Hành trình đến thiên đường ảo - Kỳ 5: Sống trong lòng giếng

29/12/2009 14:36 GMT+7

Thoát khỏi trại giam UKraine những tưởng cuộc hành trình sẽ thuận lợi hơn, đích đến đã cận kề như lời dụ dỗ của những kẻ tổ chức, nhưng cả nhóm lại rơi vào một hành trình bi kịch khác.

>>  Kỳ 1: Dưới những cánh rừng Calais 
>>  Kỳ 2: Đường tới “thiên đường” 

“Trước khi đi, chúng tôi cũng mường tượng được rất khổ nhưng không thể ngờ vượt trên sự tưởng tượng của chúng tôi là một hành trình như đi vào địa ngục. Cả một năm trời chỉ biết đến vượt biên, ngồi tù và sống ở trại tị nạn” - anh Bình tiếp tục câu chuyện.

“Trước khi đi, chúng tôi cũng mường tượng được rất khổ nhưng không thể ngờ vượt trên sự tưởng tượng của chúng tôi là một hành trình như đi vào địa ngục. Cả một năm trời chỉ biết đến vượt biên, ngồi tù và sống ở trại tị nạn” - anh Bình tiếp tục câu chuyện.

Hành trình trong cốp xe

Cứu được cả nhóm chín người ra khỏi nhà tù, những kẻ tổ chức cho họ một tuần hồi sức và sau nhập thêm một nhóm 11 người mới qua từ Việt Nam chuẩn bị vào cuộc vượt biên mới. Cuộc vượt biên lần này chuyển hướng qua Slovakia. Nếu vượt qua được ải này, cả nhóm sẽ tiếp tục vượt biên qua Cộng hòa Czech và từ đây ai đến Đức sẽ được đưa thẳng sang đó, còn người đi Anh sẽ phải làm thêm hành trình đến Pháp.

Lần vượt biên này được chuẩn bị chu đáo hơn, họ đưa thêm người địa phương (Ukraine) hộ tống và đi bằng xe tải. “Mỗi lần vượt chia thành nhiều nhóm và mỗi lần đi một nhóm, nhóm của tôi khoảng 10 người đi sau cùng. Xe tải chở người được đắp thêm một ngăn trên thùng xe. Họ cho chúng tôi nằm lên đó và hàn lại để ngụy trang.

Lần vượt này may mắn qua hết các trạm kiểm soát, theo bọn chúng kể lại thì chúng cũng có chung chi tại các trạm biên giới nên xe không bị khám xét” - anh Bình hồi tưởng lần vượt biên thứ hai. Nhưng lần vượt biên trót lọt đó cũng phải bầm dập bởi thùng xe nhỏ lại chứa cả chục con người chỉ đủ chỗ nằm chứ ngồi xổm cũng không được. Quãng đường vượt biên đi từ sáng sớm nhưng đến chiều tối mới qua khỏi biên giới Slovakia. Gần một ngày đường, cả nhóm muốn nghẹt thở vì hầm kín mít chỉ có vài lỗ thông hơi mà ruồi và kiến mới chui lọt.

Qua được cửa ải Slovakia, họ được đưa về một trạm cơ khí sửa chữa ôtô ở một vùng ngoại ô Slovakia để trốn tránh chính quyền địa phương. Gần một tháng sống chui nhủi, 20 người được thông báo chuẩn bị vượt biên qua Cộng hòa Czech, chặng cuối cùng để đến Đức và Pháp. Lần vượt biên này được tổ chức đi bằng ôtô.

Kể từ lúc bước lên máy bay đi Nga 30-12- 2003 (âm lịch) đến cuối năm 2004, anh Bình cùng nhóm đi chung đã bước chân qua ít nhất chặng đường 6 quốc gia.

Trong chặng đường đó họ đã ba lần vượt biên giới, ba lần ngồi tù, hai lần sống ở trại tị nạn, chưa kể mấy lần bị bắt khi vượt biên họ đều bị tạm giam ít nhất một tuần. Mỗi người trong họ mất ít nhất từ 7.000 USD trở lên.

Mỗi người đi một xe hơi bằng cách... nhét vào cốp xe(!). Mỗi xe đi cách nhau mấy chục phút để tránh bị kiểm tra ở trạm. Quãng đường ngắn hơn khi vượt qua Slovakia nhưng dường như ai cũng thấy dài vô tận. “Nằm trong thùng xe với cái nóng hầm hập, lại đi đường rừng nên đầu cứ va vào thành xe côm cốp, ê ẩm toàn thân. Cả người mồ hôi tuôn ra như tắm, tiếng máy xe ầm ầm bên tai muốn thủng màng nhĩ. Bi kịch nhất là phụ nữ, khi qua đến trại tập trung ở Czech (tại nhà một người Việt ở Praha) nhiều chị không còn đứng nổi. Ai cũng phồng rộp da tay da chân vì nóng.

