Nhà giáo ưu tú - nghệ sĩ Mạnh Dung: Giang hồ từ thuở nằm nôi

14/11/2005 21:56 GMT+7

Khán giả xem phim thường thấy một ông già Nam Bộ thật đẹp lão, khi thì nhập vai ông Ba bắt rắn trong phim Đất phương Nam, khi lại là cha vợ của Bác Tôn trong Tổ quốc tiếng gà trưa, hoặc ông già người Chăm yêu cách mạng trong Những người con thành phố, ông Nam Sơn trong Bình minh châu thổ, sắp tới sẽ là ông già chống Tây trong Người Bình Xuyên...

Biết bao nhiêu phim nhưng khán giả ít ai ngờ ông là một người thầy hơn 20 năm đứng trên bục giảng của trường sân khấu, đặc biệt lại là một "người Bắc" chính hiệu nhưng từng làm kép chánh cải lương suốt mấy chục năm! Quả thật, "lão tiền bối" này nội lực thâm hậu, "môn phái" nào cũng chơi được! Lão tiền bối thường cười khà khà, rung cả bộ râu bạc cực kỳ... ăn ảnh!

 

 

Giang hồ từ thuở nằm nôi

 

Lão nghệ sĩ Mạnh Dung có một quãng đời khá giống nhà ảo thuật Mạc Can của đất phương Nam. Ấy là khai sinh hổng biết ghi quê quán... ở đâu! Nếu Mạc Can được sinh ra trên một chiếc ghe bầu trôi theo sông nước, bến nào cũng là quê, là nhà thì Mạnh Dung được sinh ra trên một toa xe lửa, cũng trôi dọc dải đất Việt Nam hình chữ S, ga nào cũng gọi là quê. Cha ông là nhân viên xe lửa, dẫn vợ con theo, tới ga Khánh Hòa đẻ một đứa thì đặt tên Khánh, tới ga Vinh đẻ một đứa thì đặt tên Vinh, nhưng gọi trại ra là Dung. Từ năm 1940 cho tới 1952, cậu bé Dung đón mười mấy mùa xuân trên chuyến tàu lang bạt kỳ hồ. Đó vừa là nhà, vừa là trường học của cậu, vừa là căn cứ kháng chiến của cha tham gia chống Pháp. Năm 1952, Mạnh Dung mới được về Hà Nội "định cư", và 1954 giải phóng thủ đô, bắt đầu mở ra một con đường nghệ thuật mà ông theo đuổi cho đến tận bây giờ.

 

“Dòng dõi” cách tân

 

Cái duyên cải lương đến thật tự nhiên cứ như trời định. Được về Hà Nội, Mạnh Dung mê ngay những đêm hát cải lương, tối nào cũng chờ xả dàn vô coi màn chót. Hà Nội hồi ấy cải lương rộn ràng không thể tả. Bà bầu Kim Chung lập đoàn Chuông Vàng thuộc hàng "đại bang", sau này vô Nam bà mới đổi tên thành Công ty Kim Chung. Còn các tỉnh thì nơi nào cũng có đoàn, kéo về Hà Nội hát suốt. Mạnh Dung coi tất tần tật cả "đại bang" lẫn đoàn tỉnh lẻ, riết thuộc luôn bài ca, nét diễn. Và năm 1957, ông xin vào học ở Chuông Vàng. Đến năm 1959 mới thành lập Trường Sân khấu Việt Nam, và Mạnh Dung chuyển sang học chính thức. Những bậc thầy nổi tiếng của miền Nam ra tập kết đã đào tạo nên những thế hệ nghệ sĩ cải lương tài danh phía Bắc, đó là thầy Tám Danh, Ba Du, Ngọc Bạch, Chi Lăng, Thanh Hương... Cho nên, ra trường Mạnh Dung và Thanh Dậu (vợ ông) đều trở thành đào kép chánh của đoàn Chuông Vàng. Hơn thế nữa, lớp nghệ sĩ của ông được nhóm của thầy Tám Danh cho thể nghiệm một dòng cải lương mới, cách tân cho hợp với tiết tấu của thời đại.

 

Năm 1969, Mạnh Dung lại làm một cuộc cách tân nữa với chính mình. Ông về đoàn cải lương Nam Bộ, một "đại bang" nổi tiếng của Nhà nước. Ở đây, dứt khoát không nói giọng Bắc, thế là Mạnh Dung phải tập tiếng Nam muốn... trẹo lưỡi. Ông cười: "Ý trời, y như học ngoại ngữ vậy. Nhưng tôi lại thích lao mình vào thử thách vì cải lương thì phải thuần phong cách Nam Bộ như thế". Nhờ vậy, sau năm 1975, ông lưu diễn suốt các tỉnh phía Nam. Rồi ông trở về Bắc tham gia xây dựng Nhà hát Cải lương T.Ư, học đạo diễn, lại quay vô Sài Gòn bắt đầu cái nghiệp làm "thầy", gắn luôn với nghiệp cải lương mà ông trót đeo mang.

