TP.HCM ngập lụt vì mưa lớn cộng triều cường

13/10/2007 23:16 GMT+7

* Hệ thống thoát nước mưa gần như tê liệt Trận mưa cực lớn ngày 11.10 tại TP.HCM kết hợp với triều cường khiến nhiều khu vực nội thành bị ngập rất nặng. Mùa mưa Nam bộ chưa dứt, và còn 5 đợt triều cường từ nay đến cuối năm...

Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước thủy triều tại trạm Phú An (sông Sài Gòn, TP.HCM) vào ngày 13.10 đạt đỉnh là 1,35 m (lúc 19 giờ 30); ngày 14.10 là 1,31 m (20 giờ 30) và ngày 15.10 là 1,27 m (8 giờ 30). Trong 3 ngày qua, đỉnh triều tại trạm Phú An khá cao, nhưng từ ngày 15.10 trở đi, mực nước trên sông Sài Gòn xuống thấp dần cho đến khi có một đợt triều cường mới lại sẽ xuất hiện vào cuối tháng 10.

Từ nay đến cuối năm 2007, sẽ còn 5 đợt triều cường nữa tại TP.HCM. Vào những tháng cuối năm, triều cường thường dâng cao, gây ngập nặng nhiều khu vực nội thành, nhất là tại các quận: Bình Thạnh, Thủ Đức, Q.6, Q.8... Nơi điển hình nhất của tình trạng ngập lụt do triều cường là khu vực bán đảo Bình Quới - Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) và Bến Mễ Cốc (Q.8). Trong khi đó, đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh vốn đã tai tiếng vì  thi công cẩu thả – nay còn được người dân gọi là “hồ” vì luôn chịu cảnh ngập lụt triền miên vào mỗi đợt triều cường, nhất là trùng với những trận mưa lớn.
Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo, trong những tháng cuối năm 2007 có khoảng 3 - 4 cơn bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông, trong đó khoảng 1 - 2 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến thời tiết nước ta từ Trung Bộ đến Nam Trung Bộ và Nam Bộ.

Trận mưa cực lớn vào chiều tối 11.10 - với vũ lượng đo được tại Đài Khí tượng thuỷ văn khu vực Nam Bộ lên đến 109mm – đã gây ngập nặng ngay cả các quận trung tâm như 1, 3, 10, Phú Nhuận. Các tuyến đường như 3 tháng 2, Lê Hồng Phong, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Lai, Phạm Ngũ Lão, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Đinh Bộ Lĩnh,... chìm trong biển nước. Hôm đó, hệ thống thoát nước mưa trên đường phố Sài Gòn gần như bị tê liệt, bởi trước trận mưa, trên các con sông, rạch thành phố nước đã dâng lên đầy ắp do triều cường. Các trạm bơm của Công ty Thoát nước đô thị cũng “bó tay” với những trận mưa cực lớn như thế này. Ông Chu Quốc Huy, Giám đốc Công ty cho biết, các trạm bơm đang hoạt động hiện nay có quy mô nhỏ, chủ yếu để giải quyết giảm ngập do triều cường. Còn để tiêu thoát nước hiệu quả hơn thì cần những trạm bơm có công suất lớn, đang được đầu tư ở các khu vực Bình Triệu, Bình Lợi, Văn Thánh...

Đợt mưa lớn vừa rồi, theo ông Nguyễn Minh Giám, Trưởng phòng dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, là do ngay tại khu vực Nam Bộ đã xuất hiện một vùng áp thấp. Không chỉ ở TP.HCM có mưa cực lớn, mà nhiều địa phương lân cận cũng vậy, trong đó tại Bến Cát (Bình Dương) mưa to đến 123mm; Hậu Mỹ Bắc (huyện Cái Bè, Tiền Giang) là 115mm; Xuân Lộc (Đồng Nai) là 92mm. Đối với Nam Bộ, những trận mưa trên 50mm đã là rất to, trong khi chiều tối 11.10 vừa qua, rất nhiều nơi có lượng mưa đến 90mm. Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 10 ở hầu hết các nơi thuộc Nam Bộ nhiều khả năng cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%, trong đó có ít nhất 2 - 3 đợt mưa lớn trên diện rộng. Trong tháng 11, mưa sẽ hơi giảm trong nửa đầu tháng, và sẽ kết thúc vào 10 ngày cuối tháng 11. Lượng mưa trong tháng 11 và tháng 12 sẽ ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm.

Người dân đang trông chờ “phép màu” từ các dự án thoát nước có quy mô lớn ở khu vực nội thành. Hiện các dự án lớn này đang trong giai đoạn thi công và chuẩn bị thi công nên chưa mang lại hiệu quả gì. Dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè vẫn ngổn ngang, với tiến độ thi công “rùa bò”, chưa biết 2 năm nữa có xong toàn bộ dự án hay không. Dự án Cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ cũng phải 2 năm nữa mới hoàn thành, hiện đang thi công, ngăn đường, rào chắn khắp các con đường ở khu trung tâm thành phố.

M.V

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.