Làm lại cuộc đời: Đổi đời bên ao tôm

14/04/2014 03:15 GMT+7

Cuộc tranh chấp trên ao tôm mấy năm trước đã khiến anh Trần Văn Ngay (H.Nhà Bè, TP.HCM) trả giá bằng mấy năm tù. Nhưng, anh Ngay giờ đã khác xưa!

 >> Làm lại cuộc đời: Đại ca rẽ lối
 >> Làm lại cuộc đời: Động lực từ sự chân tình của mọi người
 >> Làm lại cuộc đời: Kiên “què” lấy được vợ

 Anh Trần Văn Ngay tìm lại niềm vui bên những ao tôm - Ảnh: Như Lịch
Anh Trần Văn Ngay tìm lại niềm vui bên những ao tôm - Ảnh: Như Lịch

“Hồi đó khác, giờ nó khác”

Sau nhiều lần hẹn, thậm chí đến tận nhà nhưng vẫn bị “hụt”, cuối cùng chúng tôi cũng gặp được anh Trần Văn Ngay (31 tuổi, ngụ ở ấp 4, xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè). Vượt qua cảm giác ngại ngần ban đầu, anh Ngay chia sẻ: “Trước đây, mình và một người dân ở đây tranh chấp ranh giới ao nuôi tôm cá. Hai bên xảy ra xô xát, mình gây thương tích cho người ta, hình như là ba mươi mấy phần trăm. Vụ này khiến mình phải chịu 24 tháng tù trong trại giam ở tỉnh Tây Ninh, đến năm 2009 thì mãn hạn. Đương nhiên cảm giác tự do rất sung sướng, được về với vợ con, cha mẹ, mừng lắm!”.

Ngẫm lại kỷ niệm không vui này, anh Ngay tâm sự: “Mình tự nhủ, mình có gia đình, có vợ con, cha mẹ, mình muốn vươn lên chứ không muốn để lầm lỗi như lúc đầu đã gây ra. Nếu chuyện kia bây giờ mới xảy ra, mình sẽ xử lý cách khác chứ đâu để bước vô con đường đó nữa. Mình phải kiềm chế hơn, bớt nóng giận hơn. Hồi đó khác, giờ nó khác. Ngày trước, mình suy nghĩ như thế nào thì mình làm như thế đó. Còn bây giờ, mình sẽ suy nghĩ nhiều hơn để có thể giải quyết êm đẹp hơn”.

Khác với tâm trạng ban đầu của không ít phạm nhân khi mới bước chân trở về cộng đồng, anh Ngay cho rằng anh không quá mang nặng mặc cảm và sự dè dặt. Anh tin vào sự cố gắng của bản thân để không tái phạm và sống tốt hơn mỗi ngày. Thêm nữa, theo anh Ngay, chính sự động viên của người thân đã tiếp thêm sức mạnh giúp anh vững chãi vượt qua đoạn đường đời gập ghềnh đó. “Những người đã tác động tới mình nhiều nhất là mẹ và vợ. Đặc biệt, mẹ khuyên rất nhiều, khóc rất nhiều. Mẹ khóc từ lúc mình bước chân đi tới cái ngày mình bước chân về. Đúng là tình thương của cha mẹ cao cả lắm!”, anh Ngay thổ lộ.

Đi lên từ… ao nhà

Anh Ngay cho biết khi mới tốt nghiệp THPT, anh không biết chọn lối đi nào phù hợp để vào đời. Từng mơ ước thi vào Trường ĐH Nông Lâm, nhưng tự thấy mình không đủ sức nên đã rút lui. Tiếp đó, anh đăng ký học tại một trung tâm dạy nghề được 2 năm, rồi cũng đứt đoạn… “Sau một thời gian, mình nhận ra nuôi tôm vốn 1 lời 2 nên thấy ham, từ đó thích luôn nghề này. Thời ấy, cuộc sống nhà mình còn khó khăn lắm, khiến mình luôn tự nhủ phải ráng làm một cái gì đó. Mình thấy những nơi khác như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng chẳng hạn, người ta vẫn nuôi tôm bình thường mà sao ở đây mình không làm được? Vậy là mình cất công đi hỏi mấy công ty, rồi đi tham quan đây đó để người ta hướng dẫn cách nuôi tôm hiệu quả”, anh Ngay kể.

