Một thế giới bí ẩn đã khép lại

25/10/2009 23:00 GMT+7

Giáo sư - Nhà giáo nhân dân Lê Đình Kỵ vừa nhắm mắt ra đi sau một cuộc đời dài sáng tạo. Vài hôm nữa, hàng ngàn đồng nghiệp và học trò sẽ tiễn đưa thầy về cõi vô cùng.

Sinh thời, thầy Lê Đình Kỵ không phải là con người của đám đông. Trong giảng đường, đối diện với những mái đầu xanh chăm chú lắng nghe hay những đôi mắt non tơ thả hồn ra ngoài cửa sổ, đôi khi thầy như người độc thoại. Lúc ấy, có cảm giác như thầy mải chìm vào thế giới của riêng mình. Thế giới của thơ ca. Thế giới của chữ nghĩa. Thế giới của những tác phẩm lắng sâu và tinh tế, lấp lánh chất suy tưởng và cảm xúc tài hoa.

Không gian mà thầy là diễn giả thường tĩnh lặng. Giọng Quảng Nam, pha chút âm sắc miền Bắc, dáng điệu bình dị, diễn giả Lê Đình Kỵ chỉ tựa vào ý tưởng. Những SV thực sự yêu văn chương và sẵn sàng lột bỏ những lớp vỏ phù phiếm bên ngoài để chạm vào tinh chất, lắng nghe thầy, ngưỡng mộ. Những giờ học với thầy có thể đánh thức nơi họ một khát vọng, gieo vào họ một ước muốn, một dự định. Ngược lại, những SV chờ đợi một không gian sôi nổi, mang nhiều chất biểu diễn hay kỹ thuật, có thể sẽ thất vọng.

Đôi mắt thường xa vắng, khóe môi rõ nét, khi thầy nói, cái sắc sảo, chất “nổi loạn” ngầm, sự bất chấp lề thói, khuôn phép hiện ra. Nồng nhiệt và đắm say trên chữ nghĩa, chất lửa ấy truyền vào văn mà không truyền được vào lời. Trên bục giảng, giáo sư Lê Đình Kỵ không chủ động trong việc nối kết với học trò của mình. Cứ để mọi cái tự nhiên, thầy thả lời theo gió...

Văn chương Việt, Pháp và Nga hòa trộn vào nhau đã làm nên cái cảm thức tinh tế nơi giáo sư Lê Đình Kỵ. Cá tính hướng nội giúp thầy tập trung nhiều vào chuyên môn, và tìm cách tự đào luyện để mở cho mình những cánh cửa đi ra thế giới. Trên kệ sách của thầy có rất nhiều tài liệu tiếng Pháp và tiếng Nga. Thầy đọc nhiều sách và tạp chí nước ngoài, nhất là khi đất nước thống nhất. Những cuốn sách quý của thầy thường cũ kỹ, nhàu nhò, ghi chi chít những dòng chữ nhỏ, nghiêng nghiêng. Có lẽ khi ngồi với chúng, thầy thoát được tất cả: cái bề bộn tù túng của gian phòng mình ở, cái ồn ào xô bồ của phố xá, cái bèo bọt của đời sống văn chương hiện tại, cái bất trắc của thời cuộc...

Và giáo sư Lê Đình Kỵ cũng đi tìm cái đẹp giữa thiên nhiên. Ngày xuân, thầy tha thẩn bên hoa lá thắm tươi trong vườn Tao Đàn, một mình, ngẫm ngợi. Ngày hè, ra biển cùng đồng nghiệp, học trò, thầy bị hút vào làn nước xanh thẳm của đại dương và bơi mải miết quên đến giờ quay vào bờ, làm mọi người hoảng hốt. Khi ấy, tưởng chừng Lê Đình Kỵ không phải là cụ ông 70, mà là chàng trai 20 tuổi. Khi ấy, thầy như được thả mình lại vào dòng sông quê và sống lại những khát vọng vượt thoát mãnh liệt, âm ỉ của mình.

