Tuần lễ cấp cao APEC: Cơ hội vàng cho các khách sạn Hà Nội

12/11/2006 22:49 GMT+7

Có 8 khách sạn 5 sao ở Hà nội sẽ đón các đoàn khách chính thức của 21 nền kinh tế APEC tham dự APEC. Hà Nội dự kiến đón gần 10.000 lượt đại biểu quốc tế đến dự các hội nghị APEC diễn ra từ ngày 12 – 19/11.

Các khách sạn ở Thủ đô đã được huy động hết công suất phòng, hứa hẹn một mùa kinh doanh bội thu. Tuy nhiên, mức tăng giá thái quá có thể ảnh hưởng đến mục tiêu quảng bá về một Việt Nam mến khách.

Cho đến nay tất cả 8 khách sạn 5 sao tại Hà Nội được chỉ định đón các đoàn nguyên thủ đều báo đã được đặt phòng gần kín hết cho tuần lễ cấp cao. Một số khách sạn đã khóa sổ không nhận đặt mới trong thời gian này. 10 khách sạn ít “sao” hơn được chỉ định đón các phóng viên báo chí cũng thông báo không còn nhiều phòng trống trong thời gian các hội nghị APEC diễn ra. Đây quả là một tin mừng cho ngành kinh doanh khách sạn tại Hà Nội.

APEC luôn là một cơ hội vàng cho các nền kinh tế chủ nhà, các địa phương nơi hội nghị diễn ra thực hiện các mục tiêu kinh tế bên cạnh những mục tiêu khác. Tuần lễ cấp cao APEC năm ngoái tại Busan, Hàn Quốc đem lại thêm 10.000 việc làm mới và 400-500 triệu USD cho thành phố này, theo lời ông thị trưởng Busan. Để nắm bắt cơ hội này, các khách sạn ở Hà Nội đã chuẩn bị từ rất sớm, hợp tác chặt chẽ với Tiểu ban Lễ tân của Ủy ban quốc gia về APEC 2006 để xác định những nhu cầu cụ thể của các đoàn và tiến hành cải tạo, nâng cấp, mua sắm mới. Trong tháng 8 vừa qua, Tổng cục Du lịch phối hợp với Ban Thư ký APEC 2006 cũng tiến hành tập huấn nghiệp vụ cho 1.800 cán bộ và nhân viên của trên 100 khách sạn trên địa bàn Hà Nội. Cho đến nay, theo Ban Thư ký APEC 2006, tất cả các khách sạn đã sẵn sàng.

Tuy nhiên, đã có những phàn nàn từ phía khách hàng về giá cả của các khách sạn. Trung bình, giá phòng của các khách sạn 5 sao tăng gấp 3 lần so với bình thường, còn tại các khách sạn ít sao thậm chí còn tăng gấp 4 lần hoặc hơn. Sự tăng giá này chủ yếu diễn ra tại các khách sạn được chỉ định đón các đoàn đại biểu và báo chí quốc tế (tổng cộng 19 khách sạn). Xin lưu ý là không có quy định nào bắt buộc các đại biểu (trừ các trưởng đoàn và quan chức cấp cao) phải ở trong các khách sạn được chỉ định. Vì vậy nếu các khách sạn, nhất là 10 khách sạn được chỉ định đón giới báo chí, ra giá cao quá, khách có thể chuyển sang đặt phòng ở các khách sạn khác, và đây chính là cơ hội dành cho các khách sạn không nằm trong danh sách chỉ định. Theo cô Anita Douglas, Trưởng ban Tuyên truyền của Ban Thư ký APEC có trụ sở đặt tại Singapore, giới báo chí và nhiều đại biểu đến dự tuần lễ cấp cao APEC tại Busan năm ngoái đã rất bực bội vì bị “chém đẹp” bởi không chỉ các khách sạn mà còn bởi các nhà cung cấp dịch vụ khác như viễn thông, ăn uống, giải trí. Đồng nghiệp của cô Anita, anh Chris Hawkin, cũng chọn cách tránh xa những khách sạn 5 sao tại Hà Nội (mặc dù có tiêu chuẩn ở đó) và đến thuê tại khách sạn Nhà Thờ, nơi cho anh cơ hội “thực sự tận hưởng đặc trưng của Hà Nội.”

Một điều nữa cũng khiến nhiều đại biểu phàn nàn là các khách sạn được chỉ định yêu cầu đặt cọc 100% hoặc hơn trước 1 tháng với các điều kiện hết sức ngặt nghèo. Đành rằng đây là quyết định kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh cầu lớn hơn cung, nhưng cái lợi trước mắt này rất có thể gây tác hại không nhỏ trong tương lai. Chỉ cần một số ít trong số khoảng hơn 1.000 phóng viên báo chí quốc tế phàn nàn về khách sạn Hà Nội và qua đó, rất có thể họ sẽ khái quát hóa cho cả Việt Nam, thì lượng khách du lịch tiềm năng đến nước ta trong tương lai sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.

Thành Vũ – Xuân Danh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.