 

Nỗi niềm phấn trắng

 

Mấy năm trước, tôi thường đến tham quan những buổi lên lớp của thầy Mạnh Dung. Ông vừa làm chủ nhiệm vừa dạy môn Kỹ thuật biểu diễn. Ông không hề già yếu, chậm rãi như mấy nhân vật trong phim, mà nhanh nhẹn, khỏe mạnh, thậm chí rất... mô-đen! Ông "dợt" tụi nhỏ ra trò, "dợt chừng nào tụi bây làm được mới nghe"! Ông dạy từng ly từng tí, hò hét khản cổ trên sàn tập ồn ào và chỉnh liền những biểu hiện kém đạo đức trong lớp trẻ. Ông thở dài: "Dạy học như đãi cát tìm vàng! Có em mê nghề nhưng không năng khiếu. Có em năng khiếu nhưng không chịu rèn luyện hết mình và tu dưỡng đạo đức. Tiêu chí của tôi là cân bằng giữa đức và tài. Nếu không ý thức được thiên chức nghệ sĩ cao quý thì sẽ mau thui chột tài năng. Tôi khuyên các em phải tôn trọng khán giả, kính trên nhường dưới với đồng nghiệp, rèn luyện trong ứng xử, hành vi... Rốt cuộc, những đứa tôi la mắng nhiều nhất sau này ra đời lại quay về thăm tôi nhiều nhất". Hỏi về những đóa hồng trong ngày nhà giáo, ông mỉm cười: "Đời sống mỗi thời mỗi khác, phải chấp nhận thôi. Nhưng tôi vẫn vui khi nhìn thấy học trò sống đượåc bằng nghề chứ học xong rồi lang thang thì buồn lắm! Cho nên, ngay từ trong trường tôi đã bảo các em viết tiểu phẩm để nếu ra trường không có đoàn hát thì sẽ làm sân khấu quần chúng, cổ động. Quả thật, nhiều em đã về các nhà văn hóa quận, huyện coi như không uổng công thầy trò vất vả mấy năm trời".

Và chính cái nghiệp "phấn trắng" cũng làm ông phải cân nhắc khi nhận vai đóng phim. Là gương mặt khá ăn ảnh, ông được mời liên tục nhưng phim nào làm cẩu thả hoặc sinh hoạt bê bối bị phản ánh là ông dứt khoát rút lui. "Thầy cô không làm gương thì khó dạy học trò lắm. Làm nghệ sĩ thì làm, nhưng rốt cuộc cũng không được quên mình là nhà giáo".

 

Chuyện vui điện ảnh

 

Lão tiền bối quả là "người của điện ảnh" vì rất giàu cảm xúc. Chỉ ngồi kể lại một phân đoạn quay trong rừng Sác, khi ông già ôm đứa con gái bị giặc giết chết mà Mạnh Dung đã chảy nước mắt. Thảo nào, đạo diễn chỉ cho quay một lần là xong. Mà rừng Sác thường xuyên âm u, chờ được chút nắng muốn dài cổ, nếu quay không đạt nghĩa là phải chờ tiếp tục. Lão tiền bối làm đạo diễn khoái quá chừng!

 

Đạo diễn phim Đội bóng ước mơ còn khoái hơn nữa khi ông già Mạnh Dung chịu chơi tập patin để vào vai ngọt xớt. Sáng sáng, Mạnh Dung mặc quần soọc, vác đôi giày ra sân Tao Đàn "lướt sóng" cùng tụi con nít, té oành oạch. Một cặp vợ chồng đi ngang, hứ: "Đồ cha già... mắc dịch!". Lão tiền bối giận tím mặt: "Nói gì dzậy?". Bà vợ liếc xéo một cái, hổng thèm trả lời. Nhưng nhìn kỹ lại... thấy quen quen. Bà Thanh Dậu vợ ông phải chạy tới giải thích: "Ổng sắp đóng phim đó mà!". Khán giả liền cười rối rít.

 

Vậy đó, mà bây giờ Mạnh Dung đang được trường phân công dạy môn Kỹ thuật biểu diễn cho lớp điện ảnh. Vốn nghề, vốn sống có thừa. Và 65 tuổi, ông vẫn khỏe re "chiến đấu". Bao nhiêu người béo ù, bụng phệ còn ông vẫn mình hạc xương mai, quả là "của hiếm" cho các đạo diễn "săn" người!

 

Hoàng Kim

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.