Hạn chế đăng ký xe gắn máy là trái luật

21/10/2005 23:36 GMT+7

Báo cáo giám sát về ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) vừa qua đã nêu rõ, Thông tư số 02/2003/TT-BCA ban hành ngày 13/1/2003 hướng dẫn về tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông có quy định về hạn chế một người chỉ được đăng ký một xe gắn máy là trái với quy định của Bộ luật Dân sự (điều 221 quy định tài sản hợp pháp của cá nhân được đăng ký không hạn chế về số lượng và giá trị). Báo Thanh Niên ghi nhận ý kiến của một số đại biểu QH về vấn đề này...

Đại biểu Lê Quang Bình, Trưởng ban Dân nguyện của QH: "Bộ Công an nên hủy bỏ quy định trái luật đó"

Theo tôi, quy định như Thông tư hướng dẫn của Bộ Công an là một người dân chỉ được đăng ký, sở hữu một xe gắn máy là trái với quy định của Bộ luật Dân sự về quyền sở hữu, đăng ký tài sản của công dân. Cái này thì Ủy ban Thường vụ QH trong một báo cáo trước QH cũng đã nêu lên rồi. Văn bản của cấp dưới thì phải phục tùng, hướng dẫn theo đúng quy định trong văn bản của cấp trên - ở đây là Bộ luật Dân sự mà QH đã ban hành. Trên thực tế, người dân vẫn tìm mọi cách có xe máy để đi. Như ở Hà Nội, rất nhiều người ở nội thành nhờ người thân, quen ở ngoại thành đứng tên đăng ký hộ xe máy, thậm chí phát sinh cả dịch vụ mua, bán đăng ký xe máy. Như thế thì Bộ Công an có quy định cũng không có tác dụng gì. Cũng không ai có thể đi một lúc 2 - 3 xe máy ra đường được. Ban Dân nguyện chúng tôi qua nhiều kỳ họp cũng đã nhận được nhiều kiến nghị của cử tri về việc bỏ quy định này và có nhiều phản ánh khác về rắc rối thủ tục, tiêu cực trong việc đăng ký xe gắn máy, xe ô tô. Theo tôi, Bộ Công an nên nghiên cứu hủy bỏ quy định ấy. Còn nghiên cứu biện pháp khác giảm tải lượng xe máy vào nội thành, trên thế giới, có những nước như Trung Quốc, cũng giống ta, nhiều tỉnh, thành phố của họ như Thượng Hải, Quảng Đông, Thẩm Quyến... trước cũng đầy xe máy, xe đạp như ta nhưng có các giải pháp như xe buýt, tàu điện ngầm giá rẻ nên giải quyết được nạn ùn tắc giao thông và nay cũng ít người sử dụng xe máy, xe đạp. Tôi cũng ủng hộ việc giảm tải phương tiện cá nhân đi vào thành phố, nhất là giờ cao điểm nhưng giải pháp như của Bộ Công an thì không khả thi. Không nên vì khó trong quản lý của mình mà đẩy khó khăn, cái bất thuận lợi cho dân.

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc, nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp: "Không có hiệu lực mà còn gây thêm phiền nhiễu"

Tôi cho rằng không nên có quy định này. Quy định như vậy là rất không hợp lý và không chặt chẽ. Việc mua xe và sử dụng xe là quyền của tôi, ai cấm được. Chính vì thế, người ngoại thành cho người nội thành "mượn tên" đăng ký xe nên số lượng xe máy đăng ký không giảm mà vẫn cứ tăng đều. Nhiều khi chúng ta đưa ra những quy định để ngăn chặn một việc này nhưng lại không ngờ được rằng quy định vẫn có sơ hở và người ta đã lợi dụng sơ hở đó nên quy định thành ra không có hiệu lực mà còn gây phiền nhiễu cho người dân. Theo tôi thì không cần thiết bởi bản thân một quy định như vậy không giải quyết được vấn đề gì cả. Tôi cho rằng nên bỏ quy định này bởi nó lại tạo thêm những vấn đề cho cơ quan nhà nước.

Hà Nội trước đây vốn là một thành phố xe đạp, chưa gặp vấn đề gì lớn về giao thông. Nhưng khi kinh tế bắt đầu phát triển, xe máy nhiều lên thì có chuyện. Lẽ ra, ban đầu phải dự báo được những vấn đề phát sinh để có biện pháp đề phòng thì chúng ta lại quá dễ dãi. Ngay từ đầu chúng ta đâu có "vạch ngang, vạch dòng" (phân đường cho xe chạy) như bây giờ mà ai thích đi thế nào thì đi. Chúng ta đã để người dân đi thành nếp quen rồi nên rất khó sửa. Nhiều người đi xe máy ngoài đường khi chưa được học các kỹ năng cần thiết để lái xe, chưa học các quy định về giao thông... và hậu quả là phần lớn các tai nạn giao thông xảy ra do đi đường không đúng luật.

Thực ra thì vấn đề này nước nào cũng gặp phải. Nhật Bản trước đây cũng giống như VN và phải mất 10 năm thì các hoạt động mới đi vào quy củ. Tại VN, nếu chúng ta thực hiện nghiêm các quy định thì tình hình sẽ khác. Tuy nhiên, cũng phải nhìn thấy trước một điều là các vấn đề về ô tô đang sắp phát sinh. Nếu như mọi người cứ lên ô tô mà không thắt dây an toàn và không bị phạt thì sau này ai cũng vậy. Khi cái sai đã trở thành một cái sai tập thể và có tính cộng đồng thì đó là một bài toán đố rất khó cho xã hội. Những vấn đề của ô tô có thể lặp lại vết xe đổ của xe máy nếu như việc xử lý không nghiêm.

Mạnh Quân - Hoàng Ly (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.