Cứu hộ cứu nạn

23/10/2010 00:48 GMT+7

Phải nói ngay, các vụ việc cần cứu hộ cứu nạn cấp bách trong điều kiện thời tiết hay địa hình phức tạp, thì lực lượng cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp của nhà nước phải là chủ đạo. Không những thế, trong một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thì đích thân Chính phủ phải là “Tổng chỉ huy” cho các hoạt động cứu nạn. Kinh nghiệm vụ giải cứu thần kỳ cho 33 thợ mỏ Chi Lê đã minh chứng cho điều đó.

Nói như trung tướng Nguyễn Sơn Hà - nguyên Chánh văn phòng Ủy ban quốc gia tìm kiếm cứu nạn, là “hiện nay có những tình huống, thảm họa, sự cố, không phải cứ đông người là có thể ứng cứu được mà cần phải có những đơn vị chuyên nghiệp có chuyên môn và thực sự tinh nhuệ mới đảm đương được”. Phải nói thẳng, “những đơn vị chuyên nghiệp và tinh nhuệ” trong cứu nạn như thế hiện nay chúng ta chưa có, hoặc đã có nhưng không đáp ứng được yêu cầu trong những tình huống cứu nạn khó khăn phức tạp.

Vậy thì về phần nhà nước, việc thành lập, huấn luyện và trang bị hiện đại cho những “đội quân cứu hộ cứu nạn chuyên nghiệp” là việc cần làm ngay. Và phải làm ngay bây giờ thì một thời gian sau mới có được một đội quân đáp ứng được yêu cầu và hoạt động hiệu quả.

Trong chiến tranh, từ rất sớm chúng ta đã thành lập những đơn vị bộ đội đặc công, nhưng cũng phải qua thời gian và thực tế chiến trường, những đơn vị ấy mới trưởng thành và trở thành lực lượng đặc biệt tinh nhuệ của quân đội ta. Việc cứu hộ cứu nạn trong thế giới hiện đại cũng yêu cầu phải thành lập những “đơn vị đặc công cứu nạn” như thế, với những người lính tinh thông các phương pháp và phương tiện cứu nạn, có kỹ năng cao khi tham gia cứu nạn, và cũng tự biết bảo vệ mình khi cứu nạn trong điều kiện đặc biệt nguy hiểm.

Chúng ta có thể mua những máy bay, tàu cứu nạn hiện đại, nhưng nếu thiếu những người thật sự chuyên nghiệp để sử dụng chúng, và thiếu những cơ chế linh hoạt để điều hành, thì hiệu quả vẫn cứ sẽ thấp.

Trong việc cứu nạn, đầu tàu là các đơn vị chuyên nghiệp, nhưng nếu thiếu sự tuyên truyền, trang bị và chuẩn bị tinh thần ứng cứu và tự cứu cho toàn dân, cho cả cộng đồng, đặc biệt là những cộng đồng ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai, thì hiệu quả cứu nạn cũng không thể cao được. Việc chuẩn bị hay huy động người dân tham gia cứu nạn phải được tiến hành ngay khi thiên tai chưa xảy ra, phải được tập dượt thường xuyên một cách thực chất chứ không phải hình thức, và khi cần, phải huy động được nhanh nhất lực lượng ứng cứu ngay trong cộng đồng dân cư.

Cuộc cứu nạn trục vớt chiếc xe khách bị chìm dưới đáy sông cùng 20 hành khách vừa rồi đã chứng tỏ nhiệt tình và kỹ năng cứu nạn của người dân, ở trong dân là một tiềm năng lớn cần được phát huy. Những người dân - thợ lặn can đảm và tận tâm đã lặn xuống đáy sông nước lạnh sâu hàng chục mét ngay trong đêm để móc cáp, buộc dây giúp trục vớt chiếc xe bị nạn. Họ là những tình nguyện viên vừa có kỹ năng vừa có tấm lòng - hai điều kiện cần và đủ cho lực lượng cứu nạn hoạt động hiệu quả. Dĩ nhiên, là phải có cả phương tiện tốt và hiện đại. 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.