Gần 50 doanh nghiệp sắp lên sàn

27/10/2008 22:47 GMT+7

Sẽ có thêm gần 50 doanh nghiệp mới niêm yết cổ phiếu trên cả hai sàn chứng khoán TP.HCM và Hà Nội từ nay đến cuối năm.

Công ty cổ phần giấy Sài Gòn đã cam kết với các cổ đông sẽ niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) từ cuối năm 2007 hoặc đầu năm 2008. Tuy nhiên, vì đầu năm nay thị trường bắt đầu giảm xuống, giá các cổ phiếu (CP) giảm mạnh nên công ty này vẫn chưa thực hiện kế hoạch này. Hiện nay, công ty đang tổ chức thực hiện hoàn chỉnh bộ hồ sơ nộp lên HOSE để hoàn tất kế hoạch lên sàn. Theo ông Cao Tiến Vị - Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty - việc lên sàn không thể trì hoãn hơn nữa vì phải thực hiện theo đúng cam kết với các cổ đông. 

Bên cạnh một số công ty vẫn đang trong quá trình lập hồ sơ niêm yết, số lượng các công ty đã nộp hồ sơ hoặc được chấp thuận niêm yết tại HOSE và Trung tâm Giao dịch chứng khoán Hà Nội vẫn đang tăng lên từng ngày. 

Trong đó có không ít công ty lớn về quy mô và số lượng CP niêm yết hơn cả nhiều công ty đang có mặt trên sàn chứng khoán. Đó là Tổng công ty tài chính cổ phần dầu khí Việt Nam PVFC sẽ chào sàn vào đầu tháng 11 với mã chứng khoán PVF với số lượng 500 triệu CP. Đây là số lượng CP niêm yết nhiều nhất của một công ty từ trước đến nay. Hiện doanh nghiệp có số lượng CP niêm yết trên sàn chứng khoán nhiều nhất là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (STB) với gần 440 triệu CP. Một doanh nghiệp lớn là Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai đăng ký niêm yết gần 120 triệu CP; Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng đã được chấp thuận niêm yết hơn 57 triệu CP phổ thông; Công ty cổ phần xi măng Hà Tiên 2 đăng ký niêm yết 88 triệu CP; Công ty cổ phần vàng bạc đá quý Phú Nhuận được chấp thuận niêm yết 30 triệu CP; Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội sẽ niêm yết 50 triệu CP... 

Việc lên sàn để tạo tính thanh khoản cho CP của công ty, làm cho nhà đầu tư an tâm - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giấy Sài Gòn Cao Tiến Vị
Trước khối lượng CP sẽ niêm yết mới rất lớn đó, nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo ngại thị trường sẽ bị pha loãng và giá CP đang giảm rất mạnh sẽ lại tiếp tục giảm. Ông Trương Duy Khiêm - Trưởng phòng môi giới Công ty chứng khoán Ngân hàng Á Châu - nhận định với tâm lý bi quan hiện nay của NĐT, việc CP niêm yết mới quá nhiều sẽ khiến cho nguồn cung tăng lên và cầu sẽ khó theo kịp. "Tuy nhiên, thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn còn quy mô quá nhỏ so với nhiều TTCK trong khu vực. Vì vậy nếu xét về dài hạn thì càng có nhiều doanh nghiệp niêm yết khiến cho thị trường càng lớn hơn, tính thanh khoản của thị trường càng tốt hơn cũng như thu hút được nhiều NĐT nước ngoài tham gia", ông Khiêm nói. 

Theo chuyên gia tài chính Đinh Thế Hiển, nguồn vốn đầu tư vào TTCK ở nhiều nước đa số là nguồn vốn tiết kiệm, nhàn rỗi của người dân được đầu tư thông qua các quỹ, đều đặn tăng lên từng tháng và khá ổn định. Bên cạnh đó, việc tăng cung CP của các doanh nghiệp cũng ở mức hợp lý, từ 15-20%/năm nên cung-cầu luôn gặp nhau. Trong khi nguồn vốn trên TTCK Việt Nam hiện nay từ nhiều nguồn khác nhau và theo kiểu đầu tư ngắn hạn nên không ổn định. "Việc tăng cung nhưng cầu không theo kịp sẽ có tác động không tốt đến thị trường.

Thế nhưng NĐT không nên đánh đồng các doanh nghiệp niêm yết mới theo kiểu "cá mè một lứa" mà phải có sự đánh giá và chọn lựa. Chúng ta phải khuyến khích chuyện doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán vì lợi ích của nền kinh tế nói chung và NĐT nói riêng", ông Hiển nói. 

Tuy nhiên, ông Hiển cũng cho rằng cơ quan quản lý nhà nước phải có sự giám sát chặt chẽ việc công bố thông tin khi lên sàn của doanh nghiệp. Đồng thời các quỹ đầu tư nên đẩy mạnh việc xây dựng cơ chế huy động vốn dài hạn và ổn định để tăng nguồn cầu cho thị trường. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt, trong tình hình hiện nay, rất cần có các chính sách hỗ trợ thị trường để có thể cải thiện nguồn cầu và điều chỉnh nguồn cung cho hợp lý hơn. 

Mai Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.