Giáo sư Lê Đình Kỵ rời Quảng Nam từ sớm, nhưng mảnh đất quê hương ấy ngấm vào thầy những thói quen cảm động. Có ngày, thầy ra chợ, chọn mua con cá ngừ thật tươi để về lấy bộ lòng làm món mắm ruột, ăn ghém với rau sống. Một lần được xuôi thuyền theo Thu Bồn từ Cửa Đại lên Hòn Kẽm Đá Dừng với nhiều danh sĩ đất Quảng khác, trong khi mọi người chuyện trò sôi nổi, thì Lê Đình Kỵ lặng lẽ như đắm mình vào một cõi riêng nào đó.

Cuối đời, già yếu, lão suy, thầy được yêu thương và chăm sóc nhiều trong tình cảm ấm áp của vợ con mình. Hè năm nay, tôi đến thăm thầy ở Bệnh viện Thống Nhất. Thầy nằm im lìm, nhợt nhạt, hai tay nắm chặt, chìm trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê. Khi tôi nắm lấy tay thầy, thầy buông nhẹ, một tí thôi, rồi lại nắm chặt hai tay mình và đặt lên trên bụng như cũ.

Một thế giới bí ẩn đã khép lại. Biết bao thương tiếc và xót xa.

Người cần mẫn trên cánh đồng văn chương

Giáo sư Lê Đình Kỵ suốt đời gắn bó với sự nghiệp dạy học, đó là cái duyên và cũng là cái nghiệp như thầy từng tâm sự. Cách mạng Tháng Tám thành công, anh chủ tịch xã “trí thức” đã đi dạy bình dân học vụ, xóa nạn mù chữ và bắt đầu thích nghề giáo vì đây là nhiệm vụ cách mạng, vì thấy những kiến thức của mình đã mang lại ích lợi thiết thực cho người dân.

Sau khi xuất ngũ, trong những năm 1952 - 1954, thầy dạy học ở trường Lê Khiết, một ngôi trường nổi tiếng ở Liên khu 5 thời chống Pháp. Sau 1954, thầy tập kết ra Bắc, tiếp tục công việc của một người thầy giáo ở trường cấp 3 Nguyễn Trãi (Hà Nội), rồi xung phong đi dạy học ở trường Lương Ngọc Quyến (Thái Nguyên). Từ 1958, thầy được chuyển sang dạy ở khoa Ngữ văn, trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khi đất nước thống nhất, thầy là người giảng những bài lý luận văn học Mác-xít đầu tiên cho SV các trường đại học ở Sài Gòn. Đến năm 1980, thầy chuyển hẳn về làm việc ở khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp TP.HCM (nay là trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn) cho đến lúc nghỉ hưu. Năm 1984, thầy được phong hàm giáo sư mà không qua giai đoạn phó giáo sư. Năm 1988, thầy được trao tặng danh hiệu Nhà giáo nhân dân mà không qua giai đoạn Nhà giáo ưu tú. Năm 1995, thầy được trao Huân chương Lao động hạng nhất.

Giáo sư Lê Đình Kỵ còn là một cây bút phê bình sâu sắc, tinh tế, đặc biệt là trong phê bình thơ. Thầy đã có nhiều bài viết kịp thời về các sáng tác mới của Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nguyễn Khoa Điềm, Bằng Việt, Lưu Quang Vũ, Phạm Tiến Duật... Những bài phê bình này đã được tập hợp trong các sách Đường vào thơ (NXB Văn học - 1969), Trên đường văn học (2 tập, NXB Văn học - 1995) và Phê bình nghiên cứu văn học (NXB Giáo dục - 1998).

Với 16 công trình nghiên cứu bao gồm gần 5.000 trang sách, chưa kể hàng trăm bài viết đã in trên các báo, các tạp chí ở Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác, thầy Lê Đình Kỵ như một lực điền cần mẫn cày ải trên cánh đồng văn chương. Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật năm 2001 được trao cho thầy chính là sự công nhận cao nhất cho một đời lao động sáng tạo không mệt mỏi ấy.

TS Võ Văn Nhơn

Nguyễn Thị Thanh Xuân
(Viết từ Seoul, Hàn Quốc)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.