“Làm xiếc” cùng hương vị

22/11/2005 21:16 GMT+7

Lúc thì ngà ngà mặt đỏ hồng vì "xỉn" do tập làm bartender; lúc thì nghịch ngợm, tập "mổ cò" thử nghiệm với chương trình power point; lúc thì lấm tấm mồ hôi "vật lộn" với bếp núc; hoặc khi thì người tỏa đầy mùi vị của... bánh nướng! Đó là những gì mà nhiều người miêu tả để "nhận diện" về những nữ học viên đang theo học nghề tại Trường nghiệp vụ nhà hàng dành cho trẻ em đường phố tại TP.HCM.

"Ong thợ" tương lai

Hầu hết các bạn gái trẻ theo học nghề tại đây đều có hoàn cảnh khó khăn: các bạn chỉ có trình độ cấp II, người đến từ những mái ấm, nhà tình thương; người thì thuộc gia đình chính sách... Họ gặp nhau nơi này với lòng ham học hỏi, với cùng một ước mơ về cuộc sống tươi đẹp ở tương lai. Trường nghiệp vụ nhà hàng có 3 lớp chính: bếp, phục vụ và làm bánh. Để trở thành một nhân viên phục vụ, phụ bếp hay đầu bếp chính là cả một quá trình dài học hỏi kinh nghiệm về nghiệp vụ và vốn sống của những cô gái này. Bạn Lê Ngọc Thảo cho biết: "Nhà mình ở tận Q.4, được các cô chú giới thiệu vào đây. Ở trường mình không chỉ được học nghiệp vụ nhà hàng mà còn được bổ sung kiến thức phổ thông về toán, ngoại ngữ và cách thức viết một bản báo cáo tường trình, phòng khi gặp khó khăn ở chỗ làm việc. Mình đang theo học lớp bếp nên được thực hành rất nhiều món ăn u - Á. Thú vị là khi được nếm các món ăn do chính tay mình làm, có một cảm giác rất lạ khác với ăn hàng quán...". Thảo còn bẽn lẽn nói thêm, nhiều lúc thực hành mà lại đang... đói bụng thì rất "khổ" vì mùi thức ăn hấp dẫn quá!

Món cá chiên sốt thơm phức được "hứa hẹn" từ đôi bàn tay khéo léo của Ngọc Thảo. Ảnh: Châu Anh

Còn Oanh thì đang nỗ lực để trở thành một bartender (người pha chế rượu) đúng như giấc mơ của mình. Oanh đang theo học lớp phục vụ ở trường, ngoài việc học cách bưng bê, đón khách, đặt tiệc... thì bạn còn "dắt lưng" luôn nghề pha chế rượu. Oanh tâm sự: "Có vẻ nghề phục vụ bàn này hợp với các bạn nam hơn, vì làm tại những nhà hàng lớn của nước ngoài, mỗi lần mình bưng bê hơn chục cái đĩa, chưa kể là kèm theo những thứ khác như chai bia, muỗng... rất nặng, trong khi đó chủ nhà hàng yêu cầu mọi phục vụ viên chỉ được bưng bê một tay. Sức con gái quá yếu không thể làm xuể, vì thế dù rất thích công việc này nhưng mình vẫn phải chuyển đổi sang học pha chế rượu".

Thế nhưng để trở thành một người pha chế rượu giỏi là chuyện không dễ dàng. Công việc này nhìn bề ngoài tưởng chừng đơn giản nhưng không phải ai cũng làm được. "Bài học đầu tiên của mình là nhận diện mùi rượu. Bởi có mấy chục mùi rượu khác nhau nên cũng phải có cả trăm loại cocktail khác nhau với nhiều mùi và vị. Nếu mình không nắm bắt được tất cả các loại rượu thì khó có thể pha chế ra một cocktail tuyệt hảo", Oanh giải thích thêm về nghề. Hồi đầu, chỉ mới ngửi sơ qua vài loại mùi rượu: bạc hà, ca cao, hạnh nhân... Oanh đã thấy choáng vì không thể phân biệt được tất cả khi cùng ngửi một lúc. Thú vị là sau khi kết thúc bài học "nhận diện" rượu thì các bạn được "nhập cuộc" học cách pha chế. Cứ sau khi kết thúc một tác phẩm, họ phải tự nếm thử sản phẩm của mình. Mặt e thẹn, Hồng - cũng lớp phục vụ - cho biết: "Lần đầu mới nếm thử đã thấy mắt mũi ngà ngà rồi. Rượu Tây rất mạnh nên chỉ vừa cạn một ly nhỏ thì tụi mình cũng vừa "thăng" luôn".

Con đường lập nghiệp

Ngọc Thảo sinh năm 1984. Tháng 2 năm tới là Thảo hoàn thành chương trình học của mình. Hiện tại cô đang thực tập làm phụ bếp tại một nhà hàng Pháp trên đường Thái Văn Lung, Q.1. Tuy được học rất nhiều món nhưng Thảo chỉ mới được làm những công việc sơ chế thức ăn như làm các món trộn; thỉnh thoảng mới được mọi người tạo cơ hội cho nấu mấy món chính: cá phi-lê, bò bít-tết. Thảo nói: "Mình rất thích theo học lớp bếp. Nó không chỉ đem lại cho mình công việc ổn định sau này mà mình còn được biết thêm nhiều món ăn ở các nước. Có điều công việc xào nấu khá vất vả vì phải đứng cạnh bếp lửa thường xuyên trong một căn phòng nhỏ. Bạn nào chịu đựng giỏi thì mới yêu công việc được".

Còn Hồng thì đã đi thực tập tại một tiệm phở trên đường Mạc Thị Bưởi. Ở đây Hồng phải thường xuyên bưng bê từng chồng đĩa, bát lên xuống lầu, với sức con gái thì hơi khó nên Hồng được các anh phục vụ nam tại đây giúp đỡ rất nhiều. Trước khi đi làm Hồng cứ băn khoăn "nếu lỡ khách đông quá, mình mang nhầm đồ ăn thì biết làm sao?". Đến lúc đi làm thiệt mới biết, khi khách kêu món thì ghi luôn số bàn nên không sợ mang nhầm. Hồng cho biết: "Mình may mắn là biết sơ sơ tiếng Nhật, tiếng Pháp, tiếng Anh, mà các phục vụ khác tại tiệm phở không biết ngoại ngữ. Khi có khách nước ngoài tới là các anh phục vụ tự nhiên trốn đi đâu hết cả, để mình ra nghe khách gọi món. Mình thấy ngoại ngữ là rất quan trọng, hỗ trợ rất nhiều cho công việc".

Được biết, để giúp các bạn nâng cao tay nghề, trường cũng có mở một nhà hàng ngay trong khuôn viên của trường. Những học viên như Oanh, Thảo, Hồng thường được vào đó để thử tay nghề của mình. Buổi trưa, nếu ai được dịp nếm món ăn tại căn-tin của trường thì đó chính là tài nghệ nấu nướng của các cô nàng đó!

C.Anh - P.Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.