Vụ án nô lệ chấn động nước Mỹ

19/12/2007 23:34 GMT+7

Ngày 18.12.2007, dân Mỹ kỷ niệm 142 năm ngày Tu chính án 13 về bãi bỏ chế độ nô lệ có hiệu lực (từ 18.12.1865). Cũng trong ngày 18.12.2007, một tòa án ở New York đã kết tội hai vợ chồng triệu phú đối xử tàn bạo với người giúp việc.

Sự kiện này được dân Mỹ gọi là vụ án nô lệ thời nay (Modern-day Slavery). Bồi thẩm đoàn trong phiên xử ngày 17.12 cáo giác hai vợ chồng này đã giam giữ, hành hạ hai người giúp việc trong nhà với 12 tội danh, trong đó có các tội như: cưỡng bức lao động, đồng lõa, áp bức, chứa chấp người nước ngoài. Ngay sau khi công bố tội danh, một người con gái của hai bị cáo đang ngồi trên dãy ghế hàng đầu đã quỵ xuống ngất xỉu và người mẹ (là bị cáo) cũng quỵ xuống nên chủ tọa phiên tòa cho ngưng phiên xử để đưa họ đi cấp cứu. Phiên xử tiếp tục vào ngày thứ ba 18.12 mà cứ mỗi lần xướng một tội danh thì các thành viên trong bồi thẩm đoàn đều nhất trí buộc tội vợ chồng triệu phú.

Những đòn hành hạ dã man

Hai bị cáo, chồng là Mahender Sabhnani, 51 tuổi, gốc Ấn Độ, và vợ là Varsha Sabhnani 46 tuổi, người gốc Indonesia, đều đã nhập quốc tịch Mỹ. Họ có 4 con và đang điều hành một cơ ngơi buôn bán nước hoa trên toàn thế giới. Gia đình này sống rất vương giả nhưng lại đối xử rất tồi tệ với hai phụ nữ giúp việc trong nhà tên là Samirah và Enung, từ Indonesia đến. Họ ăn không đủ no, điều kiện sinh hoạt tệ hại như phải ngủ trên thảm lau chân ở nhà bếp, không có tiền sinh hoạt phí mà chỉ được trả công mỗi tháng 100 USD/người, trong khi phải làm việc mỗi ngày từ 18 giờ trở lên. Khoản tiền này được chuyển thẳng về Indonesia để giúp thân nhân nên họ không còn đồng xu nào trong túi để tính toán chuyện gì khác. Samirah kể cô bị bỏ đói thường xuyên và buộc phải moi thùng rác kiếm thức ăn thừa. Cô kể lại: "Tôi thường phải dậy từ 4 giờ sáng, làm mọi công việc và nấu nướng cho bà chủ. Tôi chỉ được ăn 2 lát bánh mì vào buổi trưa. Nếu ta thán thì sẽ bị bà chủ tạt nước sôi đến phỏng da".

Samirah và Enung bị ngược đãi thường xuyên như bị đánh bằng chổi, bằng cán dù, bị phạt bò leo lên cầu thang, phạt tắm vòi nước lạnh như đá vào lúc trời lạnh giá vì tội ngủ dậy trễ hoặc lấy trộm thức ăn... Có những hình phạt giống tra tấn, như bị dùng dao rạch da, và kết quả là thân thể họ đầy vết sẹo, có cả một vết cắt chưa lành trên vành tai của Samirah. Theo lời làm chứng của Enung, có lần Samirah bị bà chủ Varsha bắt cởi trần rồi ra lệnh lấy keo dán dán khắp người Samirah và bắt Enung lột ra. Trước tòa, Enung kể lại trong nước mắt: "Khi tôi lột lớp keo dán, cô ấy đã la thét lên".

Những hình thức ngược đãi như thế chỉ chấm dứt vào tháng 5.2007 khi Samirah bỏ trốn nhân Ngày của Mẹ (Mother's Day) rồi tố cáo những hành vi của vợ chồng Varsha. Nhân viên công lực sau đó đã tìm thấy Enung ngồi co ro trong góc tủ dưới tầng hầm trong tòa dinh thự trị giá 2 triệu USD của chủ nhân.

Mức án có thể đến 40 năm tù

Trong thời gian thẩm tra kéo dài 6 tuần lễ, Samirah đã kể lại những lần mình bị "tra tấn", trong đó có một lần - theo lời Samirah - cô bị buộc ăn hàng chục trái ớt cay. Cô chịu không nổi nên ói ra hết nhưng liền bị buộc phải ăn lại tất cả các thứ mà cô vừa ói ra. Các công tố viên đã gọi vụ án này là nô lệ thời nay. Công tố viên Lesko nói: "Sự việc không phải xảy ra vào những năm 1800, mà là ở thế kỷ 21, ngay tại New York này".

Phía công tố đã buộc tội hai vợ chồng: Sau khi mướn được hai phụ nữ từ Indonesia đến Mỹ làm việc ở nhà tại Muttontown, Long Island, hai bị cáo đã khai thác nạn nhân bằng cách đánh đập, đe dọa và nhiều cách thức khác để giữ họ lại và buộc phải phục vụ nhiều năm. Hai phụ nữ giúp việc đã bị hành hạ trên 5 năm mà một trong các phương cách "cột chân" người giúp việc của vợ chồng Varsha là giữ hộ chiếu cùng các giấy tờ tùy thân của Samirah và Enung.

Nhân viên điều tra cũng tìm được một tấm ảnh chụp Samirah đang uống sữa - đó là tấm ảnh mà chủ nhân Mahender bắt Samirah "đóng phim" cho ông ta chụp hình lại sau khi phát giác cô đang uống trộm sữa. Bức hình này ông Mahender giữ để buộc Samirah không chống đối vì nếu không, ông sẽ gửi về cho các con của Samirah ở Indonesia và cho chúng biết là mẹ chúng phạm tội ăn trộm.

Hai vợ chồng triệu phú đã bị giam trong tù gần 3 tháng cho đến khi một thẩm phán chấp thuận khoản tiền bảo lãnh lên đến 4,5 triệu USD. Họ còn phải trả thêm 10.000 USD/ngày về khoản chi phí canh gác an ninh 24/24, bảo đảm không "trốn" khi đang bị quản thúc tại gia. Bồi thẩm đoàn ngày 18.12 cũng đã bỏ phiếu nhất trí "sung công" tòa nhà của hai vợ chồng này ở Muttontown vì là nơi dùng để thực hiện hành vi phạm pháp.

Theo các chuyên gia pháp luật, tòa sẽ xử phạt nghiêm minh để làm gương. Mức án cao nhất có thể là 40 năm tù giam. Tuy nhiên, phía các luật sư bào chữa thì biện minh rằng "hai nguyên cáo đã đóng kịch" rất đạt. Họ cho rằng hai người giúp việc có thể trốn thoát dễ dàng vì ông bà chủ thường đi nghỉ mát. Theo các luật sư, những vết thẹo trên người là do 2 người "tự hành xác mình" theo cách thức mà người Indonesia thường làm và sở dĩ có vụ kiện là vì Samirah và Enung làm rùm lên để được ở lại Mỹ, được "thoát kiếp" và tìm kiếm công việc khác có mức thu nhập cao hơn nhiều.

Tuyết Linh
(từ California, Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.