Đám cưới tập thể lớn nhất Hà Nội

09/12/2004 14:47 GMT+7

Khi được hỏi về đám cưới tập thể sẽ diễn ra trong tuần lễ Hội chợ cưới Việt Nam tại Triển lãm Giảng Võ vào tháng 12/2004, đạo diễn Phạm Việt Thanh đọc ngay mấy câu ca dao: "Cây tre xanh không bao giờ gãy ngọn - Giờ phút này kén chọn làm chi - Mình ơi cứ lấy ta đi - Bao giờ ta đẻ mình về với con".

"Chắc chắn đây sẽ là một lễ hội cưới mang đậm nét dân gian trong đám cưới truyền thống Việt, nhưng cũng không thiếu những nét hiện đại của đời sống những đôi uyên ương trẻ hôm nay" - Phạm Việt Thanh nói. "Một đám cưới không quá nặng về phần "lễ" mà chúng tôi quan tâm nhiều đến phần "hội". Một trăm đám cưới mà diễn ra đơn lẻ thì sẽ là một trăm niềm vui, nhưng nếu được tổ chức thành một đám cưới tập thể thì có thể nhân lên hàng chục ngàn niềm vui. Bởi khi đó, nó đã trở thành một sự kiện văn hóa được nhiều người chờ đón".

Lễ hội cưới này là ý tưởng của Báo Thời trang trẻ. Phạm Việt Thanh và Tất My Long được mời làm kịch bản chi tiết và đạo diễn cho lễ hội. Dự định ban đầu - một lễ rước dâu rình rang từ Nhà hát lớn Hà Nội bằng xe đạp vòng quanh phố cổ, sau đó 100 cặp lên xe hoa đi về triển lãm Giảng Võ - không được thực hiện vì rất có thể gây... tắc nghẽn giao thông trên diện rộng. Nhưng không vì thế mà lễ hội kém thú vị. Thay vào đó, hai đạo diễn đã xây dựng một kịch bản ấn tượng cho lễ thành hôn tại Triển lãm Giảng Võ.

Hơn 100 diễn viên của các nhà hát kịch được huy động trong màn hoạt cảnh tái hiện 3 kiểu đám cưới đặc trưng trong tưởng tượng, trí nhớ của người Việt. Đám cưới truyền thống của các làng quê đồng bằng châu thổ sông Hồng với áo the khăn xếp, áo mớ ba mớ bảy, với mâm lễ hồng điều và những đứa trẻ chăng dây xin tiền, những bài hát đồng dao vui nhộn kiểu Cô dâu chú rể, đội rế lên đầu, đi qua đầu cầu, đánh rơi nải chuối... Rồi đám cưới của thời kỳ chiến tranh khó khăn gian khổ, giản dị mà không kém phần hạnh phúc với khẩu hiệu Vui duyên mới không quên nhiệm vụ; với lễ rước dâu ban đêm để tránh bom đạn, chú rể trong bộ quân phục sắp ra chiến trường, cô dâu ở lại hậu phương với áo trắng, quần đen, cặp ba lá... cùng những món quà cưới như chậu men, nồi nhôm, đôi gối trắng thêu chim hòa bình; những bài hát như Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, Chào em cô gái Lam Hồng... Phần cuối sẽ là một đám cưới sau ngày giải phóng, với áo dài hoa đủ các màu, một đoàn phù dâu, phù rể... Và hôn lễ tổ chức cho 100 cặp uyên ương ngày hôm nay sẽ là sự nối tiếp của hoạt cảnh, là kiểu đám cưới của cuộc sống hiện đại.

Một số kỷ lục cũng sẽ được lập trong lễ hội này như sẽ có một chai bia đường kính 0,9m, cao 3,2m; một bánh cưới Kinh Đô, đúng hơn là một tòa lâu đài bằng bánh với chiều cao 3m, đủ dùng cho 6.000 người tham gia lễ hội. Trong ngôi nhà, từng đôi uyên ương sẽ đi lên mặt trên của bánh theo đường cầu thang và thực hiện nghi thức cắt bánh cưới long trọng. 

Điều mà đạo diễn rất hài lòng là đám cưới tập thể được sự hỗ trợ rất lớn về quà tặng và trang phục, trang điểm, thức uống của các đơn vị. Công ty Cidc tài trợ gần 5.000 cây nến các loại, Dalat Hasfarm cung cấp toàn bộ hoa, khách sạn Sheraton Hà Nội mời 100 cặp uyên ương nghỉ tại khách sạn miễn phí trong đêm tân hôn...

Đến nay, 80 đôi uyên ương của Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, Nam Định, Đắk Lắk... đã đăng ký tham dự. Một điều đầy ý nghĩa là sẽ có sự tham gia của những đôi uyên ương khuyết tật, hoặc sau cai nghiện. Một số đôi nghèo khó còn được ban tổ chức hỗ trợ đi lại, ăn ở... Ban tổ chức cũng mời một đôi vợ chồng bách niên giai lão ở Nha Trang "suốt gần 50 năm nay chưa hề nặng lời với nhau một lần nào" (theo lời Phạm Việt Thanh) tham dự lễ hội, chúc phúc các đôi uyên ương. 100 đôi cũng sẽ có một bài hát tập thể và một trò chơi vui nhộn: các chú rể bị bịt mắt để tự đi tìm cô dâu của mình giữa rất nhiều cô dâu khác...

Phạm Ngọc

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.