Khát vọng rồng bay

01/01/2010 00:47 GMT+7

Khi vua Lý Thái Tổ hạ chiếu dời đô từ Hoa Lư ra thành Đại La, ấy là vào tiết cuối xuân sang hạ năm Canh Tuất 1010. Bấy giờ chắc chắn gương mặt thành Đại La không như Thăng Long thành sau này, càng không như Hà Nội hôm nay. Vậy mà Lý Thái Tổ đã nhìn xuyên qua một vùng đất còn hoang hút ấy để thấy cái thế “rồng cuộn hổ ngồi” của vùng đất này, nơi vừa được thế đất thế nước, vừa là nơi hội tụ linh khí, xứng đáng là kinh đô của một nước Đại Việt độc lập.

Sự lựa chọn sáng suốt đến kinh ngạc ấy là món quà tổ tiên trao cho chúng ta qua đúng 1.000 năm. Trên thế giới bây giờ cũng không có nhiều “đương kim thủ đô” lại có 1.000 năm tuổi như Hà Nội. Đó là điều ta có thể tự hào, và tự hào chính đáng. Bởi làm sao tính hết trong 1.000 năm ấy, Thăng Long - Hà Nội đã trải qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, bao nhiêu lửa thiêu sóng dập gió vùi, bao lần quân xâm lược tràn vào đất đế đô, và bao lần người Thăng Long - Hà Nội đã mang cả cửa nhà của mình ra làm chiến lũy, mang chí khí bất khuất và hào hoa của mình ra đọ sức với quân thù mạnh hơn gấp nhiều lần. Để cuối cùng, Thăng Long vẫn Thăng Long thành, và Hà Nội vẫn là trái tim của tất cả mọi người Việt Nam dù họ ở đâu.

Tôi còn nhớ, cuối tháng 12.1972, khi đang ở chiến trường lộ Bốn Mỹ Tho, tôi đã bật khóc khi nghe tin B52 Mỹ ném bom Hà Nội. Đã có bao người lính khóc như tôi, khóc cùng tôi những đêm trên bầu trời Hà Nội diễn ra trận chiến ghê gớm ấy:

“Thành phố tôi xa cả ngàn ngày ngàn đêm

Mùi hoa sữa chừng nặng hơn nỗi nhớ 

Chừng nặng hơn giữa vùng bom tọa độ

Mùi hoa ấm nồng như một bàn tay

Đặt trên ngực tôi suốt tháng năm này”

Trong mỗi chúng ta, dù có người chưa một lần tới thủ đô, hay đã “Một lần tới thủ đô” như những người du kích từ chiến khu về Hà Nội trong một bút ký nổi tiếng của nhà văn Trần Đăng, thì Hà Nội vẫn mãi cư trú trong trái tim chúng ta. Có thể có những thủ đô đẹp đẽ tuyệt vời, những thủ đô lớn lao và hiện đại, nhưng khi ta đã có Hà Nội trong trái tim mình, thì đó chính là thủ đô kỳ lạ nhất: thủ đô của tình yêu thương.

Bây giờ, mỗi khi đọc những lời chê những cái chưa được, kể cả những cái xấu của Hà Nội, tôi vẫn biết đó là những lời chê xuất phát từ tình yêu, yêu đến cháy ruột, đến xót xa ! Tất cả chỉ vì muốn mọi điều tốt đẹp cho “Hà Nội của mình”, thế thôi. Nếu Hà Nội hôm nay biết dựa vào thế “rồng cuộn hổ ngồi” của một tình yêu sâu nặng và bền chặt mà cả dân tộc Việt Nam gửi vào để vươn lên, thì thủ đô chúng ta sẽ ngày càng “xanh sạch đẹp” hơn, bắt đầu từ trong chính ý thức trách nhiệm của người thủ đô, rồi tới trách nhiệm của mọi người trong cả nước đối với thủ đô.

Những “long mạch” hay “huyệt địa” của thủ đô Hà Nội cũng bắt đầu từ chính trong lòng người Hà Nội đấy! Mọi kẻ thù khi chạm vào những “linh huyệt” này, là đã chạm tới lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc hun đúc cả nghìn năm của người Hà Nội. Không phải tìm kiếm đâu xa, cứ nhìn sâu mãi vào lòng mình, vào tâm mình, ta sẽ thấy “long mạch”, miễn là tâm ta sáng, lòng ta ngay sạch. Và tình yêu của ta với Hà Nội, với đất nước là không gì đo đếm được.

Những thế hệ đang sống hôm nay để được đón giờ khắc của nghìn năm Thăng Long, là những thế hệ hạnh phúc hơn cha ông tổ tiên mình. Còn hình ảnh nào rưng rưng hơn những cô gái chàng trai 18 tuổi, sáng đầu năm 2010 này đi trên những đường phố của một thủ đô nghìn tuổi. Nghìn năm Thăng Long. Rồng bay lên từ khát vọng, từ tình yêu mỗi chúng ta. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.