Hà Nội: Mải bán nhà, "quên" xây trường

27/11/2007 12:22 GMT+7

Nhà cứ xây, cứ bán nhưng rất nhiều cư dân của các khu đô thị mới hiện nay của Hà Nội thất vọng vì hệ thống hạ tầng xã hội quá yếu kém. Chị Minh ở khu Trung Hòa - Nhân Chính (quận Cầu Giấy) nhưng hàng ngày chị phải chở cậu con lớn vào học ở trường Chu Văn An và cô con gái nhỏ vào trường mầm non tư thục trên phố Tây Sơn (Đống Đa).

Chị lý giải: "Ở khu đô thị mới của tôi cũng có trường học nhưng rất cao cấp, học phí tính bằng đô-la nên biết là bất tiện vẫn phải đưa con đi học xa". Rất nhiều các khu đô thị khác cũng ở trong tình trạng tương tự. Khu đô thị mới Định Công - Đại Kim có hẳn mấy ha đất dành cho xây dựng trường nhưng 7 năm kể từ khi khu đô thị này được đưa vào sử dụng vẫn chưa tìm được chủ đầu tư xây dựng khu trường này. 

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó chủ tịch UBND quận Hoàng Mai khẳng định một thực tế, các khu đô thị chỉ toàn xây nhà để bán còn trường học, siêu thị, chợ, trạm y tế, trụ sở công an... thiếu trầm trọng.

Ông Hải nói: "Quận có 8 khu đô thị mới với 19 nhà trẻ và 20 công trình công cộng phải xây dựng theo quy hoạch. Thế nhưng, sau nhiều năm, mới có 2 nhà trẻ và 2 công trình công cộng xây dựng xong. Người dân đã vào sinh sống ở các khu đô thị mới này rất bức xúc do sinh hoạt khó khăn".

Rất nhiều những bất cập về hạ tầng xã hội tại các khu đô thị mới vừa được chỉ ra trong báo cáo giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố. Bí thư quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Thị Minh Ngọc còn bức xúc về tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ, tùy tiện tăng giá dịch vụ, khiến tranh chấp giữa người dân và Ban quản lý các khu đô thị mới xảy ra thường xuyên. "Người dân hỏi quận, quận hỏi thành phố thì được trả lời: phải chờ quy chế quản lý khu đô thị mới của Bộ Xây dựng. Biết chờ đến bao giờ? Nên chăng thành phố đưa ra quy chế tạm thời để xử lý những vấn đề thời sự bởi người dân đang rất mong", bà Nguyễn Thị Minh Ngọc đề nghị.

Phải công khai để nhân dân giám sát

Hầu hết các khu đô thị mới đều có quy hoạch trường học, bệnh viên, nhà trẻ, mẫu giáo... nhưng trên thực tế thì cơ chế để triển khai những hạng mục hạ tầng xã hội lại không được quy định cụ thể, rõ ràng nên rất khó thực hiện.

Có một vài khu, chủ đầu tư "bao" cả phần đầu tư các công trình công cộng thì "đẻ ra" các trường học đầu tư cao cấp, học phí thu bằng đô-la như khu Trung Hòa - Nhân Chính, Ciputra...; một số khu đất công cộng được bàn giao lại cho quận đầu tư thì không triển khai được do "không có kinh phí".

Việc kêu gọi chủ đầu tư theo hình thức xã hội hóa trong lĩnh vực này tỏ ra chưa hấp dẫn, đơn cử như tại khu đô thị mới Định Công - Đại Kim, từ chỗ 4 chủ đầu tư là các doanh nghiệp tư nhân "tranh nhau" mảnh đất xây trường học do UBND quận quản lý thì nay gần như đã rút hết do không chịu nổi những thủ tục phiền hà, phức tạp mà chính quyền yêu cầu. 

Bà Bùi Thị An, đại biểu HDND thành phố cho rằng, khi ký duyệt quy hoạch các khu đô thị, thành phố cần phải công khai những hạng mục, công trình hạ tầng xã hội và thời điểm phải hoàn thành để người dân biết, giám sát, đôn đốc thực hiện. Bà An cho rằng cũng cần thiết phải có các quy định, chế tài xử lý đối với những trường hợp hạ tầng xã hội không đi liền đồng bộ với tiến độ khu đô thị.

"Lợi ích của người dân và Nhà nước bị vi phạm nghiêm trọng trong khi các chủ đầu tư chỉ biết bỏ đầy túi riêng. Đây là hậu quả của việc buông lỏng quản lý theo quy hoạch và thiếu kiểm soát sau giao đất của thànhh phố", Phó chủ tịch HDND thành phố Lê Quang Nhuệ kết luận.

Duy Kiên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.