Cần chấm dứt can thiệp hành chính vào hoạt động điều tra, xét xử

01/11/2005 00:23 GMT+7

Ngày 31/10, Quốc hội (QH) đã kết thúc phần thảo luận về báo cáo của các cơ quan tư pháp. Mặc dù ghi nhận rằng chất lượng, hiệu quả của hoạt động điều tra, truy tố, xét xử có được nâng lên và điều đó thể hiện ở tỷ lệ án oan sai giảm đi kể từ tháng 10/2004 đến nay, nhiều đại biểu (ĐB) vẫn lo ngại về tình trạng oan sai, về hiệu quả của hoạt động của các cơ quan tư pháp... và đã có những kiến nghị cụ thể, yêu cầu các ngành công an, kiểm sát, tòa án phải nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong thời gian tới...

Thông tư lại “đẻ” thêm 2 trường hợp

Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ QH về bồi thường oan sai đã phát huy tác dụng nhiều mặt, góp phần làm tăng hiệu quả, tính chính xác của công tác điều tra, truy tố, xét xử nhưng trong phiên thảo luận hôm qua, các ĐBQH cũng chỉ ra những hạn chế mà Nghị quyết này đang vướng phải. Ông Trần Ngọc Đường (Kiên Giang) thẳng thắn: "Hạn chế của 388 chính là ở cơ chế thương lượng, thương lượng giữa cá nhân và Nhà nước là việc rất khó bảo đảm tính khách quan".

ĐB Lê Thị Nga (Thanh Hóa) cũng tỏ ra không bằng lòng về cơ chế giải quyết của 388. Bà Nga nói: "Trong các văn bản hướng dẫn thi hành quy định, không bằng lòng về việc bồi thường oan sai, người dân có thể kiện dân sự. Nhưng theo tôi, cách giải quyết này không khách quan, chẳng hạn cơ quan bị kiện là tòa án thì lại trở thành người xử lý hoặc tòa cấp trên xử tòa  cấp dưới". Cũng theo bà Nga, Thông tư hướng dẫn Nghị quyết 388 đang làm hạn chế tác dụng của Nghị quyết này: "Nghị quyết quy định 4 trường hợp không được bồi thường nhưng Thông tư lại "đẻ" thêm 2 trường hợp nữa, một là người chưa có việc làm hoặc không có thu nhập ổn định không được xét bồi thường; hai là người bị khởi tố, truy tố về nhiều tội trong một vụ án thì dù có bị xử oan 2 tội nhưng chỉ cần đúng 1 tội cũng không được xét bồi thường". Bà Nga cho rằng đây là quy định rất vô lý.

Độ tin cậy của ngành tư pháp

Phần cuối buổi thảo luận, một số ĐBQH cho rằng, mặc dù chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp có được nâng lên nhưng vẫn còn có nhiều vấn đề rất bức xúc. Theo ĐB Nguyễn Thanh Bình (Bắc Ninh), lượng đơn thư khiếu tố trong lĩnh vực tư pháp còn tăng và điều này chứng tỏ "chất lượng công tác xét xử, giải quyết khiếu tố của dân trong lĩnh vực này còn có vấn đề". Dẫn ra nhiều vụ việc mà qua giám sát của Ủy ban Thường vụ QH, của Ủy ban Pháp luật của QH phát hiện ra oan sai mà trước đó ngành tòa án vẫn kêu là giải quyết đúng hoặc cho là "khiếu nại không có căn cứ", ĐB Nguyễn Thanh Bình đặt câu hỏi: "Đấy chỉ là qua giám sát một số vụ, thế nếu kiểm tra hết số vụ việc thì liệu các trường hợp oan sai còn là bao nhiêu ?".

ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) gay gắt nói: "Việc phòng, chống ma túy là chưa thực sự hiệu quả. Ở nhiều nơi, dân nói bây giờ đi mua thuốc phiện, ma túy dễ như đi mua thuốc lào, thuốc lá. Cho nên tỷ lệ nghiện ma túy không giảm, tỷ lệ tái nghiện còn cao trên 85-90%, có nơi đến 99%". Ông đề nghị: "Phải có giải pháp mới, triệt để chống ma túy ngay tại địa bàn xã, phường".

Theo ĐB Tôn Nữ Thị Ninh (Bà Rịa -  Vũng Tàu), báo cáo hoạt động của các ngành tư pháp không làm rõ hiệu quả, hiệu lực của bộ máy tư pháp đến đâu. Trên thực tế, nêu ra việc các đoàn ĐBQH có gửi phiếu khảo sát đến nhiều người nước ngoài đang sinh sống tại VN thì họ đều cho rằng "người dân VN tốt, mến khách nhưng ngành tư pháp VN là không đáng tin cậy", theo bà Ninh thì "đó là nhận xét khách quan" và cần phải coi là "một vấn đề trọng tâm của ngành tư pháp". Được Phó chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu đề nghị trả lời, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn đáp: "Nhiều nước hiện nay đánh giá ta là đất nước hòa bình, ổn định, và khả năng là nước thứ 10 trên thếá giới thu hút nhiều khách du lịch".

Một vấn đề đáng chú ý là tại phiên họp, một số ĐBQH cho rằng, việc điều tra, truy tố hiện nay còn bị tác động bởi những can thiệp hành chính từ bên trên nên cũng gây ra những oan sai. Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục, Thanh - Thiếu niên và Nhi đồng Nguyễn Viết Chức nói: "Chúng ta không tam quyền phân lập nhưng tòa án phải độc lập, chỉ tuân theo pháp luật khi xét xử. Hiện nay có tình trạng trước xét xử, có điện thoại, thư từ cho chánh án. Như thế là không nghiêm, gây tác động tư tưởng từ bên ngoài là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan sai". ĐB Nguyễn Mạnh Đức (Yên Bái) nói: "Phải để cơ quan tư pháp độc lập, không để xảy ra việc can thiệp sâu. Chứ hiện nay, vì có sự can thiệp nên ở một số vụ án, tội phạm to bằng con voi, đến khi xử bé như con chuột. Có những ngành thành ra vùng cấm, ĐBQH vào cũng không thực hiện giám sát được". Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Khánh Toàn nhất trí: "QH nên giao đủ quyền cho các cơ quan bảo vệ pháp luật và người làm công tác điều tra, truy tố sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật".

*Cùng ngày, QH đã bắt đầu xem xét tờ trình về dự thảo Luật Hàng không dân dụng VN (sửa đổi) và nghe báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về dự án luật này. Theo dự thảo luật (điều 110 và điều 101), việc thành lập Hãng hàng không VN phải có giấy phép (do Bộ trưởng Giao thông vận tải cấp). Đề nghị này cũng nhận được sự tán thành của Ủy ban Pháp luật của QH với quan điểm cho rằng, kinh doanh vận chuyển hàng không là "ngành kinh doanh đặc thù, có điều kiện, đòi hỏi khắt khe về công tác đảm bảo an ninh, an toàn, chủ quyền quốc gia, an ninh quốc gia về vùng trời...". Một số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật cho rằng, một số quy định về chính sách khuyến khích đầu tư của các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế vào ngành hàng không dân dụng là "quá chung chung" nhưng cũng có một số ý kiến cho rằng, các chính sách cụ thể sẽ được quy định rõ hơn trong các luật chuyên ngành như  Luật Đầu tư, Luật Thuế... Dự luật này sẽ được QH thảo luận tại hội trường vào ngày 15/11.

Mạnh Quân - Tuyết Nhung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.