Hiện tại, không chỉ bám trụ trên ao tôm rộng 2 ha của gia đình, anh Ngay còn thuê thêm 1 ha và mới vay vốn đầu tư cải tạo đất, chuẩn bị thả lứa tôm đầu tiên. Mấy năm nay, vợ chồng anh tạo việc làm khá thường xuyên cho 4 nhân công. Ngoài ra, đôi vợ chồng này còn tranh thủ thu mua tôm cá của người dân trong vùng đem đến chợ đầu mối Bình Điền (Q.8, TP.HCM) hoặc những chợ lẻ để bán.

Có người thắc mắc: “Kinh tế nhà anh giờ đã khấm khá, còn anh đâu thua gì một ông chủ. Sao anh không nghỉ ngơi hưởng thụ, mà ngày nào cũng đầu tắt mặt tối để làm chi?”. Anh Ngay khoát tay: “Mình lao động kiếm được tiền, đâu có trộm của ai mà sợ. Đang còn trẻ, công việc mình đang phát triển thì mình cứ làm. Nếu tự cho mình là một ông chủ, không cần làm lụng nữa tức là mình tự cao đó!”.

Anh Ngay nhìn nhận, ban đầu anh có sự hỗ trợ của gia đình, nhưng đó chỉ là một phần trong chuyện lập nghiệp mà thôi. Anh khẳng định: “Mình phải nỗ lực bản thân là chính, chứ đồng tiền giúp đỡ hoặc những cái người ta đưa đến mà mình không chịu làm lụng phát triển, sau một thời gian nó sẽ tan thành mây khói”.

Chia sẻ kinh nghiệm với những bạn trẻ nông thôn đang tìm cách khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê nhà, anh Ngay nói: “Đường nào rồi cũng quay về với sở thích của mình thôi. Nuôi tôm đúng là sở thích, sở trường của mình, nhưng trước đây mình cứ lo đi tìm những cái khác ở đâu đâu, nên lúc đó không làm được gì”. Anh cũng không quên nhắn nhủ: “Đừng làm gì vi phạm tới pháp luật và hãy tự tin vào sự cố gắng của mình, một ngày nào đó thành công sẽ đến”. 

Tiến bộ rõ rệt

Lúc mới ra trại, anh Ngay còn sống lệ thuộc vào gia đình, chưa hòa nhập với anh em, bạn bè chòm xóm và người thân trong dòng họ. Nhưng 3 năm nay, anh đã bắt nhịp và ngày một cải thiện cuộc sống tốt hơn. Anh thể hiện sự tiến bộ rõ rệt về nhận thức pháp luật cũng như về khả năng phát triển kinh tế gia đình. Năm 2012, trong hội trại Thanh niên tiến bộ cấp cụm, anh Ngay đã chia sẻ kinh nghiệm vươn lên của bản thân. Năm 2013, nhận thấy anh Ngay có tham gia tích cực, Hội LHTN xã Hiệp Phước đã đề xuất để anh Ngay được tặng biểu trưng Gương điển hình tiến bộ cấp cụm và giấy khen của Hội LHTN TP.HCM.

Nguyễn Ngọc Thịnh
(Chủ tịch Hội LHTN xã Hiệp Phước, H.Nhà Bè)

Như Lịch

 >> Làm lại cuộc đời: Phải quyết tâm dữ lắm
 >> Làm lại cuộc đời: Vươn dậy từ lần vấp ngã
 >> Giúp bạn làm lại cuộc đời
 >> Làm lại cuộc đời

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.