Đến được Cộng hòa Czech lúc này, những kẻ tổ chức đường dây hiện nguyên hình là những kẻ vô lương tâm. Chúng họp tất cả lại thông báo từ Czech đi Đức, Pháp (để đến Anh) dễ như đi chợ, vì vậy ai chung đủ tiền sẽ tiếp tục đi tiếp. Mọi người phải thông báo về gia đình mang tiền đóng cho đường dây đang ở Việt Nam. “Tôi và chị Phương, anh Hoàng phải điện về để gia đình mang tiền ra một tiệm vàng ở thành phố Vinh đóng. Riêng vợ tôi ngoài việc đóng thêm 6.000 USD còn phải thế chấp một sổ đỏ” - anh Bình kể và cho biết tiếp nếu không chung tiền thì bọn chúng dọa thả ra đường cho cảnh sát bắt. Riêng những người đi Anh đóng cao hơn chúng tôi khoảng 5.000 USD.

“Trại tập trung” trong lòng giếng

Từ Ukraine sang Slovakia và dừng chân trú ngụ tại một trạm sửa chữa ôtô ở một vùng ngoại ô Slovakia được anh Bình ví như đi tù khổ sai. Ở đó, để tránh sự phát hiện của nhà chức trách, những kẻ trong đường dây đào một giếng sâu xuống lòng đất và xây dựng ở đó một “trại tập trung” đủ chứa khoảng 20 người.

Cả nhóm trải nghiệm một tháng sống trong lòng giếng, nói như anh Bình thì “hơn cả nhà tù khổ sai”. Họ không được ra ngoài, ăn uống thì... tệ hơn thức ăn của heo. Cứ mỗi bữa chúng mở nắp hầm rồi thả thức ăn xuống. Khi thì bánh mì với thịt heo mốc meo, khi thì chỉ vài bát cơm hẩm với thức ăn nguội lạnh. Đau ốm không thuốc men. Nhất là những người nghiện thuốc lá: không có thuốc hút mà có cũng chẳng dám hút vì sợ ngộp cả đám.

Giếng sâu có lỗ thông hơi xung quanh, nhưng mỗi khi trời mưa, giếng bị ngập thì lỗ thông hơi cũng bị bít. Những lúc đó ai cũng mong tới giờ cơm cho nhanh để nắp hầm được mở có chút không khí tràn vào. Nếu mưa vào ban đêm thì chỉ biết xắn quần, ôm đồ đạc đứng cả đêm chờ sáng. Cuộc sống ở giếng sâu không ánh sáng khiến da ai cũng xanh tái. Áo quần mặc từ ngày này sang ngày khác khiến bệnh ghẻ lở gặp phải ở Ukraine tái phát.

Sau gần một tháng khổ ải dưới giếng sâu, 20 người được đưa ra khỏi giếng để tiếp tục vượt biên sang Cộng hòa Czech rồi đưa về Praha. Tại đây nhóm hơn 10 người đi Anh tiếp tục hành trình đến Pháp. Một số người may mắn được người thân từ Đức qua đón. Riêng anh Bình cùng vài người khác vẫn tiếp tục ở lại Czech.

Thắc mắc với những kẻ tổ chức sao không được qua Đức như thỏa thuận, anh Bình nhận được câu trả lời là chúng chỉ tổ chức đưa qua Czech, còn từ Czech qua Đức phải tự lo lấy, nếu có người thân thì tự liên hệ mà đi. Biết gặp phải bọn lừa đảo, lại thêm trên đất khách quê người, anh Bình đành xuống nước và được chúng thu xếp cho đi lao động tự do ở các công trường xây dựng ở Praha.

Ở Czech, tối đi làm, đêm về xin nhập trại trị nạn để có chỗ dung thân và tìm cơ hội đi Đức theo đường tị nạn. Vật vã gần cả tháng ở Czech, anh Bình được cảnh sát thông báo sẽ trả về lại Slovakia. Tại đây, vì không giấy tờ tùy thân, không ai bảo lãnh nên anh bị bắt giam sáu tháng. Sau sáu tháng, cảnh sát cho anh ra tù đưa về trại tị nạn lao động, khi nào đủ tiền mua vé thì trả về Việt Nam. Nhờ sự can thiệp của Đại sứ quán Việt Nam và số tiền 60 triệu đồng từ quê nhà gửi sang, anh Bình thoát được, trở về nhà sau hành trình ác mộng một năm trời.

Theo Hồ Văn / Tuổi Trẻ

Từ miền trung họ được đưa qua châu Phi. Từ châu Phi sẽ được đưa tới Pháp sống trong rừng và tìm cách vượt biên qua Anh. Đường dây này có lúc đưa cả trăm người sang Tanzania. Chỉ một vài người sau đó may mắn được đưa tới Pháp, hầu hết bị bỏ rơi tại châu Phi...

Kỳ cuối: Lạc giữa “lục địa đen”

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.