện kỹ năng tổng hợp như Headway, Life Lines, New Interchange... có lượng từ tổng quát về văn hóa, xã hội, giao tiếp nhưng thiếu hẳn vốn từ vựng chuyên môn. Vì vậy, cần có sự phối hợp soạn thảo giữa các giảng viên chuyên ngữ tiếng Anh và các giảng viên chuyên ngành ngôn ngữ về nội dung chuyên môn để có được một giáo trình phù hợp với SV không chuyên ngữ". 

Ngoài việc liên thông, để giải quyết vấn đề chênh lệch trình độ ngoại ngữ giữa các SV trong cùng một lớp theo phương thức niên chế, nhiều đại biểu còn đề nghị nhanh chóng áp dụng phân loại đầu vào và thực hiện học chế tín chỉ. PGS-TS Nguyễn Văn Nhã - Trưởng ban đào tạo ĐH quốc gia Hà Nội - cho biết các trường ĐHQG Hà Nội đang thử nghiệm kiểm tra phân loại trình độ ngoại ngữ ngay khi SV mới vào năm I. Theo đó,  nếu SV nào đạt điểm TOEFL 550 trở lên thì được miễn luôn việc học tiếng Anh tại ĐH (các ngoại ngữ khác cũng có mức phân loại tương tự),  số còn lại kiểm tra phân loại để có những lớp riêng cho những SV có TOEFL theo mức 300, 200, 100. Để thực hiện được điều này, các trường ĐH cần nhanh chóng chuyển sang học theo học chế tín chỉ, trường nào tạm thời còn niên chế thì riêng môn ngoại ngữ cần áp dụng trước việc đào tạo theo tín chỉ. Nhằm tạo điều kiện cho SV có thể du học sau khi tốt nghiệp ĐH, ông Nguyễn Phú Thọ (Trường CĐ bán công công nghệ và quản trị doanh nghiệp) đề nghị hướng SV tham gia các lớp học để thi nhận các bằng TOEFL, TOEIC, IELTS, đạt được trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu của các trường ĐH nước ngoài ngay trong thời gian SV đang học ở trường. Về việc kiểm tra đánh giá, ông Nguyễn Kỳ Nam (Trường ĐH sư phạm TP.HCM) đề nghị  cần đảm bảo cả 4 kỹ năng nghe-nói-đọc-viết trong kiểm tra thi cử, nhất thiết phải tổ chức kiểm tra kỹ năng nghe và nói của SV.

Nhựt Quang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.